Tại Thừa Thiên - Huế, thống kê đến cuối năm 2023, Phong Điền xếp thứ 4 trên 9 (từ cao xuống thấp) về tỷ lệ hộ nghèo. Cụ thể, huyện còn 615 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,05%; hộ cận nghèo còn 996 hộ, tương đương 3,32%. Đến nay, toàn huyện không còn xã, thị trấn nào có tỷ lệ hộ nghèo trên 5%.
Điền Hương là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Phong Điền, với 4,93% vào đầu năm 2024, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ này giảm còn 3,9% (tương đương 36 hộ). Đây một trong 7 xã của tỉnh Thừa Thiên - Huế nằm trong danh sách xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025.
Không chỉ đưa xã thoát khỏi danh sách xã nghèo, Điền Hương đang phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, góp phần xây dựng huyện Phong Điền trở thành thị xã trong năm 2024. Trên hành trình này, xã đã vận dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của Nhà nước qua các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình giảm nghèo bền vững, huy động đóng góp trong cộng đồng để thực hiện đồng bộ công tác giảm nghèo.
Thông qua các nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tại xã Điền Hương được tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất, học nghề và giải quyết việc làm. Bình quân hàng năm, gần 90 lao động tại xã được giải quyết việc làm mới; gần 98% lao động có việc làm thường xuyên. Chiều thiếu hụt về việc làm được quan tâm giải quyết đem lại thu nhập ổn định. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 42 triệu đồng.
Quan tâm đến chiều thiếu hụt về nhà ở, xã Điền Hương linh hoạt thông qua các kênh như xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, chương trình xóa nhà tạm, nhà phòng tránh lụt bão... bằng nguồn ngân sách Nhà nước từ chương trình giảm nghèo và các dự án, nguồn hỗ trợ khác, những năm qua, xã đã hỗ trợ cho hơn 100 hộ xây, sửa nhà ở. Đến nay, tại Điền Hương không còn nhà tạm, nhà dột nát, không có hộ nghèo không có đất ở và nhà ở.
Năm 2024, huyện Phong Điền xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm của huyện để hoàn thành việc xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2024. Ngay trong phiên họp đầu năm 2024 của Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững huyện, ông Võ Văn Vui, Bí thư Huyện ủy, nhấn mạnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị cùng nhau chung tay trong công tác giảm nghèo bền vững.
Người đứng đầu Huyện uỷ Phong Điền yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, đặc biệt người đứng đầu cấp ủy trong việc tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về công tác giảm nghèo bền vững; đồng thời khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo của người nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Việc giảm nghèo ở huyện này được thực hiện trên cơ sở rà soát, đánh giá chi tiết tới từng hộ gia đình, sao cho giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phải phù hợp với thực trạng, khả năng. Huyện cũng phân công nhiệm vụ cho từng ngành, từng thành viên Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững huyện để tiếp cận, hỗ trợ giúp đỡ các xã, thị trấn, đồng hành cùng các hộ gia đình để thoát nghèo bền vững.
Năm 2024, nhiều hộ gia đình đã được quan tâm, hỗ trợ các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Gia đình bà Dương Thị Cần, ở thôn Phổ Lại, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền là một trong số đó. Bà Cần sống một mình, già yếu, khả năng lao động không có. Hiểu rõ hoàn cảnh hộ nghèo này, Phòng LĐ-TB&XH huyện đã đề xuất các giải pháp hỗ trợ trực tiếp.
Theo đó, huyện hỗ trợ 20 triệu đồng để bà được sửa chữa nhà ở. Ngoài ra, huyện cũng làm thủ tục hỗ trợ cho bà mức 700.000 đồng/tháng từ tháng 3/2024 theo Nghị quyết 20 của HĐND tỉnh.
Năm 2024, huyện Phong Điền triển khai dự án mô hình sinh kế Chăn nuôi bò lai sinh sản trên địa bàn xã Phong Thu, nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Dự án này được phê duyệt vào cuối năm 2023, với tổng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 200 triệu đồng.
Xác định đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tạo thu nhập ổn định là cách giảm nghèo bền vững hiệu quả nhất, huyện Phong Điền tập trung thực hiện các giải pháp, không chỉ tăng số lượng lao động qua đào tạo mà còn tăng chất lượng nguồn nhân lực. Bình quân mỗi năm, địa phương giải quyết cho 1.700 lao động có việc làm mới, đưa hơn 200 lao động đi làm việc ở nước ngoài.