- Đưa con từ thành phố về nông thôn sinh sống, tôi cứ tưởng sẽ thoát được cảnh túc trực đêm hôm, chen lấn ngạt thở để có chỗ cho con vào học mầm non. Ấy thế mà, cuộc chạy đua đó ở vùng nông thôn khá phát triển mà gia đình tôi đang ở còn quyết liệt hơn nhiều.
Trường mầm non Hoa Hồng (điểm chính). |
Trường mẫu giáo chỉ cách nhà hơn 200m. Sau khi ổn định cuộc sống, bé lớn đến tuổi đi học mẫu giáo, tôi định cho cháu đi học thì được các bà mẹ hàng xóm bảo: “Từ trước đến nay chưa có ai xin học giữa chừng được cả!”. Không tin, tôi lên trường gặp trực tiếp cô hiệu trưởng. Chỉ vừa nghe tôi nói hết câu, cô đã cười lắc đầu: “Chị thông cảm, trường không còn chỗ nào để nhận cháu hết!” và giải thích khá dài.
Tôi thăm dò trong ngoài, từ bạn bè là giáo viên trong trường tới hàng xóm có con đang theo học mới biết để có một suất học trong trường mầm non này khó khăn chẳng kém gì thi ĐH.
Một yếu tố tiên quyết để vào được trường đó là khi nhà trường xét tuyển, phụ huynh phải thật nhanh chân nhanh tay nộp hồ sơ.
Cuối tháng 5, khi các phụ huynh đua nhau đưa con đi nghỉ mát thì những phụ huynh có con đến tuổi mẫu giáo bé ở xã Cam Thành Bắc- Cam Lâm- Khánh Hòa như tôi lại đang bước vào cuộc chạy đua gay gắt để giành quyền đi học cho con.
Ngày nào tôi cũng phải qua trường để nắm thông tin, quyết không bỏ lỡ cơ hội.
21h30 tối trước ngày tổng kết năm học, chồng tôi nhận được tin “mật báo” nóng hổi: "Đúng 6h30 sáng ngày mai, trường mẫu giáo Hoa Hồng sẽ mở bán hồ sơ xét tuyển mẫu giáo bé. Số lượng hồ sơ chỉ có 30.” Tức tốc, tôi giục con đi ngủ để lấy sức sáng mai còn chen lấn.
Sáng hôm sau, ngày 28/5, đúng 6h15, ba mẹ con tung tăng đến trường, lòng dự chắc sẽ gặt ngay một bộ ngon lành. Đến cổng, một cảnh tượng bất ngờ bày ra trước mắt: Xe máy đông nghịt trước cổng. Bóng áo trắng hải quân và áo nâu ngư dân giăng đầy trước cửa văn phòng, tay ai cũng phe phẩy tập hồ sơ.
Thì ra ai cũng cài sẵn “nội gián”, chỉ cần biết ngày nộp hồ sơ tuyển sinh, họ sẽ xuất phát ngay.
Hơn mẹ con tôi rất nhiều, họ đã trực ở đây từ 5h sáng!
May quá, 7h văn phòng mới mở cửa làm việc. Mẹ con tôi vẫn còn cơ hội.
Đúng 7h, đoàn người hét lên một tiếng và lao vào khi cửa văn phòng hé mở.
Tôi một tay bế bé nhỏ, dặn bé lớn đứng yên một chỗ và cũng cố chen vào cái cửa rộng chưa đầy 1m. Nhưng nhìn đoàn người năng nổ chen lấn, tôi đoán rằng chẳng ai nhìn thấy bé con đang tròn xoe mắt trên tay mẹ, nên đành giảm tốc độ và cuối cùng phải chịu dừng ngoài cửa.
May nhờ đồng nghiệp của chồng tôi giỏi chen, mua hộ mẹ con tôi một bộ, miệng không ngớt trách móc: “Sao không bảo bố chúng nó ở nhà đi mua?”
Do nguồn tin tối qua không chính xác nên tôi bắt đầu một cuộc chạy đua hoàn thiện hồ sơ cho con để nộp ngay lúc đó.
Để nộp kịp thời, tôi một tay bế con, một tay huy động sự tốt bụng của các phụ huynh khác quay về nhà lấy hồ sơ chỉ trong vòng 3 phút. Trở lại trường, mọi người đang hí hoáy điền vào đơn xét tuyển. Có tiếng đâu đó vang lên: "Viết nhanh lên"
Tôi lại ngồi xoạch xuống viết nháo nhào vào đơn, mặc kệ bé nhỏ trên tay mẹ ngả nghiêng hết bên này sang bên khác. Nhấn điện thoại, tôi tức tốc gọi ông xã về trợ giúp.
Vèo vèo, cả trăm người lại lao vào phòng nộp hồ sơ như cơn lốc. Tôi chiều cao khiêm tốn phải kiễng chân mới đưa được tập hồ sơ cho bác đồng nghiệp nộp hộ. Một cuộc chạy đua đúng nghĩa.
Các vị phụ huynh mồ hôi nhễ nhại, căng thẳng nhìn nhau. Quyết tìm hiểu xem cơ hội của con mình đến đâu, tôi chen vào tận bàn nhận hồ sơ. Tay ai cũng chỉ chực dí ngay tập giấy trên tay mình vào tay chị nhân viên. Cô hiệu trưởng, hiệu phó phải lọc luôn hồ sơ tại trận: “Các cháu sinh tháng 10, 11, 12 năm 2011 không nhận nha. Năm 2012 nhận từ tháng 1 đến tháng 9…”.
Một sự thật phũ phàng khiến cho nhiều vị phụ huynh có thể bật khóc: Số lượng hồ sơ lên đến hơn 100 bộ, nhưng chỉ tiêu chỉ có 33. Hồ sơ được nhận xét tuyển là các bé sinh từ tháng 1-9/2012. Trong đó lại ưu tiên những bé sinh tháng 1, 2 và 3. Nếu còn thiếu chỉ tiêu, các bé khác chia nhau cơ hội cho ai là người nộp hồ sơ trước. May quá, con tôi sinh tháng 2.
Còn các bé sinh tháng 10-11-12/2011, năm ngoái đã không được nhận hồ sơ, năm nay bị coi là quá tuổi mẫu giáo bé. Các bé còn không có cơ hội để chen lấn giành suất. Một bà mẹ dẫn con đến trường nộp hồ sơ và không được nhận. Thằng bé thèm đi học quá không chịu về, nghe mẹ thông báo nó khóc luôn khiến chị cũng phải bật khóc theo con.
Xã Cam Thành Bắc nơi tôi sống cũng là nơi đóng quân của một lữ đoàn hải quân nên số lượng gia đình trẻ có con nhỏ rất đông.
Trường mầm non Hoa Hồng, điểm chính của trường công duy nhất trong xã lại chỉ có 4 lớp mẫu giáo, phải ưu tiên các bé 5 tuổi nên nhiều bé 3,4 tuổi phải chịu cảnh thất học. Các điểm lẻ chỉ có 1 lớp phục vụ cho tất cả các bé ở mọi độ tuổi.
Nhiều năm nay, Phòng Giáo dục huyện Cam Lâm chỉ áp dụng tuyển sinh theo quy định về độ tuổi mầm non nên những bé sinh 3 tháng cuối năm không có quyền tranh chỗ vào mẫu giáo bé.
Phụ huynh thì bức xúc và đồn thổi những tin đồn không minh bạch trong xét tuyển cho các bé đi học. Các cô giáo trong trường không tránh khỏi điều tiếng xấu. Thậm chí, người bạn tôi chia sẻ, cô hiệu trưởng đã từng phải rút hồ sơ của cháu mình ra, dù bé đủ tuổi, để nhường suất cho con của các phụ huynh khác. Mỗi mùa tuyển sinh là một mùa căng thẳng, tranh cãi, phân bua giữa phụ huynh và giáo viên.
Tôi từng đi công tác ở các vùng núi, vùng sâu vùng xa, thấy các tròng mầm non ở đây đều đã được xây mới rộng rãi, đẹp đẽ. Chỗ học thừa thãi không có đủ học sinh. Mà thương sao các bé ở ngay một vùng nông thôn cận kề thị trấn khá phát triển lại không có đủ chỗ học. Trường mầm non Hoa Hồng nằm ngay cạnh quốc lộ 1A vẫn bé tẹo tèo teo? Biết bao giờ trường mới được xây mới đây nhỉ? Tôi không muốn con mình phải thất học mầm non.
- Nguyễn Hường