Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số (CĐS), ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác Hội và phong trào phụ nữ, qua đó không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cập nhật hoạt động Hội lên Trang thông tin điện tử Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nam Định. |
Nhằm tạo ra phong trào ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS trong công tác Hội và sản xuất, kinh doanh, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã tổ chức tuyên truyền tới các cán bộ, hội viên về những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 09-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về CĐS tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về CĐS, từ đó nâng cao nhận thức về CĐS cho hội viên phụ nữ.
Một trong những nội dung ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả của Hội LHPN tỉnh là triển khai phần mềm quản lý cán bộ, hội viên tới các cấp Hội. Sau khi Hội LHPN Việt Nam triển khai đưa vào sử dụng phần mềm quản lý hội viên trên toàn quốc, Hội LHPN các cấp đã tổ chức hướng dẫn cán bộ Hội khẩn trương nhập dữ liệu hội viên, thực hành trực tiếp với phần mềm.
Đến nay, 100% cơ sở Hội sử dụng được phần mềm quản lý cán bộ, hội viên; dữ liệu về hội viên trên địa bàn tỉnh được cập nhật đầy đủ, giúp việc quản lý hội viên chính xác, khoa học. 100% Hội LHPN cơ sở thực hiện tuyên truyền, báo cáo hoạt động Hội trên zalo, facebook, fanpage.
Hội LHPN tỉnh duy trì, phát huy hiệu quả trang thông tin điện tử Hội LHPN tỉnh và fanpage Hội LHPN tỉnh. 100% Hội LHPN các huyện, thành phố và 226 Hội LHPN cơ sở sử dụng các trang mạng xã hội để tuyên truyền, thực hiện nhiệm vụ công tác Hội, triển khai các phong trào thi đua.
100% chi hội phụ nữ đã tạo lập các nhóm zalo “Hội phụ nữ xã - Chi hội phụ nữ”; khuyến khích các chi hội có điều kiện thực hiện sinh hoạt bằng 2 hình thức: sinh hoạt trực tiếp và sinh hoạt online, tạo điều kiện cho nhiều thành phần hội viên tham gia sinh hoạt Hội.
Cùng với đó, Hội LHPN tỉnh còn thực hiện tốt việc khai thác các văn bản chỉ đạo, điều hành và trao đổi thông tin trên hệ thống văn bản điện tử của UBND tỉnh; ứng dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử và chỉ đạo điều hành hoạt động trong hệ thống Hội.
Các cấp Hội thực hiện việc gửi, nhận văn bản trên môi trường mạng, từ đó hoạt động Hội được triển khai nhanh chóng, kịp thời. Hội LHPN tỉnh cũng đã phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông thực hiện phòng họp trực tuyến kết nối từ điểm cầu Hội LHPN tỉnh với Hội LHPN các huyện, thành phố; kết nối các cuộc họp truyền hình trực tuyến với Trung ương, tỉnh…
Bên cạnh việc sử dụng công nghệ thông tin để triển khai hoạt động công tác Hội, Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh còn phát triển “kinh tế số”. Theo đó, thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, các cấp Hội tập trung hỗ trợ chị em tiếp cận kinh tế số gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình, bán hàng trên nền tảng công nghệ số, kết nối, xúc tiến thương mại điện tử. Từ đó, quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm của phụ nữ cung ứng trong và ngoài địa phương.
Cụ thể, các cấp Hội phối hợp tổ chức các hội nghị, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về khởi sự kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh; vận động chị em lập các ý tưởng khởi nghiệp tham gia các cuộc thi khởi nghiệp do Trung ương Hội và Tỉnh Hội tổ chức; tổ chức chương trình “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm khởi nghiệp tiêu biểu của hội viên phụ nữ.
Năm 2023, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội chợ giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp - OCOP của phụ nữ khu vực miền Bắc. Tại hội chợ, các cơ sở Hội trong tỉnh đã giới thiệu hàng trăm sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP, các đặc sản của địa phương đến với bạn bè nhiều tỉnh, thành phố trong nước, đẩy mạnh kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm.
Với sự linh hoạt trong chỉ đạo của Hội LHPN các cấp và sự nhạy bén, chủ động, trách nhiệm, nhiều hội viên, phụ nữ tham gia mạnh mẽ vào quá trình CĐS, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát huy sự chủ động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh. Chị Đào Thị Hà, ngõ 418, đường Điện Biên, phường Lộc Hòa (thành phố Nam Định) phát triển thành công cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo Thành Nam, hàng năm trừ chi phí thu về 300-500 triệu đồng.
Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp, chị Hà cho biết: “Trong khoảng thời gian từ năm 2016-2017, sức khỏe của tôi không được tốt, khi đó em trai ở Lai Châu có gửi cho một số sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo để uống thử. Dùng một thời gian tôi thấy sức khỏe được cải thiện đáng kể, từ đó nảy ra ý định sản xuất rồi bán trực tiếp”.
Để có thể nuôi cấy thành công nấm đông trùng hạ thảo, chị Hà xác định học theo cách “cầm tay chỉ việc”, học trực tiếp từ xưởng sản xuất nhằm nắm vững quy trình, tích lũy kinh nghiệm. Trước đó, chị Hà không biết sử dụng điện thoại thông minh nhưng từ khi bắt đầu trồng nấm, chị biết sử dụng điện thoại để bổ sung kiến thức trồng, chế biến cũng như kinh doanh nấm đông trùng hạ thảo. Không phụ công người, những mẻ nấm sau đó của chị Hà lên đều, đảm bảo các yếu tố kỹ thuật. Khoảng 3 tháng chị thu hoạch được 1 lứa nấm.
Trung bình 1 tháng, chị thu hoạch được 4-5kg nấm khô. Sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo Thành Nam của chị rất đa dạng về chủng loại gồm: nấm đông trùng hạ thảo nguyên khối, nấm đông trùng hạ thảo sợi tươi, nấm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa, đông trùng hạ thảo ký chủ trên con nhộng tằm, đế đông trùng hạ thảo ngâm rượu, bột đông trùng hạ thảo… được xuất bán tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, thậm chí xuất sang cả nước ngoài.
Không chỉ bán hàng trực tiếp tại nhà, các cơ sở phân phối, thời gian gần đây, chị còn bán đông trùng hạ thảo online qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử… Thông qua các nền tảng số, chị có cơ hội tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng, thúc đẩy việc kinh doanh.
Công cuộc CĐS đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, để đáp ứng hơn nữa yêu cầu CĐS và hội nhập quốc tế hiện nay, mỗi hội viên, phụ nữ cần nỗ lực, tự trau dồi, trang bị kiến thức, kỹ năng công nghệ, ứng dụng công nghệ trên mọi lĩnh vực của đời sống như: mua sắm trực tuyến không dùng tiền mặt, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử quảng bá sản phẩm...
Nhằm giúp chị em “bắt nhịp” với CĐS, thời gian tới, các cấp Hội LHPN tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số gắn với công tác Hội. Qua đó, thể hiện vai trò, trách nhiệm của người phụ nữ Việt Nam thời đại mới, nhất là trong tiến trình hội nhập, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo Hoa Quyên (Báo Nam Định)