phu binh ok.jpg
Đoàn công tác của Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh thẩm định kiểm tra việc sử dụng máy đục vi tính CNC trong sản xuất mộc mỹ nghệ tại xã Xuân Phương

Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Phú Bình đã ban hành Chương trình hành động; thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình chuyển đổi số của huyện.

UBND huyện cũng ban hành các kế hoạch liên quan và giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị. 100% xã, thị trấn ban hành chương trình, kế hoạch chuyển đổi số. Đến nay, huyện Phú Bình đã đạt được những thành quả tích cực trong công tác chuyển đổi số.

Cụ thể, trên 80% số dân trên địa bàn có tài khoản thanh toán điện tử; 100% cơ sở giáo dục, y tế, các chợ thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; trên 82% doanh nghiệp và 100% hộ, cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử; 100% doanh nghiệp thực hiện khai thuế điện tử và nộp thuế điện tử; 100% sản phẩm OCOP được số hóa quy trình sản xuất; 31 sản phẩm OCOP được đăng bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; hầu hết các HTX, doanh nghiệp quảng bá, bán hàng trên nền tảng số, mạng xã hội và thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt;…

Một trong những chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số chính là nhiều người dân đã dần thay đổi về nhận thức, tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số với các hoạt động như: Giao dịch điện tử trong thanh toán các dịch vụ khám, chữa bệnh; thanh toán lệ phí trong giải quyết thủ tục hành chính;...

Phát huy những kết quả đã đạt được về công tác chuyển đổi số, năm 2025 huyện tích cực triển khai thực hiện Kế hoạch số 241/KH-UBND ngày 18/12/2024 của UBND tỉnh Thái Nguyên về Chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên năm 2025; Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 04/5/2021 của UBND huyện về thực hiện Chương trình chuyển đổi số huyện Phú Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời cập nhật, bổ sung một số nhiệm vụ về chuyển đổi số phù hợp với thực tiễn, linh hoạt trong tình hình mới hiện nay.

Theo đó, huyện tiếp tục thực hiện phát triển chính quyền số nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động đảm bảo 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực điện tử thông suốt; thiết lập 100% xã, thị trấn có hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông hoạt động đến xóm, tổ dân phố…

Trong phát triển kinh tế số, huyện sẽ triển khai ứng dụng Drone, camera phục vụ sản xuất và chế biến nông sản; thúc đẩy kinh tế số trong các lĩnh vực: Thương mại điện tử, nông nghiệp, văn hóa, du lịch... Phát triển kinh tế số gắn liền tài chính, ngân hàng, tài nguyên, môi trường, xanh, bền vững; phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trên GRDP đạt tối thiểu 25%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 75%...

Trong phát triển xã hội số, phấn đấu 95% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; mạng 5G với tốc độ tối thiểu 100 Mbps, phủ sóng tại 100% khu dân cư; 100% tuyến quốc lộ được phủ sóng băng rộng di động 4G/5G; thực hiện số hóa các di sản văn hóa, kết hợp bảo tồn, phát huy các giá trị di sản với phát triển du lịch, nâng cao đời sống thu nhập cho người dân… 

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong năm 2025, huyện đẩy mạnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số cho các cấp ủy Đảng, Chính quyền và Nhân dân trên địa bàn huyện; tập trung triển khai Kế hoạch phát triển hạ tầng số huyện Phú Bình đến hết năm 2025, chú trọng nâng cao dung lượng kết nối và chất lượng dịch vụ mạng, phấn đấu mỗi người dân trưởng thành có một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình có một đường Internet cáp quang băng rộng; tiếp tục triển khai tập huấn nâng cao trình độ và kỹ năng chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng tới bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu để ra quyết định và hoạch định chính sách, kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và an toàn thông tin; triển khai Nền tảng hỗ trợ quản lý bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ (tại địa chỉ: http://capdo.ais.gov.vn); triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn thông tin trước khi đưa vào vận hành, khai thác đảm bảo 100% hệ thống thông tin đang vận hành, khai thác thuộc phạm vi quản lý phải được phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin và phấn đấu triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; tập trung nguồn lực triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) trên địa bàn huyện; hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trong đó chú trọng các chỉ tiêu: số trường học, cơ sở giáo dục, bệnh viện, cơ sở y tế thực hiện chuyển đổi số, áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt; tỷ lệ số giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế;…

Có thể khẳng định, với quyết tâm của cấp uỷ, chính quyền, cùng sự hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp, Chuyển đổi số đã và đang tạo sự đột phá và lan toả mạnh mẽ trong mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của huyện Phú Bình nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung.

 Theo Trang thông tin điện tử chuyển đổi số Thái Nguyên