Nhanh nhẹn, sáng tạo trong làm ăn nên chẳng mấy chốc ông trở nên giàu có nhất vùng. Khi sở hữu khối gia tài đồ sộ, ông cho xây dinh thự 3 tầng kiểu Pháp. Đồ gia dụng trong gia đình đều bằng đồng, bạc và tiền từng chum chôn quanh vườn.

Đó là những gì người ta nhắc về ông Nguyễn Mậu Anh, một phú nông hào sảng ở Hà Tĩnh vào nửa đầu thế kỉ trước.

Gia sản đồ sộ

Tìm hiểu về sự giàu có của phú nông Nguyễn Mậu Anh, chúng tôi tìm về nhà ông Nguyễn Mậu Cổn (SN 1925, trú ở xã Thạch Lưu, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) là em họ của ông Nguyễn Mậu Anh.

{keywords}
Chân dung phú nông Nguyễn Mậu Anh, người được mệnh danh giàu có nhất nhì Hà Tĩnh thời bấy giờ. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Ông Cổn không quá khó để lục lọi trí nhớ về thời hoàng kim của của gia đình người anh họ gần 80 năm trước.

Ông kể, phú nông Nguyễn Mậu Anh (1896 - 1952) từ nhỏ nổi tiếng thông minh. Phú nông này là con trai của cụ Nguyễn Mậu Quỳnh thuộc tầng lớp có của ăn, của để thời đó.

{keywords}
Ông Nguyễn Mậu Cổn vẫn nhớ như in những sự kiện lớn trong cuộc đời người anh họ Nguyễn Mậu Anh.

Từ bé, ông Mậu Anh là người theo học chữ Nho, ham thích đọc sách tìm hiểu về ngành nông nghiệp.

Được thừa hưởng nhiều ruộng đất từ cha, sau khi có vốn kiến thức cơ bản về nông nghiệp, ông đã cất công đi bộ cả tháng trời ra Nghệ An, Ninh Bình để tìm giống lúa mới, năng suất cao để canh tác.

Nhờ công tác chăm lo thủy lợi tốt nên mùa vụ nào cũng bội thu, gia đình nhanh chóng trở nên giàu có.

Ông là người đầu tiên lên đồi núi làm trang trại trồng các loại cây phù hợp đất đỏ bazan kết hợp chăn nuôi hàng nghìn con gia súc, gia cầm. Trang trại ông thu hoạch quanh năm, hiệu quả kinh tế cao nổi tiếng khắp vùng lúc đó.

Ngày nay, tuyến đường QL 15A nối TP. Hà Tĩnh lên huyện Hương Khê, đoạn đi qua xã Ngọc Sơn người ta thường nhắc đến dốc Anh Quỳnh (tên của ông Mậu Anh và cha Mậu Quỳnh), con dốc được đặt tên cha con ông để ghi nhớ công lao việc mở đường.

{keywords}
Dốc Anh Quỳnh, con dốc nằm trên tuyến huyết mạch nối huyện đồng bằng với miền núi được đặt tên hai cha con ông Nguyễn Mậu Anh vì đã có công mở đường.

Sau này tuyến đường đó cũng là huyết mạch nối các huyện đồng bằng với huyện miền núi Hương Khê.

Mỗi ngày ông thuê hơn 100 người mới làm hết việc, buổi trưa gia đình ông nấu cơm cho họ ăn, đến chiều tối mọi người xếp hàng chấm công lấy tiền.

Nhờ nhạy bén trong làm nông nghiệp, cần mẫn tích cóp, đến năm 30 tuổi gia tài của ông đã có gần 2.000 mẫu đất ruộng, 300 con trâu, 200 con bò, hàng trăm lợn, gà. Ngoài ra, còn có hàng chục kho chứa thóc.

Ông Cổn kể, tiền bạc của phú nông Mậu Anh nhiều đến nỗi ngoài cất giữ ở của trong nhà, ông chọn phương pháp chôn tiền trong vườn để đảm bảo an toàn.

Năm 1952, khi ông lâm bệnh nặng, ông đã cho người đào xung quanh vườn nhà và có tới 50 chum đựng tiền và bạc. Sau số tiền đó được sử dụng như thế nào, ông Cổn cũng không được biết.

Xây dinh thự Pháp 3 tầng đầu tiên ở Hà Tĩnh

Trong nhà lúa thóc nhiều vô kể, tiền bạc đếm không hết, ông Mậu Anh nung nấu ý tưởng xây một ngôi nhà đẹp nhất ở Trung kỳ vào lúc bây giờ tại Hà Tĩnh.

{keywords}
Sơ đồ thiết kế 2 tầng dưới căn dinh thự của gia đình ông Mậu Anh được con cháu phác thảo lại.

Ông lặn lội ra Hà Nội thuê kiến trúc Pháp thiết kế nhà rồi thuê thợ từ ngoài Bắc vào Hà Tĩnh dựng nhà. Gần như toàn bộ vật liệu được ông đặt mua từ Pháp.

Sau đó ông xuống cảng Hải Phòng thuê tàu chở vật liệu về cảng Cửa Sót (ở huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), tiếp tục bỏ hàng trăm quan tiền thuê người gánh vật liệu về để xây.

Khởi công năm 1927, sau ba năm ngôi nhà mới hoàn thành. Thời đó, dinh thự kiểu Pháp được cho là đầu tiên ở Hà Tĩnh này đã trở thành đề tài bàn tán của người dân nhiều huyện.

Nhiều người ngỡ ngàng trước thiết kế nhà độc đáo của một phú nông trẻ tuổi. Kể cả người thân của ông cũng không đoán được ông Mậu Anh bỏ ra bao nhiêu tiền bạc để xây.

{keywords}
Không chỉ nổi tiếng về sự giàu có và độ chơi ngông, ông Mậu Anh còn được người đời biết đến là con người hào sảng, ra tay giúp đỡ nhiều người và có đóng góp lớn cho chính quyền thời bấy giờ.

Dinh thự của ông thiết kế 3 tầng, tầng 1 và 2 có hơn 20 phòng lớn nhỏ, tầng 3 là nơi để thờ tổ tiên, một phần làm sân thượng. Toàn bộ ngôi nhà được làm hoàn toàn bê tông cốt thép, dùng đá cẩm thạch, gạch lát nền, lợp mái ngói đỏ.

Người dân còn choáng ngợp hơn bởi đồ dùng bên trong ngôi nhà. Từ bàn ghế, giường, tủ… cho đến cầu thang đều được làm gỗ sưa (gỗ huỳnh đàn). Còn đồ gia dụng thì đều được chế tác từ đồng và bạc, tạo thêm tính xa hoa, sang trọng của ngôi nhà.

{keywords}
 Chiều cốc làm bằng Ngà voi được phết sơn, một trong những đồ dùng xa hoa của gia đình ông Mậu Anh còn lưu giữ đến nay.

Cha mẹ ông Cổn từng kể lại: “Sau khi căn biệt thự xây xong, ông Mậu Anh mổ lợn, trâu bò làm hơn 100 mâm cơm để chiêu đãi bạn bè, làng xóm. Ngôi nhà lúc đó là niềm tự hào của dòng họ Nguyễn Mậu, đẹp và lạ đến nỗi người Hà Tĩnh ở các nơi kéo nhau về để  tận mắt chiêm ngưỡng”.

Sự giàu có và độ chơi ngông của phú nông Mậu Anh không những ở căn dịnh thư. Chuyện ông tổ chức đám ma cho người cha Nguyễn Mậu Quỳnh kéo dài 3 tháng hay việc trải thảm lụa rước vợ về cũng gây xôn xao xứ Hà Tĩnh lúc bấy giờ.

(Còn nữa)

Sinh nhật tuổi 18 của con trai ông chủ hiệu vàng nổi tiếng Hà Nội xưa

Sinh nhật tuổi 18 của con trai ông chủ hiệu vàng nổi tiếng Hà Nội xưa

Công việc buôn bán phát đạt, mỗi ngày xuất đi hàng trăm lượng vàng nhưng ông chủ hiệu vàng nổi tiếng Hà Nội xưa luôn rèn các con tính tự lập để có thể đứng vững trước mọi khó khăn, sóng gió của cuộc đời.

Gia đình ông chủ hiệu vàng nức tiếng Hà Nội xưa đón Tết thế nào?

Gia đình ông chủ hiệu vàng nức tiếng Hà Nội xưa đón Tết thế nào?

“Càng về già, những người như chúng tôi lại càng sống bằng hoài niệm”- ông Phạm Ngọc Giao­ bắt đầu câu chuyện về cái Tết của gia đình mình trong những năm 40, 50……

Đậu Tình