Ngày 25/1, bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc và ăn sáng với 25 “thủ lĩnh” trong cuộc cách mạng chuyển đổi số 4.0 ở nhiều lĩnh vực như CNTT, y tế, bảo hiểm, hàng không, an ninh, đầu tư …

Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ những thành tựu kinh tế tích cực, tăng trưởng cao, lạm phát thấp mà Việt Nam đã đạt được trong hơn 10 năm qua. Với 93 triệu dân và là cầu nối với toàn ASEAN, cộng đồng 600 triệu dân, thị trường Việt Nam đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư để làm ăn kinh doanh tại Việt Nam.

Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình, người đồng thời là Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân chia sẻ với các doanh nghiệp nước ngoài, với kinh thần “Chính phủ kiến tạo”, Việt Nam đã có nhiều chính sách, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh doanh. Riêng trong năm 2017 đã có trên 200 cuộc đối thoại của Chính phủ với doanh nghiệp để giải quyết vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã và đang quan tâm, tập trung đầu tư vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vì đây chính là sân chơi giúp Việt Nam thay đổi vị thế quốc gia.

Tại buổi gặp lãnh đạo các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao nguồn nhân lực trẻ, thông minh, hiếu học – những phẩm chất quan trọng để thành công của nguồn nhân lực 4.0.

Ông Joe Kaeser, Chủ tịch Tập đoàn Siemens, đánh giá rất cao tốc độ phát triển của Việt Nam cũng như những nỗ lực và các thành tựu của Việt Nam đã đạt được trong thời gian vừa qua. Ông Joe Kaeser cũng nhấn mạnh, Việt Nam có nguồn nhân lực năng động đáp ứng nhu cầu nhân lực của cuộc cách mạng số. Đồng thời, ông Joe Kaeser đánh giá cao trình độ và khả năng của FPT trong quan hệ hợp tác với Siemens về đào tạo nguồn nhân lực cho cách mạng 4.0 cho không chỉ Việt Nam mà còn cả thị trường Nhật Bản và Châu Âu.

Còn theo ông Kanazawa, Giám đốc chuyển đổi số của Lixil, một trong những tập đoàn lớn nhất Nhật Bản trong lĩnh vực vật liệu xây dựng và thiết bị nhà ở, Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất đối với Lixil. Hiện Lixil đang tập trung vào cuộc các mạng 4.0, chuyển đổi số và mong muốn hợp tác với Việt Nam trong những lĩnh vực này.

Phó Thủ tướng rất vui mừng khi được biết những tập đoàn hàng đầu như Siemens, Airbus, Mitsubishi… đã chọn Việt Nam để đầu tư cũng như hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam như FPT để đào tạo nhân lực 4.0 và phát triển công nghệ mới trong các lĩnh vực, trong đó có việc hình thành những nhà máy thông minh dựa trên công nghệ số.

Trong lĩnh vực hạ tầng, Phó Thủ tướng cho rằng Việt Nam có phần hơi muộn với hạ tầng 3G, 4G, vì vậy hạ tầng 5G là cần thiết và Việt Nam sẽ đón đầu công nghệ 5G đễ hỗ trợ cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong lĩnh vực an ninh quốc gia, Phó Thủ tướng cho rằng với trên 3.000 km bờ biển, việc phát triển và sử dụng công nghệ hàng không, vệ tinh cho việc giám sát an ninh quốc gia, chắc chắn là ưu tiên của cả Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Cuộc cách mạng số 4.0 tạo ra những bài toán khó trong lĩnh vực này tuy nhiên với khả năng sáng tạo và hiếu học của người Việt Nam, Phó Thủ tướng tin rằng Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ an ninh quốc gia.

Trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, Phó Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp phát triển bảo hiểm số, tài chính số để hội nhập toàn cầu và phát huy tiềm năng xứng đáng với thị trường 93 triệu dân.

Liên quan đến lĩnh vực này, trao đổi tại buổi gặp, ông Sergio Balbinot, Ủy viên Hội đồng quản trị Allianz, định chế bảo hiểm quốc tế và dịch vụ tài chính thứ hai trên thế giới, cho biết, Allianz quan tâm tới việc áp dụng công nghệ mới để phát triển ngân hàng số, bảo hiểm số.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, chuyển dịch số 4.0 là bài toàn về nhu cầu cụ thể chứ không phải bài toán về công nghệ thuần tuý. Chính vì vậy, với cơ chế hỗ trợ của Chính phủ, với những bài toán chuyển đổi số của các tập đoàn toàn cầu và với sự sẵn sàng về nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng 4.0 của các doanh nghiệp Việt Nam như FPT, Việt Nam sẽ trở thành mảnh đất cho những hành động 4.0.