Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng trên trường quốc tế cùng với sự bùng nổ công nghệ thông tin, bên cạnh những thành tựu đạt được chúng ta phải đối diện với nhiều hình thức, phương thức, thủ đoạn của tội phạm để thực hiện hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi, phức tạp nhất là đối với lĩnh vực tiền kỹ thuật số, tiền ảo (tiền mã hoá) nơi mà hành lang pháp lý chưa hoàn thiện đầy đủ. 

Đáng lưu ý, khi tiền mã hoá được sử dụng để thanh toán cho nên không loại trừ có cả hành vi rửa tiền thông qua giao dịch loại tiền này.

Rửa tiền thường liên quan đến việc buôn bán vũ khí bất hợp pháp, tài trợ khủng bố, buôn người, tham ô, giao dịch nội gián, đánh bạc hay các đường dây mại dâm xuyên biên giới do các tội phạm có tổ chức quy mô lớn thực hiện. Vì vậy, công tác phòng chống rửa tiền là ưu tiên của tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam từ rất sớm.

Ảnh minh hoạ

Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ tháng 3/2023, ngay sau đó Chính phủ đã ban hành Nghị định 19/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 09/2023/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền.

Quá trình xây dựng Luật, Nghị định và Thông tư, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam luôn phối hợp chặt chẽ với đơn vị soạn thảo đặc biệt là Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) để tham gia góp ý, tổ chức hội thảo, tọa đàm với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế.

Trong đó, nhiều tổ chức quốc tế đã phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng tổ chức tọa đàm, hội thảo với nhiều nội dung liên quan đến phòng, chống rửa tiền, và đặc biệt các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân rất quan tâm, vì vậy có buổi hội thảo (cả trực tiếp và trực tuyến) lên đến hơn 1000 người tham dự, điều đó chứng tỏ các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp và cá nhân quan tâm đến phòng, chống rửa tiền.

Trên cơ sở đó Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tổng hợp ý kiến góp ý về dự thảo Luật, Nghị định, Thông tư về phòng, chống rửa tiền, với nhiều ý kiến đã được tiếp thu và sửa đổi. Do đó, Luật, Nghị định, Thông tư được ban hành có nhiều nội dung phù hợp với thực tiễn để các tổ chức, cá nhân liên quan thực thi có hiệu quả.

Trước đó, ngày 28/06/2023, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã phối hợp với Cục Phòng, chống rửa tiền tổ chức hội thảo với chủ đề  “Rủi ro tội phạm tài chính/rửa tiền mà các tổ chức tín dụng đối mặt và chia sẻ giải pháp, kinh nghiệm triển khai” với thành phần là các tổ chức hội viên để trao đổi thẳng thắn những hành vi gian lận, rửa tiền, khó khăn của ngành ngân hàng, các tổ chức tín dụng trong phòng, chống rửa tiền và đề xuất các giải pháp phát huy hiệu quả cao nhất trong việc phòng và chống rửa tiền trên cơ sở tuân thủ theo qui định pháp luật được ban hành và theo thông lệ quốc tế.

Hoài Thanh và nhóm PV, BTV