Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT do Bộ TT&TT tổ chức vào sáng ngày 23/11/2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có chỉ đạo rất cụ thể liên quan đến từng lĩnh vực một trong 4 trụ cột để phát triển CNTT. Đặc biệt Phó Thủ tướng đã thẳng thắn chỉ ra những điểm hạn chế, những điểm khiến giới CNTT “chưa hài lòng” trong triển khai ứng dụng CNTT tại các bộ, ngành, địa phương trong 10 năm qua.

An toàn an ninh là phần không thể tách rời khi thuê dịch vụ CNTT

Bên cạnh chỉ đạo về việc phải quyết liệt triển khai thuê dịch vụ CNTT trong cung cấp dịch vụ hành chính công thì điểm thứ hai mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đó là, phải đảm bảo an toàn an ninh như là phần không thể tách rời khi đi thuê dịch vụ CNTT. Bởi vậy khi đặt đầu bài đi thuê dịch vụ CNTT thì an toàn phải là bài toán đầu tiên. Các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhất định phải chú ý đảm bảo an toàn an ninh thông tin ngay từ đầu. Nếu không có phương án đảm bảo an toàn, khi làm rồi nhỡ nó sập hoặc trục trặc một hôm là ảnh hưởng công việc chung.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương về việc: “Đi thuê dịch vụ không phải cứ đặt máy ở chỗ của mình mới là an toàn. Nếu ai đó nói với các đồng chí là đặt máy ở chỗ A, chỗ B, hay sợ đặt máy ở nơi khác bị kiểm soát là người không hiểu chuyên môn hoặc hiểu nhưng cố tình nói không trung thực”.

Các ngành, các địa phương phải cố làm thuê dịch vụ cho bằng được, phải đo chất lượng ứng dụng CNTT bằng dịch vụ công cấp 4, cấp 3. Trước đây khi đo chỉ số ICT Index bằng số lượng văn bản chỉ đạo của các tỉnh về CNTT, thì nay phải thay đổi quan điểm này đi, khi đánh giá không cần phải đi đâu, chỉ cần ngồi ngay đây vào cổng dịch vụ công của các ngành, các tỉnh xem số lượng dịch vụ công cấp 4, cấp 3 là bao nhiêu. Các tỉnh hãy thuê dịch vụ theo kiểu “ông cung cấp dịch vụ cho tôi dịch vụ này, chứ đừng đi thuê máy, thuê phần mềm mà hãy thuê cung cấp dịch vụ”.

Doanh nghiệp phải có trách nhiệm tham gia đào tạo nhân lực CNTT

Đánh giá về phần công nghiệp CNTT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh việc Samsung hay các công ty điện tử nước ngoài đầu tư mạnh vào Việt Nam mấy năm qua là do Việt Nam có môi trường đầu tư ổn định, một phần là do chính sách ngoại giao của Đảng nhà nước, do tất cả các chính sách khác cộng lại không phải chỉ do tác động của riêng Luật CNTT, mà Luật CNTT chỉ góp phần để thúc đẩy công nghiệp CNTT thôi. Phó Thủ tướng chỉ đạo doanh nghiệp khởi nghiệp, các kỹ sư phần mềm cần phải bàn sâu để đẩy mạnh hơn nữa công nghiệp CNTT.

Về nhân lực CNTT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, Chính phủ đã nhiều lần bàn rất nhiều về vấn đề chất lượng đào tạo nhân lực CNTT. Đã mời Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động và TBXH, Bộ TT&TT các Hiệp hội, tới sẽ có văn bản chỉ đạo về cải cách đổi mới mạnh mẽ lĩnh vực đào tạo nhân lực CNTT. Trong đó phải kể đến là nội dung chương trình đào tạo chính quy về CNTT sẽ vượt qua ranh giới đào tạo bình thường trong nhiều trường hợp. Ví dụ các kỹ sư CNTT làm việc các doanh nghiệp có đủ tiêu chuẩn sẽ được tính như giáo viên, giảng viên trong các trường đại học, doanh nghiệp phải tham gia và có trách nhiệm đào tạo cho đội ngũ, để nhân lực CNTT vừa học, vừa làm cho bớt hàn lâm đi. Việc này đã được các hiệp hội đã họp bàn nhiều lần và thấy cần thiết các doanh nghiệp phải có trách nhiệm đào tạo nhân lực CNTT, giống như các bệnh viện nhận sinh viên y vào đào tạo bấy lâu nay.

Liên quan đến nhiệm vụ phát triển hạ tầng CNTT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh quan trọng nhất là phải đẩy mạnh phát triển hạ tầng mềm. Thời gian gần đây khái niệm về hạ tầng CNTT đã thay đổi khá nhiều, trước đây khi nói đến hạ tầng thì chỉ có phát triển cáp quang, viba, tổng đài, hoặc hệ thống máy tính. Nhưng hiện giờ nói đến hạ tầng thì việc quan trọng là phải bàn nhau đẩy mạnh phát triển hạ tầng mẽ. Phải có cơ chế mạnh mẽ, đặc biệt là phát triển dữ liệu lớn. Đối với big data thì đừng lấy mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu làm mục tiêu chính, vì máy tính, phần mềm hay dữ liệu cuối cùng cũng chỉ phục vụ cho mục tiêu quản lý hành chính.