Mới đây, mạng xã hội lan truyền hình ảnh, clip về các gói kẹo được bày bán trước cổng các trường học trên địa bàn TP Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) nghi chứa ma túy khiến nhiều người dân hoang mang. Tuy nhiên, sáng 1/12, Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, qua giám định các mẫu kẹo không chứa chất ma túy. Đây là các sản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ, có nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Dù vậy, không ít cơ sở y tế từng tiếp nhận, điều trị cho các bệnh nhi ngộ độc vì ăn phải các bánh chứa chất gây nghiện mới mà không hề biết.
Cuối năm 2022, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết lần đầu tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc cần sa sau khi ăn bỏng ngô. Trước đó, trung tâm đã tiếp nhận nhiều ca ngộ độc cần sa trong bánh ngọt, bánh quy, kẹo, thuốc lá điện tử, thuốc lào...
Cách đây nhiều tháng, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận bé trai 5 tuổi vào viện vì ngộ độc ma túy thế hệ mới sau khi ăn loại bánh được hàng xóm cho. Thời điểm nhập viện, bé bị suy hô hấp, phụ thuộc máy thở, bóp bóng, hôn mê sâu, đồng tử giãn.
Ghi nhận một trẻ khỏe mạnh nhưng đột ngột có các triệu chứng về rối loạn tri giác, co giật, nôn, kèm theo 2 trường hợp khác cùng nhà có triệu chứng tương tự nhưng mức độ nhẹ hơn (chỉ có biểu hiện nôn) sau khi ăn cùng một loại bánh, các bác sĩ nghĩ tới khả năng ngộ độc thực phẩm có chứa chất gây nghiện. Gia đình cho biết bánh của người đàn ông cùng xóm trọ mang về sau bữa liên hoan công ty.
Trong quá trình điều trị và hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã gửi mẫu bánh đi xét nghiệm tìm độc chất. Kết quả cho thấy mẫu bánh chứa loại ma túy mới, còn được gọi là "sô-cô-la bay".
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tân Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, chất gây nghiện "núp bóng" thực phẩm như kẹo viên, kẹo sô-cô-la, kẹo xoài, kẹo mút tẩm cần sa, bánh quy... làm gia tăng nguy cơ trẻ tiếp xúc và ngộ độc với các loại ma túy.
Bộ Công an trong cảnh báo phát đi về tình trạng tội phạm ma túy sử dụng các phương thức tinh vi cũng cho biết, ma túy được các đối tượng ngụy trang dưới hai dạng: Các loại hàng hóa (bánh, kẹo, thực phẩm chức năng, dược phẩm...) chứa chất ma túy hoặc ma túy được pha trộn, tẩm ướp, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử... Người dân nếu vô tình sử dụng các loại hàng hóa, thực phẩm bị pha trộn, tẩm ướp này rất dễ ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sĩ Hùng cho hay với trẻ nhỏ, hầu hết việc ăn, uống phải thực phẩm chứa ma túy do vô tình. Biểu hiện bệnh của nhóm này thường nặng hơn, ngộ độc xảy ra đột ngột, rầm rộ, có rối loạn ý thức từ nhẹ tới nặng như lơ mơ, hôn mê hoặc có triệu chứng tim mạch như rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp.
Tình trạng hô hấp của trẻ cũng có thể bị ảnh hưởng, biểu hiện có thể gồm: rối loạn nhịp thở, suy hô hấp, ngừng thở. Một số triệu chứng đường tiêu hóa khác đi kèm như nôn, đi ngoài, đau bụng… Bác sĩ Hùng khuyến cáo nếu thấy những biểu hiện trên, gia đình cần đưa trẻ đi viện ngay.
Nhóm trẻ lớn (tuổi dậy thì) có xu hướng muốn thử và thể hiện bản lĩnh, khẳng định bản thân, dễ bị kích động, dụ dỗ. Các triệu chứng ngộ độc không quá rầm rộ, có thể từ thoáng qua tới nặng như hôn mê, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim.
Nhóm trẻ ở tuổi này thường che giấu biểu hiện bệnh nếu chỉ thoáng qua, để tránh sự phát hiện của gia đình. Theo bác sĩ Hùng tùy từng loại độc chất, loại xét nghiệm, thầy thuốc sẽ chỉ định lấy mẫu bệnh phẩm khác nhau từ dịch dạ dày, nước tiểu, máu...