Theo số liệu mới nhất của Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình TPHCM, số con trung bình của một phụ nữ TPHCM trong độ tuổi sinh đẻ là 1,32, trong khi năm ngoái là 1,42.
Gần 20 năm qua, mức sinh ở TPHCM dao động ở mức 1,24-1,7, thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế Việt Nam đang duy trì (2-2,1 con trên mỗi phụ nữ); với mức sinh trên, TPHCM tiếp tục được xếp vào nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp nhất cả nước.
Theo bà Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, nguyên nhân khiến phụ nữ “ngại” sinh con là do các gia đình trẻ chịu nhiều áp lực về kinh tế, giáo dục, việc làm. Chi phí nuôi con hiện nay rất cao khiến cho nhiều người cảm thấy việc có thêm con trở nên rất áp lực.
Mặc dù thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng theo bà Tuyết, như vậy vẫn chưa đủ để khuyến khích các cặp vợ chồng trẻ. Các chính sách này cần được cải thiện để đảm bảo sự hỗ trợ thiết thực và hiệu quả, từ việc cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế đến tài chính và giáo dục.
Bác sĩ Lê Trường Giang - Chủ tịch Hội Y tế công cộng TPHCM - cho rằng cần dừng các chính sách kiểm soát sinh để chuyển hẳn sang chính sách khuyến khích sinh, bằng cách thay đổi khẩu hiệu từ “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con” thành “Mỗi cặp vợ chồng tự quyết định số con của mình".
Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình TPHCM, hiện thành phố đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, với hơn 1,1 triệu người trên 60 tuổi (chiếm tỷ lệ 12,05%). Già hóa dân số tại thành phố chịu sự tác động lớn của mức sinh thấp, mức chết thấp và tuổi thọ trung bình tăng cao. Thời gian sống sau nghỉ hưu tăng lên, làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế và hệ thống trợ cấp lương hưu.
Trước thực trạng tỷ lệ sinh ngày càng giảm, Chi cục đã đề xuất các chính sách khuyến sinh nhằm cải thiện chỉ tiêu này, thậm chí đưa vào nghị quyết của HĐND thành phố về chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.
Năm 2024, TPHCM đặt chỉ tiêu tổng tỷ suất sinh là 1,36 con/phụ nữ.