Phụ huynh không cho con tới lớp
Hôm nay (7/9), hàng trăm người dân xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn tiếp tục kéo đến điểm Trường THCS Lạng Sơn để phản đối việc việc sáp nhập Trường THCS Lạng Sơn với Trường THCS Khai Sơn.
Được biết việc này đã diễn ra từ ngày khai giảng (5/9) đến nay.
Theo người dân tại đây cho biết khi được thông báo về việc sáp nhập trường, đông đảo người dân xã Lạng Sơn không đồng ý vì học sinh ở xã Lạng Sơn phải đi học xa hơn 4 km.
Một số phụ huynh chưa nhất trí bởi họ cho rằng quá trình triển khai chưa lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.
Bên cạnh đó, nhiều hộ dân còn cho rằng xã Lạng Sơn vốn có truyền thống hiếu học. Nếu sáp nhập trường sang xã khác sẽ làm mai một đi truyền thống của địa phương và Lạng Sơn sẽ bị mất trường THCS.
Người dân có nguyện vọng thay vì sáp nhập hai trường THCS Lạng Sơn và Khai Sơn thì nên sáp nhập trường tiểu học và THCS trên cùng một địa bàn để thuận lợi hơn cho người dân.
Ghi nhận tại Trường THCS Lạng Sơn, trong sáng nay chỉ duy nhất 1 lớp 8D với 11 học sinh đến học. Các phòng học còn lại đều mở cửa nhưng không có học sinh.
Tạo sự đồng thuận để học sinh đến trường
Thông tin từ Phòng GD-ĐT Anh Sơn cho biết Đề án sáp nhập trường lớp đối với cấp THCS Lạng Sơn và THCS Khai Sơn đã được UBND huyện chấp thuận, thực hiện từ năm học 2018-2019 (cách đây 4 năm) thành Trường THCS Khai Lạng (đóng trên địa bàn xã Khai Sơn). Điểm trường mới cách Trường THCS Lạng Sơn cũ 4,7km.
Học sinh khối 9 ở xã Lạng Sơn cũng được chuyển ra trường mới là THCS Khai Lạng, học ổn định từ năm 2018 đến nay. Các khối 6, 7, 8 của xã Lạng Sơn vẫn học ở điểm trường cũ.
Hiệu trưởng Trường THCS Khai Lạng - ông Lê Đình Hà cho biết theo lộ trình, năm học này, toàn bộ khối 6, 7, 8 sẽ học tại trường mới.
“Hôm 26/8, Ban Giám hiệu nhà trường có tổ chức họp phụ huynh để thông báo thông tin này, thế nhưng một số người không đồng tình. Họ còn đồng loạt gửi đơn tới các cấp chính quyền phản đối” - ông Hà chia sẻ.
Trăn trở về việc duy trì một lúc 2 điểm trường, ông Hà tâm sự “có những hôm giáo viên phải đi lại giữa 2 điểm trường rất vất vả. Với khối đã sáp nhập, đến lớp 9 các em mới về chung 1 điểm trường, phải mất thời gian để các em ổn định. Trong khi đây lại là năm học quan trọng, cần tăng cường giảng dạy chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10”.
Trưởng phòng GD-ĐT huyện Anh Sơn - ông Đoàn Văn Thanh thông tin đề án sáp nhập Trường THCS Khai Sơn và Trường THCS Lạng Sơn xuất phát từ thực tế quy mô trường lớp và phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường lớp của huyện.
“Qua 4 năm sáp nhập khối 9, chất lượng học tập của các em cũng đã tăng lên đáng kể. Trước việc phụ huynh ngăn không cho con em đến trường, Phòng sẽ tiếp tục cử cán bộ, giáo viên tới tận nhà giải thích, vận động, tuyên truyền cho phụ huynh, người dân hiểu và thực hiện chủ trương, kế hoạch sáp nhập trường” - ông Thanh chia sẻ.
Ông Thanh cho biết thêm UBND huyện Anh Sơn đã đầu tư vốn làm đường giao thông giúp các em đi lại thuận tiện hơn, trích kinh phí mua xe đạp mới tặng các em học sinh nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, để các em có phương tiện đến trường hàng ngày.
Trần Tuyên - Quốc Huy