Một ứng viên không biết đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng thường do thiếu sự chuẩn bị hoặc quá căng thẳng khi phỏng vấn. Do đó, ứng viên có thể ghi chú lại những câu hỏi hiện lên trong đầu, điều này đặc biệt hữu ích nếu bạn phỏng vấn trực tuyến.
Bạn không cần hỏi nhà tuyển dụng 100% những câu hỏi mà CareerBuilder gợi ý dưới đây. Theo CareerBuilder, những câu hỏi hợp lý nhất sẽ xuất hiện một cách tự nhiên trong quá trình trò chuyện.
Đừng ngại đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng (Ảnh: Pexels) |
Ai đã từng làm vị trí này? Tại sao công ty tiếp tục tuyển dụng vị trí đó?
Đây là câu hỏi quan trọng cần đặt ra. Vì nếu bạn được mời làm việc, bạn sẽ “kế thừa” những quy tắc, môi trường làm việc và những nhiệm vụ dang dở từ người tiền nhiệm.
Có thể vị trí này mới được đặt ra để đáp ứng sự phát triển của công ty. Nếu vậy, bạn hãy đặt câu hỏi tiếp theo về việc: Ai đang chịu trách nhiệm cho các công việc này và bạn sẽ nhận bàn giao những nhiệm vụ này như thế nào?
Nếu nhà tuyển dụng đang cần “lấp chỗ trống” bởi sự ra đi của nhân sự cũ, bạn đừng ngại hỏi để hiểu rõ những gì đã xảy ra. Người tiền nhiệm được thăng chức, thuyên chuyển nội bộ hay nghỉ việc?... Bạn có thể hỏi về hoàn cảnh khiến họ phải rời công ty (nếu có).
Cấp trên mong đợi thành tích như thế nào trong 6 tháng đầu tiên?
Mô tả công việc và mô tả vị trí thường chỉ trình bày các nhiệm vụ và trách nhiệm thường xuyên. Câu hỏi này sẽ xác định các kết quả thực tế mà cấp trên mong đợi ở bạn. Sẽ càng tốt nếu công ty có thể cụ thể hóa bằng thành tích về hiệu suất.
Câu trả lời của họ có thể tạo cơ hội để bạn “khoe” các năng lực phù hợp, cũng như cam kết mong muốn đóng góp các giá trị đó. Ngược lại, câu trả lời có thể cho bạn thấy kỳ vọng của nhà tuyển dụng không phù hợp thực tế, hoặc không tương đồng với bạn.
Thành công của tôi được đo lường như thế nào?
Câu hỏi này rất có ích để bạn hiểu cách công ty ghi nhận nỗ lực của bạn ra sao. Có một hệ thống KPI, OKR hay sẽ dựa trên các quy tắc cụ thể nào? Những kỹ năng như giao tiếp hoặc phân tích, ứng biến có được đánh giá cao theo thang đo đó không?
Cuộc phỏng vấn thành công là khi cả 2 bên nắm rõ mong đợi của nhau (Ảnh: Pexels) |
Phần thử thách nhất trong công việc là gì? Điều gì khiến bạn yêu thích khi làm việc ở đây?
Công việc thực tế của người tuyển dụng có thể khác biệt so với công việc mà bạn đang ứng tuyển. Tuy nhiên, họ sẽ có sự hiểu biết sâu sắc hơn bạn về những thách thức trước mắt ở môi trường làm việc.
Cùng với đó, câu trả lời về niềm yêu thích trong công việc của người phỏng vấn có thể giúp bạn bạn hiểu rõ hơn về sự hỗ trợ mà bạn có thể nhận được từ tập thể.
Tôi sẽ nhận được các công cụ và nguồn lực nào để hoàn thành tốt công việc?
Ví dụ, với một số vị trí, việc công ty cung cấp máy tính cấu hình cao cho nhân viên là điều cần thiết. Công ty có sẵn các chuyên gia, cố vấn hoặc các bộ phận liên quan có thể hỗ trợ bạn trong quá trình làm việc cũng là những “điểm cộng” lớn. Câu hỏi này sẽ giúp bạn nhìn ra những thách thức hoặc thuận lợi nếu nhận vị trí đang ứng tuyển.
Tôi có những cơ hội nào về học hỏi và phát triển nghề nghiệp?
Công ty có những khóa học, khóa huấn luyện nội bộ, hoặc tạo điều kiện cho nhân viên nâng cao năng lực không? Họ có coi trọng việc đào tạo liên tục, phát triển nhân sự để bạn có cơ hội thăng tiến không?...
Được đào tạo liên tục sẽ giúp bạn nâng cao năng lực làm việc. Khi phỏng vấn, bạn hãy lắng nghe câu trả lời từ nhà tuyển dụng để so sánh mức độ phù hợp giữa: mong muốn của bạn - khả năng đáp ứng của công ty.
Vĩnh Phú