Vụ Thị trường trong nước và Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) vừa phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức Hội nghị “Kết nối các sản phẩm tham gia chương trình OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP khu vực miền Bắc” năm 2019 hôm 1/11.

{keywords}
Phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở nông thôn được thúc đẩy nhờ OCOP.

OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Trong năm 2019, đã có 12 địa phương được lựa chọn, hỗ trợ xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP là: Lào Cai, Sơn La, Bắc Kạn, Hải Dương, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp. Nhiều sản phẩm từ chương trình OCOP có chất lượng cao không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn được các chuỗi siêu thị nước ngoài phân phối, giúp giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn gia tăng đáng kể, đóng góp quan trọng vào mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam lên 45 tỷ đồng trong năm 2019.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, bà Lê Việt Nga thông báo, thời gian qua, chương trình OCOP bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực. Số hợp tác xã tăng nhanh, đặc biệt là hợp tác xã sản xuất ở nông thôn, các phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, nông thôn được đẩy mạnh.

Sau một thời gian triển khai, vùng nông thôn cả nước hiện có 6.010 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình (có đăng ký kinh doanh). Đã có 3.126 doanh nghiệp sản xuất, 4.823 sản phẩm lợi thế thuộc 6 nhóm sản phẩm: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí, nhóm dịch vụ -  du lịch nông thôn, chiếm 76,6% số doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trong cả nước.

Nhiều sản phẩm từ chương trình OCOP có chất lượng cao đã được tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị, kênh phân phối nước ngoài, qua đó gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy nâng cao thương hiệu vùng miền.

Chia sẻ tại hội thảo, đại diện nhiều địa phương cho biết, thông qua chương trình OCOP, ngành nông nghiệp của tỉnh đã từng bước phát triển. Với việc đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn giống cây trồng phù hợp, mở rộng diện tích canh tác, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa. Đến nay các sản phẩm nông nghiệp phát triển đa dạng phong phú bước đầu đã trở thành hàng hóa, một số sản phẩm có thương hiệu và chỉ dẫn địa lý được người tiêu dùng trong tỉnh và ngoài tỉnh biết đến. 

Hội nghị lần này có mục đích kết nối thành công, hiệu quả các sản phẩm tham gia chương trình OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Qua đó góp phần liên kết giữa hộ sản xuất với tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp, phát triển, kết nối các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế địa phương, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

Cũng tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về việc phát triển sản xuất và kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP vào điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP. Các doanh nghiệp phân phối sản phẩm, hệ thống siêu thị ký kết biên bản ghi nhớ giao thương với các hộ sản xuất, các hợp tác xã để đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối và tiêu thụ phục vụ người dân cả nước và từng bước hướng tới thị trường nước ngoài.

Phạm Lương Bằng - Nhóm PV