Theo kết quả điều tra, gần 70% các ca tử vong trẻ em trên 1 tuổi là do tai nạn thương tích gây ra; trên 71% các trường hợp tử vong do tai nạn thương tích là do các tai nạn thương tích không chủ ý như: tai nạn giao thông, đuối nước, ngã, ngộ độc, điện giật, ngạt, hóc nghẹn…

Để bảo vệ an toàn tính mạng cho trẻ, bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM hướng dẫn một số kỹ năng giúp xử trí đúng và phòng tránh tai nạn thương tích hay gặp trong mưa lũ cho trẻ em như tai nạn điện giật, sét đánh hay ngã cây.

Điện giật và sét đánh rất nguy hiểm vì thường gây tử vong tức thì. Người bị điện giật không thể tự rút tay hoặc bứt cơ thể khỏi nơi chạm vào điện nên nếu không được cấp cứu kịp thời, tỷ lệ tử vong là rất cao.

Nguyên nhân của tai nạn này là do sơ xuất khi tiếp xúc với nguồn điện hoặc vô ý chạm phải vật mang điện. Sử dụng các dụng cụ, thiết bị điện có điện truyền ra vỏ do các bộ phận cách điện bị hỏng hoặc không may bị dẫm vào dây điện hở, dây điện đứt rơi vào người.

Ngoài ra, nhiều tình huống bị tai nạn điện giật là do trẻ trèo lên cột điện cao thế ngoắc điện, lấy sào chọc dây điện cao thế, đến quá gần trạm biến thế điện cao thế. Trong các trường hợp này dù trẻ chưa chạm trực tiếp vào vật mang điện nhưng với một khoảng cách quá gần điện phóng qua không khí, giật ngã hoặc đốt cháy cơ thể.

Sét đánh cũng là một hiện tượng bị điện giật do phóng điện từ trên đám mây tích điện xuống đất, thường đánh xuống các cây cao hoặc vùng đất có mỏ kim loại. Sét thường xảy ra khi trời có dông, mưa rào, mưa to.

Cách phòng tránh điện giật quan trọng nhất là đảm bảo trẻ không tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây điện giật.

- Đảm bảo gia đình an toàn về điện, tuyệt đối không dùng dây điện trần (không có vỏ bọc nhựa) để mắc điện trong nhà, không dùng dây điện có phích cắm cắm trực tiếp vào ổ cắm. Trong gia đình cần dùng các thiết bị điện an toàn.

- Để nguồn điện ở chỗ trẻ nhỏ không với được: để ngoài tầm với của trẻ, dùng chắn điện an toàn, lấy băng dính bịt kín những ổ điện ít dùng đến.

- Thường xuyên kiểm tra hệ thống dây điện, các thiết bị điện, tìm chỗ hở và khắc phục.

- Hướng dẫn cách phòng điện giật và thao tác kỹ thuật sơ cứu điện giật tại trường học, tại gia đình và nơi làm việc.

- Đối với trẻ nhỏ (0-5 tuổi): các cách phòng chống trên cùng với trông trẻ đúng cách

W-tai-nan.png
Đối với trẻ lớn hơn (6-15 tuổi), cha mẹ cần giáo dục trẻ không sờ tay vào ổ cắm, phòng điện giật. 

- Đối với trẻ lớn hơn (6-15 tuổi): Cần giáo dục trẻ không sờ tay vào ổ cắm; Ghi biển báo những dấu hiệu nguy hiểm nơi có nguy cơ gây ra điện giật; Nhắc nhở trẻ tránh xa nơi đây điện đứt rơi xuống, đặc biệt khi trời mưa thì không nên nấp dưới gốc cây to/cao… Tuyên truyền cách sơ cứu về bỏng, chuẩn bị xử trí những tai nạn về điện khi dây điện bị đứt rơi xuống trong mưa bão. Giáo dục ý thức tuân thủ an toàn dưới hành lang điện (không trèo lên cột điện cao thế ngoắc điện, không lấy sào chọc dây điện, không câu móc điện bừa bãi, không xây nhà cao gần đường điện cao thế).

Cách phòng tránh tai nạn cây ngã đổ

Trẻ cần được giáo dục không chơi đùa dưới cây khi trời mưa; Không chơi đùa, leo trèo lên các cành cây.

Chính quyền, cơ quan chức năng, gia đình cần có các biện pháp thường xuyên kế hoạch tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống cây xanh trên đường phố, công viên hoặc trong vườn nhà để đốn hạ những cây bị sâu bệnh, già cỗi, nghiêng nguy hiểm, cây nhớm gốc… lấy nhành khô, cắt mé gọn những cây có bộ tán lá lớn.

Khi người dân nhìn thấy cây đổ đè trúng người, đừng tự ý di chuyển nạn nhân nếu không đủ chuyên môn mà hãy làm theo các bước để tránh ảnh hưởng đến tính mạng người gặp nạn.

Người xung quanh nên gọi bệnh viện gần nhất để nhân viên y tế nhanh chóng hỗ trợ. Sau đó, cẩn thận gỡ bỏ những nhánh cây (tán cây) đè lên người nạn nhân, không tự ý di chuyển thân thể người bị nạn để tránh bị tổn thương thêm và đợi nhân viên y tế đến sơ cứu và chữa trị kịp thời.

Ngoài ra, đối với các gia đình có con em theo học tại các trường học cần cảnh báo các em không tự ý leo trèo cây cao và tránh xa các gốc cây, nếu như trước đó xuất hiện mưa lớn gây đất mềm, dẫn đến khả năng cây có thể ngã bất cứ lúc nào.

Thu Hằng và nhóm PV, BTV