Báo cáo toàn cầu về mua bán người gần đây nhất của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) cho biết: cứ 3 nạn nhân mua bán người trên thế giới, lại có 1 nạn nhân là trẻ em; trẻ em bị mua bán phải chịu đựng bạo lực cao hơn người lớn. Trẻ em phải đối mặt với tình trạng lạm dụng, ép buộc lao động, bị bán làm cô dâu, phải đi lính hay buộc phải tham gia các hoạt động phạm pháp.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Công an, 6 tháng đầu năm nay, tình hình tội phạm mua bán người có những diễn biến phức tạp, gia tăng so với cùng kỳ năm 2023. Các lực lượng chức năng đã phát hiện, đấu tranh 50 vụ mua bán người với 126 nạn nhân; mua bán trẻ em 48 vụ với 121 nạn nhân.
Sự phát triển của công nghệ thông tin đã và đang mang lại nhiều tiện ích nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng, trong đó có trẻ em. Các nền tảng trực tuyến khiến trẻ em có nguy cơ trở thành đối tượng bị bóc lột tình dục và bạo lực trên cơ sở giới, đồng thời cho phép những kẻ mua bán người bóc lột nạn nhân ở phạm vi xuyên biên giới.
Đặc biệt, tội phạm mua bán người triệt để lợi dụng nền tảng mạng xã hội, kết nối, tương tác người dùng, chế độ ẩn danh bảo mật thông tin người gửi, tiếp cận nạn nhân qua các mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber, Wechat…) để dụ dỗ, lừa gạt, hứa hẹn "việc nhẹ lương cao", sau đó bán nạn nhân ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp, bán dâm hoặc đòi tiền chuộc với số tiền lớn.
Các đối tượng lập hội, nhóm kín "Cho và nhận con nuôi" trên mạng xã hội để xin hoặc mua lại những bé mới sinh, chuẩn bị sinh rồi bán cho người khác với danh nghĩa cho nhận con nuôi nhằm hưởng lợi. Bên cạnh đó, tội phạm lợi dụng kẽ hở của pháp luật trong tư vấn, môi giới hôn nhân với người nước ngoài, du lịch, thăm thân... để lừa bán phụ nữ, trẻ em.
Vì vậy, Liên hợp quốc đã lấy chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người năm 2024 là "Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người" nhằm kêu gọi các quốc gia tăng cường các hoạt động bảo vệ trẻ em, hỗ trợ nạn nhân và con cái họ, giải quyết vấn nạn bóc lột trực tuyến… và phòng ngừa từ xa bằng các hoạt động giảm nghèo bền vững...
Cuối tháng 7, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Công an và UBND tỉnh Lào Cai tổ chức chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người và Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người (30/7) với trọng tâm là Lễ phát động chung tay phòng, chống mua bán người tại tỉnh Lào Cai.
Thông qua lễ phát động nhằm tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người, nâng cao ý thức cảnh giác của nhân dân, góp phần làm giảm các nguy cơ, đẩy lùi tội phạm mua bán người, thúc đẩy di cư an toàn và hỗ trợ hiệu quả nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời nâng cao nhận thức về trách nhiệm phòng, chống mua bán người, nhất là mua bán trẻ em cần trở thành công việc thường xuyên, lâu dài để mỗi gia đình, mỗi trẻ em trên thế giới này đều được sống trong yên bình, hạnh phúc.
Trước đó, trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người (30/7) tại tỉnh Lào Cai, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh triển khai một số hoạt động. Cụ thể là trao gói hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân mua bán người trở về tại Thành phố Lào Cai chiều 27/7/2024; tổ chức truyền thông phòng, chống mua bán người tại phiên chợ Bắc Hà vào sáng 28/7/2024. Sáng 29/7/2024, lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đã thăm Nhà Nhân ái tại Thành phố Lào Cai và tặng quà cho 05 nạn nhân mua bán người trở về địa phương.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Lào Cai cũng đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh là thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh và ban chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Đó là nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm và hiệu quả công tác phối hợp của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở, huy động sức mạnh của cả hệ thông chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống mua bán người. Đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống mua bán người; tăng cường công tác nắm tình hình, đấu tranh, trấn áp tội phạm mua bán người. Làm tốt công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ an toàn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, người nghi là nạn nhân…
Công an tỉnh triển khai quyết liệt các kế hoạch, phương án phòng, chống mua bán người. Chủ động nắm chắc tình hình, dự báo sát, giải quyết từ sớm, từ xa, từ cơ sở, khẩn trương điều tra, khám phá các vụ án, đường dây tội phạm mua bán người và các tội phạm liên quan, nhất là các vụ án đang được thụ lý. Phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh đẩy nhanh tiến độ truy tố, xét xử các vụ án đang thụ lý. Mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn tỉnh...