Một trong những thay đổi tích cực của Việt Nam trong việc ngăn ngừa các hành vi tra tấn đó là triển khai lắp đặt, khai thác, sử dụng ghi âm, ghi hình trong quá trình hỏi cung bị can nói riêng và trong quá trình tố tụng hình sự nói chung.
Theo đó, Việt Nam đã ban hành 09 văn bản triển khai trong lĩnh vực này, đáng chú ý như: Đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ theo lộ trình cụ thể thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của BLTTHS 2015; Quyết định về quy trình thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của BLTTHS 2015 của lực lượng CAND; Kế hoạch về chương trình bồi dưỡng kỹ năng, tác phong, thái độ cho cán bộ hỏi cung, lấy lời khai khi thực hiện nhiệm vụ có ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
Về thi hành tạm giữ, tạm giam, Việt Nam đã ban hành 08 văn bản triển khai thi hành, điển hình là: Thông tư quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm và quan hệ phối hợp khi thực hiện nhiệm vụ bắt, áp giải, dẫn giải của lực lượng làm nhiệm vụ hỗ trợ tư pháp trong CAND.
Việt Nam cũng đã xây dựng mô hình phòng điều tra thân thiện để giải quyết các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi và xâm hại người dưới 18 tuổi. Mô hình “Phòng điều tra thân thiện” được thiết kế, trang trí tương tự phòng làm việc, tạo tâm lý thoải mái, gần gũi, giúp nạn nhân bớt mặc cảm, lo sợ.
"Phòng điều tra thân thiện” mở ra nhằm phục vụ công tác điều tra, lấy lời khai người bị hại dưới 18 tuổi bị xâm hại hoặc các vụ việc có người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; phụ nữ, người dưới 18 tuổi bị bạo lực, bạo hành.
Mô hình được thiết kế, trang trí tương tự phòng làm việc, tạo tâm lý thoải mái, gần gũi, giúp nạn nhân bớt mặc cảm, lo sợ. Đến nay, Bộ Công an đã thiết lập 33 "phòng điều tra thân thiện" tại Cục Cảnh sát hình sự, Học viện Cảnh sát nhân dân và Công an 30 địa phương.
Khái niệm "điều tra thân thiện" đã được đề cập đến từ khoảng năm 2013. Thời điểm đó, nhận thấy việc điều tra, xử lý các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi, đặc biệt là trẻ vị thành niên, cần phải có tiến trình và quan điểm điều tra khác, từ khâu thực hiện các thủ tục tố tụng liên quan đến lấy lời khai, triệu tập nhân chứng, giám định và các công tác liên quan đến truy tố, khởi tố, điều tra, xét xử…
Điều này cũng phù hợp với thế giới về quan điểm bảo vệ trẻ vị thành niên, trong đó có tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). Họ muốn đưa khái niệm này và tư duy điều tra, công tác ứng xử với cả nhóm tội phạm chuyên biệt với loại tội danh chuyên biệt với người thực hiện hành vi là đối tượng dưới 18 tuổi.
Sau khi đánh giá một cách chi tiết, Bộ Công an đã quyết định xây dựng lại các mô hình điều tra thân thiện tại các địa phương. Phòng được chuẩn hóa gồm 14 danh mục, rộng từ 12m2 đến 20m2; Màu sơn, rèm cửa, bàn ghế… tất cả đều tạo cảm giác ấm áp, gần gũi, giúp các nạn nhân có tâm lý thoải mái, gần gũi giúp nạn nhân giảm bớt mặc cảm, lo sợ. Ngoài ra, phòng còn trang bị tủ thuốc, tủ sách thiếu nhi, tủ đồ chơi, tranh ảnh…
Để việc lấy lời khai hiệu quả, Bộ Công an đã tổ chức tập huấn cho điều tra viên và cán bộ điều tra tại 63 tỉnh, thành về kỹ năng làm việc thân thiện với nạn nhân, kỹ năng giải quyết tin báo tố giác tội phạm, cũng như hiểu được tâm lý trẻ em, có kỹ năng tiếp xúc ban đầu đối với tin báo tố giác tội phạm trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em. Tất cả các điều tra viên đều được tập huấn kỹ năng điều tra thân thiện, có kiến thức khoa học giáo dục đối với trẻ em, thời gian lấy lời khai không quá 2 tiếng/lần và 1 ngày không quá 2 lần theo quy định.