Từ cuối năm 2020 đến nay, trên cả nước đã xuất hiện nhiều ổ dịch lở mồm long móng, với 194 xã của 24 tỉnh, thành phố trên cả nước. Chưa kể dịch tả lợn châu Phi đang tái phát và diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, trong tình hình diễn biến dịch bệnh như vậy, tỉnh Bắc Giang vẫn đạt hiệu quả cao khi tái đàn lợn. Tổng số đàn lợn khoảng 1 triệu con.

{keywords}
 

Để đạt được kết quả như trên, UBND tỉnh Bắc Giang khuyến khích và mở các lớp tập huấn, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo quy trình VietGAHP, chăn nuôi theo chuỗi, xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Tiếp tục triển khai tích cực, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch với mục tiêu khống chế, dập tắt dịch bệnh, ngăn chặn dịch xâm nhiễm vào các trang trại, hộ chăn nuôi lớn, đặc biệt là các cơ sở chăn nuôi có lợn nái, lợn đực giống.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, lưu thông động vật trên địa bàn. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ chăn nuôi có sản phẩm lợn an toàn được xuất bán và tiêu thụ.

Chủ động hợp tác với các đơn vị nghiên cứu, các tập đoàn chăn nuôi lớn để ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới như: vắc xin, chế phẩm sinh học, quy trình chăn nuôi hữu cơ, phòng chống dịch bệnh,… vào sản xuất chăn nuôi lợn. 

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Bình Minh (Hiệp Hòa – Bắc Giang) chia sẻ, an toàn sinh học trong chăn nuôi là các biện pháp kỹ thuật và quản lý được áp dụng nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm của các tác nhân gây bệnh có khả năng gây hại đến con người, gia súc, gia cầm và môi trường nuôi.

Bí quyết trong chăn nuôi của hợp tác xã nằm ở khâu chế biến cám và áp dụng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Liên kết chuỗi và làm thương hiệu giúp hợp tác xã bình ổn giá bán, đem lại thu nhập cao cho các xã viên.

“Giá tốt hơn chính là cắt được khâu trung gian. Hệ thống của hợp tác xã là khép kín từ khâu chế biến, giết mổ, giá đến người tiêu dùng không phải bỏ thêm nhiều tiền nhiều hơn nhưng giá trị gia tăng của người chăn nuôi trong hợp tác xã gia tăng thêm từ 5% đến 10%.

Một năm, cứ tính mỗi đầu lợn là gia tăng tối thiểu 200.000 đồng/con với hợp tác xã chăn nuôi khoảng 2.000 lợn thì sẽ gia tăng hơn 400 triệu đồng. Đó là giá trị lợi ích đem lại, qua đó, khích lệ và thúc đẩy bà con chăn nuôi theo hướng bền vững, và làm thương hiệu và chất lượng”, ông Nguyễn Ngọc Hải nói.

Ông Phạm Văn Huấn, Phó trưởng phòng Quản lý giống và kỹ thuật chăn nuôi, Chi cục Thú y tỉnh Bắc Giang cho biết, mô hình chăn nuôi an toàn sinh học áp dụng đối với quy mô chăn nuôi hộ vừa và nhỏ và trang trại bước đầu đem lại hiệu quả cao.

“Sau khi các hộ và trang trại tham gia mô hình đều nâng cao được ý thức chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh và an toàn sinh học. Quy trình chăn nuôi yêu cầu đảm bảo từ chọn con giống, diện tích và quy mô đàn, vị trí xây dựng trại cách xa khu dân cư.

Trong quá trình chăn nuôi phải đảm bảo không gian để vật nuôi phát triển tốt nhất và an toàn dịch bệnh. Những hộ tham gia mô hình đàn vật nuôi rất an toàn và hiệu quả chăn nuôi được cải thiện rõ rệt”, ông Huấn nói. 

Ông Tùng thông tin thêm, các trang trại chăn nuôi phải được xây dựng ở địa điểm phù hợp, đảm bảo cự ly an toàn với các khu vực xung quanh.

Mặt khác, cần áp dụng các biện pháp an toàn sinh học theo 3 vùng gồm: Vùng lõi, vùng đệm và vùng giám sát, đồng thời áp dụng chương trình phòng trị theo điều kiện dịch tễ giúp các trại lợn phòng tránh dịch bệnh hiệu quả. Nếu kiểm soát tốt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học như trên, các trang trại có thể tự tin duy trì môi trường an toàn dịch bệnh.

Theo ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, kinh nghiệm của Bắc Giang là chủ động thành lập các tổ hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp an toàn, tập trung thúc đẩy tái đàn đối với các trang trại quy mô lớn đảm bảo điều kiện an toàn sinh học. Đồng thời quan tâm chặt chẽ từ khâu cung cấp con giống, quy trình sản xuất, phương thức chăn nuôi và những “mắt xích” trong phòng chống dịch tốt nhất.

Ông Hoàng Văn Thuận – hộ chăn nuôi huyện Tân Yên cho biết, trước đây ông nuôi lợn 6 tháng mới được 1,2 tạ nhưng với cách chăn nuôi an toàn sinh học, chỉ cần 5 tháng lợn có thể đạt trọng lượng hơn 1 tạ. Khả năng chống bệnh tốt. “Mô hình chăn nuôi này thực sự hiệu quả. Tôi hi vọng mô hình sẽ được nhân rộng hơn nữa, vì nó mamg lại lợi ích cao cho bà con”, ông Thuận nói.

Hồng Nhì