Ô nhiễm nhựa đã và đang trở thành thách thức lớn nhất hiện nay đối với nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo số liệu thống kê, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường. Việc phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý rác thải nhựa còn hạn chế, có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế. Ô nhiễm nhựa đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng, trở thành nguy cơ lớn cản trở mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. 

Phát biểu tại Hội thảo “Bình đẳng giới và phát triển toàn diện trong quản lý chất thải nhựa tại Việt Nam” do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Đại sứ  quán Canada và UNDP Việt Nam - Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa tại Việt Nam (NPAP Việt Nam) tổ chức tháng 8/2023, đại diện Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho biết: Kết quả nghiên cứu “Thực trạng lồng ghép giới trong chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam” cho thấy  90% người thu gom và nhặt phế liệu là phụ nữ.

Thực tế hiện nay, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp xử lý vấn đề rác thải nhựa, từ hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện đến nâng cao nhận thức cộng đồng. Năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống; Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chiến lược để giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường. 

Bình đẳng giới và bảo vệ môi trường được đề cập trong Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có giải pháp: “Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, quyền trẻ em trong lĩnh vực môi trường; tăng cường vai trò, vị thế của phụ nữ trong bảo vệ môi trường”. Hội LHPN Việt Nam xác định bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được thực hiện nhiều nhiệm kỳ, thông qua Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; phong trào “Chống rác thải nhựa” với cam kết quyết tâm thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”. Nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo chống rác thải nhựa đã được các cấp Hội tích cực triển khai như thu gom, phân loại, xử lý rác thải (biến rác thành tiền, thành thẻ bảo hiểm y tế…); tái chế rác thải nhựa (sử dụng chai nhựa, túi ni lông làm “gạch sinh thái” xây dựng công trình công cộng: thư viện, bàn ghế, bồn hoa, tường rào, cổng nhà văn hóa…); trồng cây lấy lá, gấp túi giấy để hạn chế sử dụng túi ni lông…. khẳng định vai trò, trách nhiệm của phụ nữ, của tổ chức Hội góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm nhựa, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống.

18 phu nu rac nhua.jpg
Nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo chống rác thải nhựa đã được các cấp Hội phụ nữ tích cực triển khai.

“Báo cáo đánh giá hiện trạng về giới (GESI) trong chuỗi giá trị nhựa tại Việt Nam” của Chương trình đối tác hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP) được chia sẻ tại hội thảo cho biết thông qua khảo sát trực tuyến với 601 ý kiến đóng góp từ thành viên cộng đồng, 9 nhóm thảo luận cùng 63 lao động chính thức và phi chính thức ở Hà Nội, Hà Tĩnh và Thừa Thiên Huế và chuỗi phỏng vấn sâu với 33 đại diện và chuyên gia, kết quả nghiên cứu cho thấy phụ nữ giữ trách nhiệm chính trong việc quản lý công việc nội trợ hàng ngày và họ chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi việc sử dụng các sản phẩm nhựa.

Kim Chi và nhóm PV, BTV