“Các quốc gia nhỏ ở Đông Nam Á đã sống ở giữa sự cạnh tranh của các cường quốc nhiều thế kỷ qua. Luôn luôn và đồng thời dùng chính sách cân bằng, phòng bị nước đôi, và phù thịnh đã luôn luôn ăn sâu trong ADN về chính sách đối ngoại của chúng ta”, Bilahari Kausikan, đại sứ Lưu động và Cố vấn Chính sách của Singapore.
Vấn đề Biển Đông đã trở thành một trong những vấn đề nơi mà các thông số cho sự cạnh tranh và lợi ích của Mỹ – Trung được xác định rõ ràng nhất. Từ đó, các nước Đông Nam Á sẽ rút ra kết luận cho riêng mình về quyết tâm của Mỹ và ý định của Trung Quốc đối với khu vực, nhà ngoại giao kỳ cựu Bilahari Kausikan* (ảnh) của Singapore ngày hôm qua cho hay.
Phát biểu trong bài thứ ba trong số năm bài giảng tại Viện Nghiên cứu Chính sách (IPS), ông Kausikan lưu ý rằng tầm quan trọng của Biển Đông đối với Trung Quốc lớn hơn so với Mỹ do giới cầm quyền nước này đã dùng vấn đề này nhằm biện minh cho tính chính danh của mình dựa trên lịch sử.
“Nếu tôi đúng khi cho rằng vấn đề Biển Đông cuối cùng có liên quan đến tính chính danh của nhà cầm quyền nước này, thì đó là một vấn đề sống còn đối với Trung Quốc,” ông nói và lưu ý rằng Trung Quốc đã trở nên hung hăng hơn trong việc thực thi những gì nước này coi là quyền quốc nội của mình trong các vùng biển tranh chấp những năm gần đây, bao gồm một chương trình đầy tham vọng về cải tạo đảo, triển khai các khí tài quân sự và chiến thuật gây áp lực cao của các nhà ngoại giao nước này trong quan hệ với các nước Đông Nam Á.
Trái lại, Washington xác định lợi ích của mình trên khía cạnh giữ gìn luật pháp quốc tế và tự do hàng hải, nhưng đây không phải là một thứ mà “Mỹ phải bảo vệ bằng mọi giá”. Do Mỹ không phải là thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, có thể Mỹ chỉ duy trì quyền tự do hàng hải dựa trên tính toán cụ thể về lợi ích quốc gia của mình và không coi đó là một nghĩa vụ mà nước này buộc phải tôn trọng, ông nói thêm.
“Dù các đảo nhân tạo (được xây dựng bởi Trung Quốc ở Biển Đông) là không quan trọng xét về mặt quân sự, nhưng chúng là một lời nhắc nhở mạnh mẽ đối với ASEAN rằng Trung Quốc là một thực tế địa lý trong khi sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông chỉ là hệ quả của một tính toán địa chính trị. Đây là một ý tưởng mà Trung Quốc không bao giờ ngừng giao rắc theo những cách tinh tế hoặc trực tiếp”, ông Kausikan nói, ám chỉ tới (thái độ của Trung Quốc với) Hiệp hội của 10 nước thành viên Đông Nam Á.
Ông lưu ý rằng, Trung Quốc thường cố gắng gây áp lực lên các thành viên ASEAN để họ không đưa vấn đề Biển Đông vào các diễn đàn hay không ủng hộ các nước khác làm như vậy. Các tiến bộ trong việc thảo luận về một bộ quy tắc ứng xử giữa Trung Quốc và các nước ASEAN trên các vùng biển tranh chấp đã bị đóng băng bởi các nhà ngoại giao Trung Quốc luôn lấy cuộc đàm phán làm con tin nhằm kiềm chế ASEAN không được làm những việc phật lòng Bắc Kinh.
Ông Bilahari Kausikan |
Các nước ASEAN đã bắt đầu kháng cự lại sự quyết đoán đó của Trung Quốc và Bắc Kinh cũng nhận thức được rằng những hành động của nước này đã dẫn đến một sự thiếu tin tưởng, ông lưu ý.
Tuy nhiên, bất cứ chi phí nào trong mối quan hệ với ASEAN mà Trung Quốc có thể phải trả cho sự quyết đoán của mình ở Biển Đông có thể được Bắc Kinh coi là không đến mức không thể chịu được nếu so với lợi ích bị đe dọa của họ, và điều này liên quan đến việc Trung Quốc sử dụng lịch sử nhằm tăng tính chính danh cho giới cầm quyền và biện minh cho các tuyên bố chủ quyền của mình.
“Trong suốt thế kỷ qua, tính chính danh của bất kỳ chính phủ Trung Quốc nào cũng phụ thuộc vào khả năng của họ trong việc bảo vệ chủ quyền và bảo vệ biên giới của Trung Quốc.”
Ông cũng lưu ý rằng Trung Quốc đang trong quá trình chuyển mình thành một cường quốc hải dương và “có lẽ không thể tránh khỏi việc một cán cân hải quân cân bằng hơn” giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ hình thành. “Khi điều này xảy ra, chúng ta không nên giả định rằng mô thức hoạt động (modus vivendi) mà họ rốt cuộc có thể đạt được ở Đông Nam Á nhất thiết phải phù hợp với lợi ích của ASEAN bởi có một sự không đối xứng cơ bản giữa lợi ích của Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông,” ông nói.
Ông giải thích rằng dù đối phó với cạnh tranh Mỹ-Trung là khó khăn, nhưng nó vẫn để ngỏ khả năng cho các nước nhỏ hơn có thể vận động.
“Đối phó với một thỏa hiệp Mỹ-Trung có thể còn khó chịu hơn. Sẽ có ít dư địa (cho các nước khác) vận động, và khi các cường quốc lớn đạt được một thỏa thuận họ thường cố gắng làm cho các nước nhỏ hơn phải trả giá (cho sự thỏa hiệp đó).”
Khả năng Mỹ-Trung thông đồng không phải là một ảo tưởng. Và ông dẫn chứng bằng việc tại Hội nghị quốc tế về vấn đề Campuchia tổ chức tại Liên Hiệp Quốc vào năm 1981, Mỹ đã đứng về phía Trung Quốc để đối chọi với ASEAN.
Ông nói thêm rằng Hoa Kỳ vào thời điểm đó đã coi quan hệ với Trung Quốc là vì lợi ích tối cao của Mỹ và thậm chí còn đe dọa Singapore rằng sẽ có “máu đổ trên sàn nhà” nếu Singapore không thay đổi lập trường của mình.
“Tôi hy vọng Mỹ hiểu rằng sự quan ngại như vậy vẫn ẩn nấp quanh đây bên dưới bề mặt ở khu vực Đông Á, nơi những ký ức được gìn giữ lâu dài,” ông nói.
Quay sang ASEAN, ông Kausikan lưu ý rằng tổ chức này đã cung cấp một cơ chế cho các nước trong khu vực nhằm quản lý áp lực bên ngoài và đảm bảo một cảm giác gắn kết giữa các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, sự đa dạng của Đông Nam Á làm cho hợp tác khu vực vừa cần thiết vừa khó có thể đạt được.
“Sự đa dạng chính của Đông Nam Á nằm ở sự khác biệt bên trong về chủng tộc, ngôn ngữ và tôn giáo, qua đó xác định bản sắc cốt lõi và định hình nền chính trị nội bộ của các quốc gia thành viên ASEAN. Những khác biệt này chắc chắn tác động tới tính toán của họ về lợi ích quốc gia và quan hệ quốc tế. Thật khó để tưởng tượng được rằng các yếu tố nguyên thủy đó sẽ bị xóa bỏ.”
ASEAN do đó phải làm việc bằng sự đồng thuận, ông nói, do bất kỳ cơ chế ra quyết định nào khác sẽ có “nguy cơ gây đổ vỡ với hậu quả khó lường”.
Tuy nhiên, một nhược điểm của việc hoạt động dựa trên đồng thuận “là xu hướng không may trong việc ưu tiên hình thức so với thực chất vốn thường xuyên biến thành sự ảo tưởng và thiếu thực tế,” ông nói và thêm rằng không vấn đề nào thể hiện điều này rõ ràng hơn cách tiếp cận của ASEAN đối với an ninh khu vực.
Ví dụ, từ năm 1971, ASEAN đã chính thức cam kết thiết lập một Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN) ở Đông Nam Á. “ZOPFAN được dựa trên khái niệm bề ngoài hấp dẫn nhưng hoàn toàn là ảo tưởng rằng an ninh khu vực tốt nhất nên được bảo đảm bằng cách loại trừ các cường quốc lớn ra khỏi các công việc của Đông Nam Á”, ông nói.
Một ví dụ khác là hiệp ước năm 1995 nhằm thành lập một Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), điều chỉ mang lại một cảm giác an ninh sai lạc bởi khi việc sử dụng vũ khí hạt nhân trở nên cần thiết thì bất kỳ hiệp ước nào cũng chỉ là một đống giấy vụn mà thôi.
Ông đã nhấn mạnh những sự thật khó nghe này về ASEAN “vì 49 năm sau khi ra đời, tổ chức này vẫn còn chưa được hiểu một cách đầy đủ”.
“Các quốc gia nhỏ ở Đông Nam Á đã sống ở giữa sự cạnh tranh của các cường quốc nhiều thế kỷ qua. Luôn luôn và đồng thời dùng chính sách cân bằng, phòng bị nước đôi, và phù thịnh đã luôn luôn ăn sâu trong ADN về chính sách đối ngoại của chúng ta,” ông nói.
“Nhưng bản năng này ngày nay có nguy bị thui chột tại ít nhất là một số nước thành viên của ASEAN nơi các ảo tưởng mù quáng về ZOPFAN và SEANWFZ vẫn có vẻ sống tốt.”
Trong phần kết luận, ông nói rằng các nước trong khu vực phải công nhận rằng Biển Đông ngày nay là đấu trường chính nơi cuộc chiến tâm tưởng phức tạp nhằm định hình khuôn khổ não trạng của các thành viên ASEAN đang diễn ra.
“Đưa ra các lập trường chắc chắn sẽ đi kèm rủi ro. Nhưng chỉ đơn thuần nằm sát mặt đất và dùng các lời nói trống rỗng về một vấn đề quan trọng như Biển Đông sẽ làm phương hại quyền tự chủ, đánh mất các lựa chọn và do đó chỉ gây ra các rủi ro lớn hơn mà thôi”.
Lê Hồng Hiệp
Bài viết thuộc chuyên mục hợp tác giữa Tuần Việt Nam và Chuyên trang Nghiên cứu Quốc tế (nghiencuuquocte.net). Tuần Việt Nam lược trích và đặt lại tiêu đề.
-----
*Bilahari Kausikan nguyên là Thư ký Thường trực Bộ Ngoại giao và hiện là Đại sứ Lưu động và Cố vấn Chính sách của Singapore.
* Gạc Ma 1988: Trang sử bi tráng không được phép lãng quên
* Không có "gậy thần", nhưng Việt Nam có Cam Ranh