Ngày 6/4, ông Mai Văn Trinh dẫn đầu đoàn công tác của Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) đi kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 tại Bắc Giang.

Nói về công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019, bà Hoàng Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Thế cho biết, ngay từ đầu năm học nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp 12.

“Chúng tôi cũng chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm lập kế hoạch phối hợp với giáo viên bộ môn để ôn thi ở các lớp. Trong các lớp phân loại năng lực học sinh, ra thành các nhóm học sinh yếu, khá, giỏi để có những điều chỉnh ôn luyện phù hợp và hiệu quả. Với những lớp học sinh học yếu thì quan tâm nhiều hơn đến kiến thức mức độ thông hiểu và vận dụng”.

Bà Hạnh cho biết, hiện trường xếp lịch ôn tập cho học sinh vào các buổi chiều với các môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh. “Tháng 4 này chúng tôi sẽ xếp thêm lịch ôn đối với các môn của bài thi tổ hợp. Giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn sẽ phân loại những học sinh nào học yếu và sau các giờ học buổi chiều như các bạn khác thì các em ở lại thêm 1 giờ để được bồi dưỡng phụ đạo”.

Theo bà Hạnh, việc phụ đạo này là do các giáo viên tự nguyện và hoàn toàn miễn phí cho học sinh. 

{keywords}
 

Bà Trịnh Thu Huyền, Hiệu trưởng Trường THPT Lạng Giang số 2 cho hay  cho đến nay, các giáo viên của trường ít nhất đã được tập duyệt 3 lần về tất cả các quy trình, khâu coi thi THPT quốc gia.

“Gần nhất vào ngày 30 và 31/3 chúng tôi đã tổ chức lần thi khảo sát thứ 3 đối với học sinh khối 12. Qua đó, các giáo viên được tập huấn về các quy trình, các khâu coi thi, bốc thăm cách phát đề thi, cách thu bài,...”

Ngoài ra, nhà trường cũng phân nhóm học sinh ngay từ đầu vào để có kế hoạch phân công giáo viên, cách thức giảng dạy và bồi dưỡng học sinh cho phù hợp.

Đầu vào học sinh lớp 10 của Trường THPT Lạng Giang số 2 được xác định chất lượng thấp khi hằng năm tỷ lệ học sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia lấy kết quả xét đại học khoảng 70%.

Cô Từ Thị Tĩnh (giáo viên Trường THPT Lạng Giang số 2) cho biết với những lớp đầu vào học sinh yếu, nhà trường treo giải cho các giáo viên chủ nhiệm nào mà ở những lớp top cuối khi không có học sinh trượt tốt nghiệp. “Việc treo giải này để động viên, khuyến khích cả giáo viên và học sinh các lớp. Rất vui là những năm qua cũng tiến hành hình thức này thì rất nhiều giáo viên được giải. Có những giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong việc chủ nhiệm các lớp yếu khi động viên, phân loại ôn luyện phù hợp”.

{keywords}
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) kiểm tra công tác nhập liệu hồ sơ thí sinh dự thi THPT quốc gia tại Trường THPT Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Ông Bạch Đăng Khoa, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang cho biết, chủ trương chung của sở là liên kết các trường của các vùng miền khác nhau để giáo viên trường tốt có thể hỗ trợ học sinh trường yếu.

“Bởi việc bố trí giáo viên giỏi ở các trường hay ở các bộ môn là không đồng đều nên chúng tôi trao quyền chủ động để các nhà trường tự kết nối với nhau. Như vậy trong từng huyện, giáo viên cốt cán đã đi đến các trường để hỗ trợ ôn luyện cho học sinh. Việc này không chỉ dừng lại trong các huyện mà còn lan sang các huyện khác. Như giáo viên ở thành phố cũng về các huyện hỗ trợ.

Để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, trung thực, đúng quy chế, ông Bạch Đăng Khoa, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang cho hay đã quán triệt mỗi vị trí, thành viên tham gia vào kỳ thi này cần phải thực hiện tròn và rõ vai, thực hiện nguyên tắc 5 rõ: Rõ người - Rõ công việc - Rõ quy trình- Rõ trách nhiệm - Rõ kết quả.

{keywords}
Ông Bạch Đăng Khoa, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang. Ảnh: Thanh Hùng.

Sở GD-ĐT cũng cho hay rất chú tâm trong việc lựa chọn những người để thực hiện những công tác tổ chức kỳ thi, đặc biệt đối với các vị trí “nhạy cảm” càng đòi hỏi, phẩm chất, trách nhiệm cao hơn.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho rằng các giáo viên cần tiếp tục quan tâm bám các nhóm học sinh để có được kết quả tốt nhất.

Cùng đó, yêu cầu các giáo viên trong quá trình dạy không cắt giờ, bớt xén chương trình. “Cắt xén chương trình là có lỗi với học sinh”, ông Trinh nhấn mạnh.

{keywords}
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) phổ biến những điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 cho học sinh Trường THPT Lạng Giang số 2. Ảnh: Thanh Hùng

Theo ông Trinh, Bộ GD-ĐT cũng như 63 tỉnh, thành đang nỗ lực hướng đến kỳ thi an toàn nghiêm túc. Một trong những giải pháp năm nay là các thí sinh tự do sẽ không ngồi riêng mà ngồi cùng các học sinh THPT với tỷ lệ học sinh THPT tối thiểu là 60% trên tổng số thí sinh trong phòng.

Ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của Bắc Giang, tuy nhiên, ông Trinh nhấn mạnh kỳ thi vẫn chưa bắt đầu đây mới chỉ là những bước đầu trong công tác chuẩn bị. Do đó các địa phương vẫn cần tiếp tục làm việc tập trung, tập huấn chặt chẽ để đảm bảo kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 diễn ra nghiêm túc, công bằng.

Thanh Hùng

Thí sinh nên cân nhắc đăng ký tối đa 5 nguyện vọng

Thí sinh nên cân nhắc đăng ký tối đa 5 nguyện vọng

Nói chuyện với học sinh Bắc Giang ngày 6/4, ông Mai Văn Trinh (Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT) lưu ý một số điều về thi THPT quốc gia năm 2019.