Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Bộ TT&TT vào sáng 23/12/2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, ngành TT&TT phải tiếp tục đóng vai trò đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Phó Thủ tướng đánh giá cao những kết quả đạt được của toàn ngành TT&TT trong năm 2016. Toàn ngành đã giữ được tốc độ phát triển cao, doanh thu và lợi nhuận cao, nộp ngân sách Nhà nước cũng ở mức cao. Ngành TT&TT đã đạt được các kết quả toàn diện trong lĩnh vực được giao.
Năm 2016, tình hình phát triển chung có nhiều thuận lợi nhưng khó khăn cũng không ít. Tình hình quốc tế có nhiều bất ổn, trong nước xảy ra một loạt sự cố cần có vai trò của ngành TT&TT để giải quyết. Tốc độ doanh thu của toàn ngành đạt 9,3%, cao gấp rưỡi mức tăng bình quân của cả nước là 6,5%, doanh thu của các doanh nghiệp trong ngành cũng ở mức rất cao, nộp ngân sách nhà nước nhiều hơn năm trước.
Bên cạnh đó, ngành đã làm rất nhiều việc thể hiện kỷ cương của pháp luật, chưa bao giờ ngành TT&TT đã thực hiện chấn chỉnh hoạt động của báo chí, đưa báo chí đi vào đúng kỷ cương như năm qua. Việc chấn chỉnh này nhằm phát huy mạnh mặt tích cực, thông tin tuyên truyền tới người dân một cách đúng đắn. Trong năm qua có nhiều cơ quan báo chí, các cá nhân bị xử lý, việc xử lý này là để báo chí phát huy điểm mạnh của mình. Sau khi được chấn chỉnh ý thức báo chí đã tốt hơn, mới đây Hội Nhà báo Việt Nam đã ra quy chế mới về đạo đức của người làm báo. Tất cả những thay đổi này có vai trò rất lớn của Bộ TT&TT.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đến hai điểm mà ngành TT&TT phải giữ vững đó là vai trò tiên phong trong đổi mới và phát triển phải đi vào thực chất.
Phó Thủ tướng phân tích rõ, vai trò tiên phong trong đổi mới ứng dụng công nghệ trong truyền thống của ngành TT&TT từ trước tới nay. Ngành Bưu điện trước đây do đặc tính liên quan đến khoa học công nghệ và quản trị đã đặt ngành vào thế phải tự đặt mình vào vai trò đi đầu. Ngành Bưu điện luôn đi đầu trong đổi mới, trong chiến tranh cũng phải thử nghiệm những thứ có trước để ứng dụng vào thực tiễn hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Ngay như báo chí trước đây không có tính năng đi đầu, nhưng đến nay càng ngày càng thấy rõ vai trò định hướng của báo chí. Trong thời gian qua báo chí đã phản ánh rất tốt tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, định hướng trước dư luận.
Báo chí ngày càng thể hiện vai trò tiên phong về công nghệ, bằng công nghệ mới ứng dụng vào việc thực hiện nội dung. Trước những ứng dụng công nghệ như truyền hình trực tuyến, truyền thông mạng xã hội đòi hỏi những người làm báo, cơ quan nhà nước về báo chí phải rất tiên phong trong đổi mới công nghệ.
Ngành viễn thông từ trước tới nay luôn thể hiện sự tiên phong về công nghệ, nhưng số liệu năm nay khác. Trước đây bưu chính tăng trưởng chậm hơn viễn thông thì năm nay lần đầu tiên bưu chính tăng trưởng 12%, trong khi viễn thông còn 7,5%, CNTT đạt mức tăng 10%. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, bưu chính quy mô nhỏ hơn tăng trưởng dễ hơn, nhưng con số này thể hiện rõ ràng ngành bưu chính đang có nhiều đổi mới, thể hiện vai trò của đơn vị đi đầu.
Đối với lĩnh vực viễn thông, trước đây khi triển khai dịch vụ di động 2G Việt Nam cơ bản xếp hạng tiên phong đi đầu trong khu vực, khi áp dụng số hóa Việt Nam mạnh dạn không nhận công nghệ analog. Phát triển mạng di động kiên quyết đi vào ứng dụng công nghệ GSM, nhờ vị thế của người đi đầu mà các mạng đã phát triển mạnh. Cả ba nhà mạng lớn của Việt Nam đều tăng trưởng rất nhanh nhờ công nghệ 2G.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhận định, cho đến khi triển khai 3G Việt Nam có chậm hơn, chỉ ở mức trung bình trong khu vực không đi sớm, nhưng đến 4G thì Việt Nam đã tụt lại ở Top sau.
“Đây là điều mà chúng ta phải cố gắng để bứt lên, phải có tinh thần tiên phong đi trước trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4. Các doanh nghiệp trong ngành TT&TT phải ý thức được điều này, phải tiên phong vì đất nước, vì ngành chứ đừng vì doanh nghiệp của mình”, Phó Thủ tướng phát biểu.
Đối với lĩnh vực CNTT, càng ngày càng thể hiện rõ vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế điều hành đất nước. Ví dụ, muốn cải cách hành chính tốt, không làm trực tuyến, không bớt giao tiếp giữa người với người, không hạn chế bớt thủ tục hành chính đi thì làm sao cải cách được. Điều này có vai trò rất lớn của ứng dụng CNTT.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu, ngành TT&TT phát triển phải đi vào thực chất, bất cứ cái gì phát triển ra đi vào thực chất sẽ bền vững, cái gì không thực chất sẽ phải trả giá, không trả giá cũng mất động lực.
Chính phủ mới đã kế thừa thông điệp của nhiệm kỳ trước, nhấn mạnh đến mục tiêu phải cải thiện bằng được môi trường kinh doanh, môi trường cạnh tranh của cả nước, tất cả những cải cách này liên quan chặt chẽ tới ngành TT&TT. Bộ TT&TT phải đi đầu trong ứng dụng CNTT, hiện Bộ đã có 261 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 16/261 dịch vụ được cung cấp mức độ 4, như vậy là quá ít. Để phát triển môi trường kinh doanh, cải thiện mạnh mẽ chính sách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.
Chính phủ đã đặt mục tiêu năm 2020 phải có 1 triệu doanh nghiệp. Hiện Việt Nam có khoảng 0,5% doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và chúng ta có thể phấn đấu đạt được từ 5-10% doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được không? Đa phần các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đều dựa trên nền tảng CNTT. Do đó, Bộ TT&TT rất cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp để đạt được mục tiêu trên. Các nhà mạng lớn cũng cần có chính sách riêng, gói cước riêng để hỗ trợ hạ tầng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này phải làm gì để làm được tránh hô khẩu hiệu. Các doanh nghiệp viễn thông phải tập trung phát triển băng rộng cố định, không mở băng rộng làm sao làm được cách mạng công nghiệp.
Chính phủ đã quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo liêm chính hành động, muốn vậy phải công khai hóa minh bạch hóa, ở đây có vai trò rất lớn của báo chí trong việc giám sát công khai, minh bạch. Các thông điệp chính của Chính phủ, ngành TT&TT phải có vai trò tiên phong thực hiện, giúp Chính phủ chuyển tải nội dung, kết quả thực hiện các thông điệp đến với người dân.