Ào ạt chuyển đổi
Cách đây 4-5 năm, các địa phương và bộ ngành rộ lên phong trào dựng trang web chính quyền. Đến nay, cả 64 tỉnh thành đã có trang web. Thời gian gần đây, do nhu cầu ứng dụng CNTT ngày càng tăng, đặc biệt là xu hướng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, các địa phương lại đua nhau chuyển trang web thành cổng giao tiếp điện tử.
Vào ngày 9/4 vừa qua, UBND tỉnh Lào Cai vừa ký thỏa thuận với Microsoft về việc mua giải pháp cổng điện tử của Microsoft để thay thế cho trang web hiện nay của tỉnh. Theo ông Tô Trọng Tôn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lào Cai, phải nâng cấp lên cổng điện tử do trang web hiện thời không đủ năng lực đáp ứng nhu cầu ứng dụng CNTT. Sắp tới, Lào Cai sẽ cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến và tăng cường hoạt động trao đổi trực tuyến giữa cơ quan công quyền và người dân.
Ông Tôn cho biết, tỉnh bỏ ra trên 1 tỷ đồng cộng với 2 tỷ đồng tài trợ của tập đoàn Microsoft cho dự án nâng cấp lên cổng điện tử. Microsoft sẽ hỗ trợ Lào Cai phân tích hiện trạng, thiết kế tổng thể và thiết kế chi tiết các dịch vụ trên cổng điện tử, đào tạo cán bộ cho việc triển khai. Dự kiến đến tháng 10 tới, Lào Cai sẽ ra mắt thử nghiệm cổng điện tử trên nền công nghệ của Microsoft.
Không riêng Lào Cai, một loạt địa phương khác như Đắc Lắc, Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Nam cũng tích cực chuẩn bị cho việc nâng cấp các trang web chính quyền thành cổng điện tử.
Phần mềm có bản quyền hay nguồn mở?
Ông Nguyễn Minh Hồng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh thông báo, Sở đang hoàn tất đề án nâng cấp trang web lên cổng điện tử; có khả năng cũng chọn giải pháp Microsoft cho cổng điện tử của tỉnh. Ông Hồng giải thích: "Chọn gói giải pháp của Microsoft để đảm bảo chất lượng. Phần mềm nguồn mở có nhiều cái hay, chi phí rẻ nhưng chưa yên tâm về chất lượng khai thác".
Tuy nhiên, nhiều địa phương như Hải Phòng, Phú Thọ và Hà Tĩnh lại chọn giải pháp mã nguồn mở cho cổng điện tử để tiết kiệm chi phí.
Theo ông Nguyễn Đình Phú, Giám đốc Sở BCVT Hà Tĩnh, nâng cấp web lên cổng điện tử là nhu cầu thực của tỉnh nhằm quản lý tập trung các nguồn dữ liệu, phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ công của các sở ngành và quận/huyện. Dùng công nghệ cổng cũng là cách tiết kiệm chi phí bởi chỉ cần bỏ ra khoảng 1 tỷ đồng là có cổng chung cho tất cả đơn vị. Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã xác định làm cổng điện tử trên nền mã nguồn mở bởi phần mềm đóng gói của Microsoft quá đắt, trong khi yêu cầu phần cứng lại quá cao. Hơn nữa, nếu mua giải pháp cổng điện tử của Microsoft sẽ phải mua tiếp một loạt phần mềm khác như phần mềm quản trị cơ sở dữ liệu. "Nếu làm phần mềm đóng gói của các hãng như Microsoft thì Hà Tĩnh không thể trụ nổi", ông Phú nói.
Việc lựa chọn công nghệ cổng thông tin điện tử hiện nay có hai xu hướng. Chọn các gói giải pháp sẵn có của hãng phần mềm như IBM với Websphece, Microsoft với Share Point, Oracle với OracleAS Portal hay Sun Microsystems là iplanet. Những gói giải pháp của các hãng này là sản phẩm hoàn thiện nhưng giá thành cao. Hướng thứ hai là sử dụng phần mềm nguồn mở song khó triển khai hơn, đòi hỏi "chế biến" lại hoặc phải qua đơn vị chuyển đổi và đóng gói lại. Vì vậy, với giải pháp nguồn mở nhu cầu về nhân lực lớn hơn nhiều.