Một trong các nỗi sợ của các KOLs hay nghệ sĩ đó là họ bị ‘phong sát’ trên tất cả nền tảng, đặc biệt là đóng các kênh livestream của mình. Đây là giải pháp cần được đưa ra để ngăn chặn tình trạng KOLs, nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật.
Lời toà soạn: Trước thực trạng các KOL liên tục quảng cáo sai sự thật hiện nay, đòi hỏi cần phải có hình thức xử phạt mang tính răn đe hơn thay vì nhẹ nhàng như hiện nay. Báo VietNamNet xin gửi đến bạn đọc tuyến bài viết về hiện trạng này.
Có một thực tế từ trước đến nay tại Việt Nam, khi nghệ sĩ, KOLs quảng cáo sai sự thật trên các nền tảng mạng xã hội thì cách xử lý là lên mạng xin lỗi, xoá bài hay video quảng cáo cho sản phẩm. Nếu cơ quan chức năng vào cuộc họ chấp nhận đóng phạt. Theo quy định hiện nay, tại khoản Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, cá nhân quảng cáo sai sự thật bị phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng.
KOLs quảng cáo sai sự thật không chỉ cứ xin lỗi là xong. Ảnh minh hoạ iStock
Với doanh thu hàng trăm, thậm chí hàng tỉ đồng thu được từ hoạt động quảng cáo và bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, mức phạt này được xem là quá nhẹ và không đủ sức răn đe, nên xuất hiện tình trạng tái phạm hoặc thêm nhiều KOL, nghệ sĩ khác cũng làm điều tương tự.
Theo ông T.M.H, một doanh nhân đang làm việc với nhiều đối tác Trung Quốc trong việc kinh doanh các mặt hàng trà hay nông sản, các quy định tại Việt Nam hiện nay không đủ sức để ngăn chặn các cá nhân trên vi phạm; để nghiêm trị nên tham khảo các giải pháp mà Chính phủ Trung Quốc đang áp dụng.
Ở Trung Quốc, các cơ quan chức năng quy định rất rõ về một phiên livestream quảng cáo bán hàng trên mạng xã hội với 3 yếu tố chính: “Bán cái gì – Ai bán – Bán cho ai”.
Theo đó, để livestream đơn vị triển khai bán hàng phải khai báo với các cơ quan chức năng là sẽ bán cái gì, bằng việc cung cấp các thông tin như thành phần, nguồn gốc, thông tin kiểm định chất lượng, số lượng sản phẩm được bán ra… Tiếp đó, ai sẽ là người bán, bằng việc cung cấp thông tin các công ty cũng như kênh bán hàng của các KOLs trên các nền tảng và cuối cùng ai là người sở hữu số hàng hoá bán ra này, tức là truy đến cùng nguồn gốc của hàng hoá.
Đối với các phiên livestream vi phạm sẽ bị xử lý rất nặng, điển hình là công ty Ba Con Cừu vừa qua, vào dịp Trung thu năm 2024, công ty này giới thiệu trên livestream một loại bánh trung thu tên Meisun, tuyên bố đây là loại bánh cao cấp đến từ Hong Kong (Trung Quốc), công ty sản xuất có tuổi đời hơn 20 năm. Sản phẩm có giá ưu đãi 169 nhân dân tệ (23,3 USD) khi mua trên livestream, 200 nhân dân tệ (27,6 USD) khi mua tại cửa hàng.
Tuy nhiên, người xem nhanh chóng phát hiện loại bánh này thực tế không có tên tuổi, thậm chí được sản xuất ở Quảng Châu (Trung Quốc) và chỉ có giá 59 nhân dân tệ (8,16 USD)/3 hộp.
Ngày 17/9, cơ quan quản lý địa phương tại Hợp Phì, tỉnh An Huy - nơi đặt trụ sở của Ba Con Cừu - tiến hành điều tra công ty này về cáo buộc "gây hiểu lầm cho người tiêu dùng" thông qua chương trình khuyến mại. Đến ngày 26/9, công ty của cặp influencer chính thức bị phạt 68,95 triệu nhân dân tệ (khoảng hơn 200 tỉ đồng) đồng thời bị đình chỉ hoạt động thương mại trực tuyến để khắc phục.
Với các vi phạm ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân hay trẻ em, bán hàng giả, hàng nhái… các đối tượng đứng sau còn bị xử lý hình sự, những người bán hàng livestream có thể bị khép thêm tội đồng loã, như trường hợp bán dầu thải và sữa giả ở nước này trong thời gian vừa qua.
“Điểm mấu chốt ở đây là với các vi phạm, các KOLs bên cạnh bị tịch thu số tiền thu được và đóng phạt, còn bị ‘phong sát” bằng cách đóng toàn bộ kênh livestream trên các nền tảng, đây là điều họ sợ nhất. Bởi để xây một kênh bán hàng phải tốn nhiều thời gian và công sức, tuy nhiên tuỳ theo mức độ vi phạm họ sẽ bị đóng toàn bộ các kênh từ 3-6 tháng hoặc vĩnh viễn và không được hoạt động livestream trên các nền tảng. Với giải pháp trên các KOLs vi phạm sẽ hết đất sống”, ông T.M.H cho biết
Ông Nguyễn Duy Vĩ, CEO của Buzi Agency, cũng cho rằng khi một KOL hay nghệ sĩ đã nhận tiền quảng cáo cho một sản phẩm vi phạm thì họ phải chịu trách nhiệm, chứ không phải cứ xin lỗi hay lấy li do bị “nhãn hàng” lừa hoặc đưa ra lý do đánh giá sản phẩm để bao biện là xong. Ở đây có thể nói các KOL hay nghệ sĩ đã đồng loã với sai phạm, cần phải “cấm sóng” họ trên các nền tảng và nặng hơn là hình sự hoá theo quy định của pháp luật.
Vấn đề hình sự hoá cũng từng được ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đề cập. Theo đó, trường hợp KOLs, nghệ sĩ nhận hợp đồng quảng cáo hàng tỷ đồng thì ngay cả khi bị xử phạt số tiền trăm triệu đồng, họ cũng không lo lắng. Để xử lý tình trạng nói trên, cơ quan chức năng sẽ tham mưu quy định xử phạt mới, tăng mức tiền phạt cũng như hình phạt bổ sung với hành vi vi phạm trên không gian mạng để tăng sức răn đe. Khi họ có nhận thức khác về pháp luật, phải có hình thức xử lý cao hơn hành chính, chẳng hạn xử lý hình sự.
Đón xem Bài 3: Trung Quốc đưa ra các rủi ro và xử lý tội phạm từ bán hàng livestream
Diễn viên Doãn Quốc Đam xin lỗi người tiêu dùng vì vô tình xem video quảng cáo sữa của mình và khẳng định đã kiểm tra đầy đủ giấy tờ hợp pháp của nhãn hàng trước khi nhận lời quảng cáo.