- "Thấy con không rót nước ra cốc mà cầm cả bình tu, tôi mắng thì cháu vừa khóc vừa nói: Con bắt chước bố. Vậy là thay vì mắng con, tôi quay sang góp ý cho chồng. Khi ấy, chồng tôi mới hiểu những việc làm nhỏ của mình ảnh hưởng đến tính cách của con như thế nào..." - chị An (Yên Bái) dẫn dụ.
Ngày nay, tri thức con người ngày càng nâng cao, nên việc giáo dục con thông minh được các bậc phụ huynh quan tâm hàng đầu. Nhưng dù chọn con theo cách mẹ Nhật, mẹ Mỹ hay mẹ Do Thái...cũng không đạt hiệu quả cao, bởi trái với lý thuyết các con được dạy là những hành động ngược lại của người lớn.
Chị An (Yên Bái) tâm sự: “Đối với trẻ em, những việc làm từ nhỏ sẽ hình thành thói quen sau này. Điều tôi quan tâm nhất không phải là dạy trước kiến thức, mà là kỹ năng, ý thức sống của cháu, như vứt rác đúng nơi quy định, không nói tục chửi bậy, sắp xếp đồ đạc gọn gàng… Tôi phải làm gương về những hành động ấy để con học theo. Tuy nhiên, thực sự rất lo lắng vì không phải ai cũng làm được như mình.
Tôi nhắc cháu mỗi lần uống nước phải rót ra cốc, uống xong cất cốc cẩn thận. Vậy mà hôm ấy tình cờ tôi thấy con đang cầm bình đựng nước lên, mở nắp ra tu, xong đóng lại. Tôi tức giận, nói rằng như vậy là mất vệ sinh, làm trái lời mẹ dặn. Con vừa khóc vừa thanh minh rằng con bắt chước bố. Vậy là thay vì mắng con, tôi quay sang góp ý cho chồng. Khi ấy, chồng tôi mới hiểu những việc làm nhỏ của mình ảnh hưởng đến tính cách của con như thế nào”.
“Tôi cũng thường xuyên dạy cháu rằng việc nói tục, chửi bậy là vô cùng xấu, tuyệt đối không được học theo. Gia đình tôi có một quy định là không ai được nói tục, đặc biệt là trước mặt con, nên cháu ăn nói rất lịch sự, lễ phép. Nhưng không hiểu sao, cháu vẫn học được một số câu, và trong lúc bực tức có thể hiện ra. Tìm hiểu tôi mới biết nhà hàng xóm thường xuyên cãi nhau và nói tục, làm cho con cái họ bắt chước theo. Cháu nhà tôi thường xuyên sang chơi đã vô tình học được. Giờ tôi rất khó xử, nếu tiếp tục để con chơi cùng những đứa trẻ như vậy sẽ ảnh hưởng đến tính cách, nhưng nếu cấm đoán, sẽ gây mất tình làng nghĩa xóm”.
Anh Hòa (Hà Nội) lại chia sẻ một câu chuyện khác: “Ở thành phố, nét văn minh trong văn hóa đô thị, cũng là chấp hành luật an toàn giao thông, đó là đèn đỏ thì dừng lại. Tuy nhiên, nhiều người thường nhân tiện lúc không có cảnh sát giao thông, tranh thủ vượt đèn đỏ. Một mình họ đi như vậy đã không được, điều đáng nói hơn là mỗi lúc đưa đón con em đi học, họ cũng không thay đổi để làm gương cho bọn trẻ noi theo. Con tôi mỗi lần thấy đều hỏi tại sao họ làm như vậy, cô giáo con không dạy thế. Tôi đều giải thích với cháu rằng đó là những người lớn hư, bố con mình phải luôn thực hiện đúng.
Tôi rất trăn trở trong khi nhà trường, thậm chí các bậc phụ huynh cũng dạy con về luật an toàn giao thông, thì chính họ trong khi đèo con em mình lạithực hiện sai như vậy. Liệu các cháu có còn ý thức trách nhiệm với nội quy trường lớp nói riêng,luật pháp nói chung hay không?”.
Có thể thấy rằng, để nói về những thói quen xấu của người lớn thì kể mãi không hết. Bằng một cách nào đó, những thói quen ấy đã được trẻ em ghi nhận lại, và vô hình chung làm theo một cách rất tự nhiên. Nhiều khi chúng ta hay đổ lỗi cho nền giáo dục, hoặc lên tiếng về việc dạy của giáo viên không hợp lý, nhưng bản thân các bậc phụ huynh lại không nghĩ rằng trước hết mình phải có thói quen tốt để con cái học tập. Bởi người thầy đầu tiên của trẻ là bố mẹ, tế bào của xã hội là mỗi gia đình. Dù có chọn giáo dục cho con theo cách nào, chỉ cần chính mình gương mẫu từ những việc làm nhỏ nhất, sẽ có những đứa con ngoan.
Bạn đã gặp những tình huống tương tự hoặc cách hành xử đẹp trước mặt con trẻ - hãy chia sẻ với Góc phụ huynh tại địa chỉ [email protected] Bài viết phù hợp được đăng tải trên Góc phụ huynh. |
Tình Linh (Thanh Xuân, Hà Nội)