Những đứa trẻ được mệnh danh 'tiểu yêu nuốt vàng'

Cô Liu Hao ở TP Ninh Ba, Trung Quốc - mẹ cậu bé 11 tuổi, chia sẻ về khoản chi tiêu hàng tháng lớn nhất trong 3 năm qua. Ngoài phí sinh hoạt, phần lớn vợ chồng cô đều đầu tư vào giáo dục cho con.

Hè vừa qua, gia đình cô chi hơn 40.000 NDT (131 triệu đồng) tiền học cho con, bao gồm 25.000 NDT (82 triệu đồng) cho chuyến du học ngắn ngày ở Nhật Bản, 10.000 NDT (33 triệu đồng) phí học thêm và 5.000 NDT (16 triệu đồng) cho trại hè.

“Không phải ngẫu nhiên trẻ em Trung Quốc được gọi là tiểu yêu nuốt vàng”, cô Liu Hao nói về cụm từ dùng để mô tả chi phí nuôi dạy con cao. Thậm chí, gia đình cô không dám chi nhiều cho những thứ khác vì tiền lương không tăng trong 3 năm dịch. Thứ duy nhất cô vẫn hào phóng là tiền học của con.

Khủng hoảng kinh tế, nhiều gia đình ở Trung Quốc vẫn đầu tư mạnh vào giáo dục cho con. Ảnh minh họa

Một gia đình khác ở Thượng Hải cũng tương tự. Cô Luo chia sẻ mùa hè vừa qua đã gửi con trai học cấp 1 đến trung tâm. Tại đây, giáo viên sẽ củng cố kiến thức cho cậu bé trước khi vào năm học mới. Cô Luo giãi bày, chính sự cạnh tranh khốc liệt khiến những đứa trẻ phải đi học thêm. Nên cô không thể để con trai ở nhà không làm gì suốt kỳ nghỉ.

Mỗi năm, gia đình cô Luo chi hơn 250.000 NDT (822 triệu đồng) thuê gia sư cho 2 con, chưa kể chi phí khác. "Con càng lớn càng tốn nhiều, vì giá tăng theo từng bậc học", cô Luo chia sẻ. Cụ thể, một buổi học thêm kéo dài 2 tiếng, cô phải trả 350 NDT (1,1 triệu đồng), nếu một kèm một là 800 NDT (2,6 triệu đồng). 

“Chúng tôi may mắn vì thu nhập không bị ảnh hưởng những năm qua. Nhưng chúng tôi sẽ không đầu tư cho con mù quáng. Suy cho cùng, bây giờ kiếm tiền không dễ dàng", cô Luo nói.

Thắt chặt chi tiêu, nhưng giáo dục thì không…..

Cô Bian Lu, sở hữu công ty giáo dục tại TP Nam Kinh, Trung Quốc, cho biết một số trường hợp phải nghỉ học thêm vì bố mẹ không có kinh tế. Tuy nhiên, xét theo mặt bằng chung cô nhận định sự đầu tư về giáo dục của phụ huynh Trung Quốc không thay đổi, ngay cả khi lệnh cấm học thêm được ban hành hay ảnh hưởng của dịch Covid-19.

"Tôi không thấy xu hướng này ngừng lại sau khi Chính phủ kiểm soát. Tôi quan sát, nhu cầu cho con đi học thêm của các gia đình thành thị vẫn tăng cao", cô Bian Lu nói.

"Tầng lớp trung lưu Trung Quốc, bao gồm cả tôi, có thu nhập và địa vị đều nhờ vào việc học. Vì vậy, chúng tôi tin tưởng giáo dục và hy vọng điều tương tự sẽ đến với thế hệ tiếp", cô nói thêm.

Đồng quan điểm, ông Hùng Bính Kỳ - Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục thế kỷ 21 ở Trung Quốc, cho biết 2 năm sau lệnh cấm, quy mô thị trường dạy thêm giảm xuống, nhưng nhu cầu của các gia đình vẫn tăng. 

Chuyên gia cũng nhận thấy một số tổ chức trước đây hoạt động hợp pháp, có nộp thuế. Sau lệnh cấm, nhiều trung tâm chuyển sang hoạt động ngầm và trốn thuế. "Khi nhu cầu đầu tư cho giáo dục vẫn còn, lệnh cấm không bao giờ được thực thi triệt để", ông Hùng Bính Kỳ nhấn mạnh.

Giáo dục - khoản đầu tư lớn nhất của các gia đình 

Những năm qua Bắc Kinh có nhiều biện pháp hạn chế học và dạy thêm. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, phụ huynh Trung Quốc vẫn mạnh tay chi tiêu cho giáo dục, thậm chí bất chấp lệnh cấm.

Tình trạng, nhiều gia đình gửi con tham gia các chuyến du học ngắn hạn, thuê gia sư bất hợp pháp, làm mọi thứ để giúp con có "lợi thế" tại trường gia tăng sau 3 năm dịch.

Các chuyến học tập thực tế đang là dịch vụ nở rộ tại Trung Quốc. Báo cáo của công ty trực tuyến lyy.com ở Trung Quốc thống kê, lượt tìm kiếm cụm từ "chuyến đi học tập" tăng 203% trong 2 tuần đầu tiên của tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái.

Các chuyên gia đánh giá, giáo dục trở thành khoản đầu tư lớn nhất trong các hộ gia đình ở Trung Quốc hiện nay. 

Theo SCMP