Yêu cầu thuê dịch vụ CNTT của các doanh nghiệp đủ nguồn lực và kinh nghiệm

Ngày 16/2, Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị về Chỉ số Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc diễn ra ngày 17/1/2017. Hội nghị này có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: TT&TT, GD&ĐT, KH&ĐT, Tài chính, LĐTB&XH, TN&MT, Y tế, Hội Tin học Việt Nam (VAIP), Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), Văn phòng Chính phủ và một số chuyên gia trong lĩnh vực CNTT.

Thông báo của Văn phòng Chính phủ cho hay, sau khi nghe VAIP báo cáo, phân tích về Chỉ số xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc, việc ứng dụng CNTT phục vụ triển khai Chính phủ điện tử tại các bộ, ngành, địa phương và ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết luận, xếp hạng của Liên hợp quốc về Chính phủ điện tử không đơn thuần là việc xếp hạng, so sánh giữa các quốc gia mà liên quan trực tiếp đến tín nhiệm của quốc gia trong thu hút đầu tư nước ngoài, đánh giá năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đến chi phí  vốn vay của quốc gia và doanh nghiệp, việc đàm phán, ký kết các thỏa thuận thương mại quốc tế…

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 36a ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai thực hiện, bước đầu đạt được một số kết quả khả quan. Trong Bảng xếp hạng Chính phủ điện tử do Liên hợp quốc công bố năm 2016, Việt Nam tăng 10 bậc so với năm 2014, đứng thứ 89/193.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, bên cạnh kết quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế như: Việt Nam vẫn nằm trong số các nước trung bình về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử. Năm 2016, nước ta tụt hạng trong bảng xếp hạng ASEAN (từ thứ 5 xuống thứ 6), không đạt mức ASEAN 4 như mục tiêu tại Nghị quyết 36a. Trong đó, 2 chỉ số thành phần của chỉ số Chính phủ điện tử còn thấp, cụ thể là chỉ số hạ tầng viễn thông xếp thứ 110 và chỉ số hạ tầng nhân lực xếp thứ 127. Điều này chưa phản ánh đúng thực tế do số liệu cung cấp cho Liên hợp quốc còn thiếu và chưa được cập nhật đầy đủ.

Để nâng cao chỉ số xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết liệt chỉ đạo, khẩn trương khắc phục tồn tại, bất cập, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 36a và các văn bản liên quan về Chính phủ điện tử.

Về dịch vụ công trực tuyến, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm các nước có dịch vụ công trực tuyến phát triển như Pháp, Singapore, các bộ, cơ quan nhất là các bộ thuộc 6 lĩnh vực trọng điểm (giáo dục, y tế, tài chính, phúc lợi xã hội, lao động, môi trường) cần lựa chọn một số dịch vụ công trực tuyến đơn giản, có thể triển khai ngay, dịch vụ được người dân sử dụng thường xuyên và dịch vụ có thu phí để tiến hành thực hiện trước; đồng thời phối hợp, hỗ trợ một số địa phương có điều kiện thuận lợi nhằm triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến một cách đồng bộ.

Các bộ, cơ quan liên quan được yêu cầu phải khẩn trương thống nhất đầu mối, giao các đơn vị chức năng trực thuộc làm rõ các số liệu cần cung cấp cho các tổ chức quốc tế (UNDP, ITU, UNESCO…) và Liên hợp quốc; định kỳ hàng quý phối hợp nhằm bảo đảm tính chính xác, đồng bộ của số liệu giữa các cơ quan trước khi bộ chủ trì cung cấp cho các tổ chức quốc tế nêu trên, đồng thời cập nhật cổng thông tin điện tử của các bộ, ngành mình.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD&ĐT khẩn trương phối hợp Bộ LĐTB&XH và các bộ, cơ quan liên quan bổ sung, cập nhật các số liệu còn thiếu trong chỉ số Hạ tầng nhân lực, bảo đảm tính thống nhất trước khi cung cấp cho tổ chức quốc tế liên quan.

Phó Thủ tướng giao Bộ TT&TT chịu trách nhiệm chủ trì, đầu mối về cải thiện thứ hạng chỉ số Chính phủ điện tử của Việt Nam trong Bảng xếp hạng của Liên hợp quốc. Định kỳ hằng quý, hằng năm có Báo cáo chuyên đề về tình hình, kết quả cải thiện các chỉ số, chỉ tiêu về Chính phủ điện tử gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ KH&ĐT tổng hợp, báo cáo Chính phủ trong các Phiên họp thường kỳ.

Cùng với nhiệm vụ hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thống nhất cách cung cấp thông tin và những vấn đề liên quan nhằm nâng cao xếp hạng chỉ số Chính phủ điện tử, Bộ TT&TT cũng được chỉ đạo phải khẩn trương cập nhật các số liệu mới nhất liên quan Chỉ số hạ tầng viễn thông, cung cấp cho tổ chức quốc tế có liên quan.

Đồng thời, Bộ TT&TT còn có trách nhiệm phối hợp với các hiệp hội, hội thuộc lĩnh vực CNTT hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu đánh giá xếp hạng trong lĩnh vực CNTT, Chính phủ điện tử phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế (Hội Tin học Việt Nam: Báo cáo Vietnam ICT Index; Hiệp hội An toàn thông tin: Báo cáo đánh giá an toàn thông tin…); phối hợp với các Bộ Nội vụ, Tư pháp đề xuất đồng bộ các cơ chế, chính sách, thực hiện hiệu quả việc gắn kết giữa đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử với cải cách bộ máy hành chính, cải cách thủ tục hành chính.