Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Thanh toán điện tử - VEPF 2016 diễn ra sáng 24/11/2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề cập đến việc điện tử hóa nền kinh tế. Phó Thủ tướng cũng cho rằng, với làn sóng Fintech (công ty kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ) thanh toán điện tử hiện nay được xem là một hướng đi mới và là giải pháp giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân. Chính phủ cần đẩy mạnh vấn đề này trong thời gian tới để tăng cường sự minh bạch cho Chính phủ.
Đến nay, đã có trên 96% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế qua mạng. Về phía Nhà nước đã có nhiều văn bản, chương trình, dự án được ký kết trong vòng 1 năm qua để thúc đẩy dịch vụ thanh toán điện tử. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng. mặc dù kết quả thực hiện vẫn còn khiêm tốn song được cộng đồng quốc tế đánh giá có bước tiến. Nhưng cũng phải nhìn nhận thực tế là việc triển khai hiện vẫn còn nhiều hạn chế khi tiếp cận với người dân, do chưa có giải pháp thay đổi thói quen dùng tiền mặt của người dân và một phần do doanh nghiệp, nhà cung cấp giải pháp dịch vụ còn chưa phù hợp.
“Hiện có khoảng 125.000 dịch vụ công mà Chính phủ và các cơ quan công quyền phải cung cấp cho người dân. Nhưng đến lúc này có chưa đầy 1.200 dịch vụ được cung cấp ở cấp độ 4, tức là chưa tới 1%. Đây là một con số rất đáng suy ngẫm”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Phát biểu tại buổi họp Chính phủ hồi tháng 4/2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phản ánh việc triển khai Chính phủ điện tử ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn gặp khó khăn vì Bộ muốn làm khoảng 10 dịch vụ công cấp độ 3 và cấp độ 4 nhưng vốn hiện nay cấp chỉ đủ làm khoảng 6 dịch vụ. Trước vấn đề này, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, các Bộ phải nỗ lực giải quyết vấn đề cải cách hành chính. “Chúng ta thực hiện cải cách hành chính, việc này không tốn chi phí nhiều nhưng đem lại hiệu quả lớn cho nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh tăng hạng. Vì vậy, các Bộ phải chú ý đến cải cách hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Vừa rồi, chúng ta làm quyết liệt thì đã có 8 Bộ thực hiện kết nối một cửa và cần tiếp tục làm quyết liệt vấn đề này”, nguyên Thủ tướng nói
Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói tiếp: “Nghị quyết 36a về xây dựng Chính phủ điện tử là chính sách rất quan trọng đối với cải cách hành chính. Chi phí cho việc này không nhiều, các Bộ ngành cứ thuê dịch vụ CNTT mà làm, Chính phủ đã có cơ chế cho phép các Bộ thuê dịch vụ CNTT. Các Bộ không nên làm theo kiểu cũ, vừa tốn biên chế, không chuyên nghiệp mà không hiệu quả. Các Bộ có thể thuê các doanh nghiệp như VNPT, Viettel … vì đây là những đơn vị chuyên nghiệp. Vừa rồi, tôi hỏi Bảo hiểm xã hội có làm được không, các đồng chí bảo làm được. Nếu kết nối bảo hiểm xã hội đã giảm thất thoát mười mấy nghìn tỷ đồng một năm. Điều đó cho thấy việc triển khai này hoàn toàn trong năng lực của chúng ta, không có tốn kém cả”.
Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử được hướng tới mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hiệp quốc. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.
Các chỉ tiêu chủ yếu được đặt ra tại Nghị quyết là trong ba năm 2015 - 2017 tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính.
Phấn đấu đến hết năm 2016 các bộ, ngành Trung ương có 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ (dịch vụ công trực tuyến mức độ 3).
Phấn đấu đến hết năm 2016, một số dịch vụ công phổ biến, liên quan nhiều tới người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4).
Cải cách toàn diện cả ba nhóm chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI), hạ tầng viễn thông (TII) và nguồn nhân lực (HCI); phấn đấu đến hết năm 2016, Việt Nam nằm trong Nhóm 4 và đến hết năm 2017 nằm trong Nhóm 3 các quốc gia đứng đầu ASEAN về chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI) và Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) của LHQ.