Có thể tăng vọt
Đợt phong tặng NSND, NSƯT lần thứ 10 năm 2021 đi được gần nửa chặng đường. Các hội đồng cơ sở các tỉnh, thành rục rịch công bố hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu lên cấp tỉnh/thành phố, cấp bộ.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Thường trực Hội đồng cơ sở TP Hà Nội thông báo nhận cả thảy 48 hồ sơ, trong đó 16 hồ sơ đề cử NSND, 32 NSƯT. Một số gương mặt Thủ đô được đề cử NSND đợt này như: NSƯT Trần Đức, Thanh Tú, Bùi Xuân Hanh, Thu Huyền, Tấn Minh. Năm nay nghệ sĩ Lê Mai cũng được xét tặng NSƯT, lâu nay mọi người vẫn lầm tưởng bà đã có danh hiệu NSƯT. Ngành công an cũng đề xuất một số hồ sơ, trong đó NSƯT Thanh Loan - “chết” vai ni cô Huyền Trang (Biệt động Sài Gòn) - cũng được đề nghị xét NSND.
NS ƯT Thanh Loan (vai ni cô Huyền Trang trong phim Biệt động Sài Gòn) được đề nghị xét NSND |
Hội đồng cơ sở TP Hồ Chí Minh công bố 57 hồ sơ đủ điều kiện đề xuất lên Hội đồng cấp thành phố, trong đó 24 nghệ sĩ được đề cử NSND. Một số gương mặt được tiến cử đợt này: NSƯT Thoại Mỹ, Kim Huệ, Thanh Thúy, Thanh Điền, Mỹ Uyên, Trịnh Kim Chi, Hữu Quốc. Hồ sơ đề cử NSƯT có nhiều gương mặt trẻ như diễn viên Quý Bình, Huỳnh Đông, Đại Nghĩa.
Hội đồng cấp Bộ của Bộ VHTTDL cũng nhận được 121 hồ sơ đề cử NSND, NSƯT của các lĩnh vực Múa, Âm nhạc, Sân khấu và Điện ảnh do Hội đồng cơ sở trình lên, trong đó 53 hồ sơ NSND, 68 NSƯT. Sân khấu có đông đảo nghệ sĩ được đề cử NSND nhất. Trong 25 hồ sơ, có những gương mặt quen thuộc như NSƯT Lê Đại Chức, Đức Trung, Phạm Chí Trung, Trần Lực, Lê Ngọc Huyền, Đức Khuê, Xuân Bắc, Quốc Khánh.
Lĩnh vực Âm nhạc cũng có tới 23 hồ sơ xin xét NSND, trong đó có: NSƯT Hoàng Xuân Bình (Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam), NSƯT Bùi Công Duy (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), NSƯT Thanh Lam (Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam), NSƯT Lê Thị Hồng Năm (Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam). Lĩnh vực Múa có bốn hồ sơ, trong đó có NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.
Ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng (Bộ VHTTDL) dự báo, số hồ sơ xét danh hiệu lần thứ 10 có thể tăng đáng kể. Nhờ sự điều chỉnh về tiêu chí xét, cách thức bỏ phiếu đợt này. Nghị định 40/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014 quy định về xét tặng NSND, NSƯT nới lỏng hơn. Nghị định 40 bổ sung một số trường hợp đặc biệt dành cho các nghệ sĩ có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc nhưng thiếu giải thưởng, nhằm tháo gỡ vướng mắc, bởi một số gương mặt nghệ sĩ tài năng, được công chúng yêu mến nhưng chưa đáp ứng tiêu chí giải thưởng. Ngoài ra, tỷ lệ đồng thuận của hội đồng giảm từ 90% xuống còn 80%, tuy nhiên quy định về thành viên hội đồng bỏ phiếu chặt chẽ hơn.
Do quy trình xét tặng mới ở bước đầu tiên, nên các nhà chuyên môn chưa thể đánh giá sát sao về chất lượng của kỳ xét tặng này.
Giá trị danh hiệu giảm sút
Việc sửa đổi Nghị định xét danh hiệu có thể tạo điều kiện cho nhiều nghệ sĩ nổi trội, có đóng góp được tôn vinh xứng đáng dù không đủ huy chương, tuy nhiên cũng khiến dư luận lo ngại vì có thể dẫn tới quá trình xét dễ dãi hơn khiến lượng tăng, chất giảm.
NSƯT Thanh Kim Huệ, Thanh Điền trong số nghệ sĩ cải lương được đề nghị xét tặng NSND đợt này |
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định, thời gian qua một số nghệ sĩ có đóng góp nhưng chưa được xét do vướng những rào cản nhất định về tiêu chí, điều kiện. Nghị định 40 ra đời trong nỗ lực khắc phục một số bất cập trên, và cũng tạo điều kiện cho một số ngành nghệ thuật có ít cuộc thi, hội diễn, một số nghệ sĩ thực sự tài năng và cống hiến có thể nhận các phần thưởng cao quý của Nhà nước. Ông Bùi Hoài Sơn cho rằng, không phải vì lí do nới tiêu chí làm tăng số lượng NSND, NSƯT và giảm chất lượng các danh hiệu này. “Vấn đề là chúng ta thực hiện thế nào để các danh hiệu này thực chất, thực sự là niềm vinh dự, tự hào của nghệ sĩ được phong tặng”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.
Nhiều năm ngồi ở các hội đồng xét danh hiệu, NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng cần đánh giá lại quy định về xét phong tặng danh hiệu. “Mở rộng đối tượng nhưng phải đưa tiêu chí rõ hơn nữa. Từ ưu tú nâng lên NSND không thể chỉ dựa vào quy định có 2 huy chương vàng. Bởi số huy chương này chủ yếu nhờ vào đi hội diễn-chỉ có giám khảo và một số ít khán giả. Đấy là chưa kể có người cố chạy huy chương để lấy danh hiệu. Danh hiệu ấy đang bị giảm giá trị, nghệ sĩ bớt uy tín trong mắt khán giả. Đây là đợt xét tặng thứ 10 rồi, nếu không khéo số lượng tăng mà chất lượng giảm, giá trị bị đảo lộn”, NSND Lê Tiến Thọ nói.
Nhiều tên tuổi nghệ sĩ ngày càng được khẳng định theo thời gian, đều do thực lực và cống hiến của họ. Có những nghệ sĩ không có huy chương nhưng vẫn được khán giả yêu mến, có đóng góp qua nhiều vai diễn. Như đợt xét tặng trước đó nghệ sĩ Trần Hạnh được NSND, dư luận ủng hộ. “Tuy nhiên nếu cứ dựa vào tiêu chí này, có những người bỏ nghề đã lâu, không có cống hiến nổi trội nhưng lại cố gắng lấy danh hiệu thì không nên. Danh hiệu phải là danh thực, có giá trị thực”, NSND Lê Tiến Thọ nói.
Danh hiệu đi kèm trách nhiệm
Từng có một số người nêu ý kiến nên xóa bỏ xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng mỗi người có thể có quan điểm khác nhau và đều có lí lẽ riêng. “Với bối cảnh hiện nay, chúng ta vẫn nên tôn vinh nghệ sĩ bằng danh hiệu NSND, NSƯT. Đây là cách mà Đảng và Nhà nước đánh giá cao vai trò đặc biệt của nghệ sĩ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá nghệ thuật.
Dịch bệnh COVID-19 cho chúng ta thấy tầm quan trọng của nghệ thuật trong việc nâng cao đời sống tinh thần, giúp chúng ta lạc quan, vững tâm hơn trước những thách thức. Đối với nghệ sĩ, danh hiệu NSND, NSƯT luôn là niềm vinh dự, tự hào và vì điều đó, họ cảm thấy có trách nhiệm và luôn cần nỗ lực phấn đấu vì lợi ích của nghệ thuật, của đất nước. Đó cũng là điều đất nước cần ở các văn nghệ sĩ”- PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.
(Theo Tiền Phong)
NSƯT Thanh Loan 'Biệt động Sài Gòn' được xét NSND ở tuổi 70
35 năm sau bộ phim từng gây chấn động 'Biệt động Sài Gòn', diễn viên Thanh Loan (vai ni cô Huyền Trang) mới được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.