Bình Định là một trong những tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng của khô hạn, mưa bão, áp thấp, lũ lụt, sạt lở đất, gió mạnh trên biển… Trước cường độ thiên tai ngày càng nghiêm trọng và thường xuyên, tỉnh Bình Định và các địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm chủ động thích ứng các tác động của biến đổi khí hậu.
Theo kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Định đặt mục tiêu đến năm 2030, có 80% số hộ dân thuộc khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai có nhà ở an toàn; hoàn thành di dời ít nhất 70% các hộ dân sinh sống ở nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Với khu vực chưa thể di dời, được lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, cảnh báo để kịp sơ tán, giảm thiểu rủi ro khi xảy ra thiên tai; 100% các khu vực ngầm tràn được giám sát và cảnh báo độ sâu nước ngập.
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đã hoàn thiện kế hoạch, phương án phòng ngừa, ứng phó với thiên tai năm 2023. Phương châm “4 tại chỗ” vẫn là then chốt, đồng thời kết hợp với sự hỗ trợ của công nghệ, cụ thể là phần mềm Quản lý thiên tai theo từng cấp độ bão, lũ nhằm chủ động sớm các phương án, giảm thiệt hại do thiên tai.
Thị xã Hoài Nhơn là địa phương có đội tàu cá lớn, do vậy việc bố trí chỗ neo đậu, tránh trú bão là vấn đề được chú trọng hàng đầu. Hiện Ban quản lý Cảng cá và Dịch vụ đô thị Thị xã Hoài Nhơn đã lên phương án bố trí neo đậu tàu thuyền, công suất 2.300 tàu cá.
Cùng với việc đảm bảo an toàn tàu cá là vấn đề khoanh vùng các khu vực có nguy cơ cao bị ngập lụt, sạt lở để thực hiện di dời dân; bố trí lương thực, nhu yếu phẩm đảm bảo nhu cầu cho người dân khi thiên tai diễn biến phức tạp.
Việc ứng phó với thiên tai trên các công trình, địa phương cũng chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu thi công các công trình trọng điểm có phương án phòng ngừa và ứng phó. Thị xã cũng thường xuyên kiểm tra việc thực hiện, đảm bảo tính chủ động, kịp thời trong tình huống thiên tai bất thường.
Từ đầu tháng 7, Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Bình Định đã phối hợp các đơn vị liên quan, các địa phương tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật vận hành, sử dụng phần mềm quản lý thiên tai.
Phần mềm này được tỉnh Bình Định xây dựng dựa trên việc khảo sát, thu thập thông tin của hàng nghìn hộ gia đình để làm dữ liệu cho công tác phòng chống thiên tai. Trên cơ sở này, ngành chức năng xây dựng phần mềm theo phương châm bốn tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) phù hợp đặc điểm, hoàn cảnh, nguồn lực của từng địa phương, ban, ngành.
Phần mềm quản lý thiên tai tích hợp trong giai đoạn đầu các nội dung ứng phó với bốn kịch bản bão, ba kịch bản lũ theo cấp độ rủi ro thiên tai, với 13 chức năng chính. Với mỗi kịch bản, phần mềm sẽ đưa ra các dự đoán, sự ảnh hưởng của thiên tai tới các hộ dân, sau đó đưa ra xây dựng phương án di dời dân tới các vùng an toàn đã được lên kế hoạch… Căn cứ vào các số liệu dự đoán tình huống, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão sẽ điều phối nhân lực, vật lực, trang thiết bị phù hợp, bảo đảm an toàn cho người và tài sản để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Năm nay, dựa trên phương án tích hợp trong phần mềm Quản lý thiên tai tỉnh, huyện Hoài Ân chủ động để sớm có giải pháp phù hợp. Điểm thuận lợi khi có phần mềm là dự lường được những kịch bản và có được số liệu để công tác điều hành, chỉ đạo kịp thời hơn. Hiện huyện đã rà soát và khoanh vùng 4 khu vực có nguy cơ sạt lở cao cùng một số khu vực bị ngập lụt thường xuyên.
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoài Ân cho hay phương châm “4 tại chỗ” liên tục được bám sát, ưu tiên phòng ngừa để kéo giảm thiệt hại đến mức thấp nhất có thể. Huyện đã chuẩn bị phương tiện, vật tư, nhu yếu phẩm đảm bảo cho trường hợp khẩn cấp; bố trí biển báo, biển cấm ở khu vực sạt lở và ngập lụt để cảnh báo người dân không qua lại trong mưa lũ. Tùy tình hình thực tế sẽ triển khai ứng phó chứ không chủ quan, không cứng nhắc bám theo phương án đã xây dựng.
Để chủ động ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, từ đầu tháng 8, Công ty cổ phần Công viên cây xanh và chiếu sáng đô thị Quy Nhơn đẩy nhanh việc cắt tỉa cành, hạ độ cao, chặt hạ các cây sâu mục, chết khô nguy hiểm trên địa bàn thành phố. Trong đó, ưu tiên cắt tỉa các loại cây như xà cừ, phượng, dầu, me… Đặc biệt là những cây có đường kính và chiều cao lớn, cây nặng tán, cây nghiêng nguy hiểm, cây mọc lệch tán; cây có cành vươn, đặc biệt là cành khô, sâu mục… để hạn chế nguy cơ cây gãy đổ do mưa, bão, giông lốc.