Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ TT&TT ngày 22/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá: Trong năm 2017, giữa bối cảnh có nhiều khó khăn, toàn ngành đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo, có chuyển biến rõ nét và đóng góp rất tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, tạo sự đồng thuận, tăng cường mối đại đoàn kết và giúp hình ảnh Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế được nâng lên.
Việt Nam đã tăng 14 bậc trong xếp hạng về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 12 bậc (từ 59 lên 47) theo xếp hạng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO); tăng 5 bậc về năng lực cạnh tranh toàn cầu (từ 60 lên 55) theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
"Phân tích sâu các chỉ số này thì thấy đều có phần không thể thiếu của việc ứng dụng CNTT", Phó Thủ tướng nói, đồng thời ghi nhận mức độ tăng trưởng của một số lĩnh vực như lĩnh vực viễn thông tăng 6,8%, bưu chính 10%, CNTT 13% và xuất bản – in năm nay tăng 11% dù có nhiều khó khăn.
Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao những hành động cụ thể của ngành TT&TT đóng góp theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là đẩy mạnh xây dựng Chính phủ hành động, kiến tạo, phục vụ, liêm chính, đón đầu xu thế 4.0. Đó là Việt Nam chính thức có 4G; bưu chính đã thực hiện rất tốt là cánh tay nối dài của chính quyền, tăng cường sự hiện diện ở tất cả các cấp.
Ngoài ra, đó là sự đổi mới về đào tạo, đổi mới vươn ra những khuôn khổ bình thường, trong đó có nhân lực CNTT....
“Tôi nhiệt liệt chúc mừng kết quả này, đồng thời biểu dương sự tham gia, đồng thuận của toàn xã hội để cho sự nghiệp CNTT-TT Việt Nam trong năm qua tiếp tục đạt kết quả tốt”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Phó Thủ tướng đồng tình với 5 phương hướng hoạt động trong năm 2018 mà báo cáo tổng kết của Bộ TT&TT đã đề ra. Đó là cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, xây dựng cơ chế chính sách, thúc đẩy phát triển TT&TT; nâng cao nhận thức về xã hội thông tin, kinh tế tri thức, vai trò của TT&TT trong toàn xã hội; hoàn thiện, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
Ngoài ra, chủ động tích cực trong hội nhập kinh tế quốc tế; đổi mới tổ chức, nâng cao trình độ quản lý năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh các doanh nghiệp TT&TT.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ TT&TT cần lưu ý 3 điểm: phải gương mẫu, thiết thực và tạo sự đồng thuận lớn trong xã hội, huy động toàn xã hội tham gia vào công việc của mình.
Về báo chí, đầu tiên phải quản lý thật tốt các báo của Bộ, hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, hoạt động năng động nhất và đưa được những giá trị tốt cho xã hội nhất. Giả sử nếu không tránh khỏi sơ suất thì phải xử lý kịp thời, nghiêm nhất.
Về CNTT, phải xử lý hồ sơ công việc của Bộ bằng máy tính, cơ sở dữ liệu cần tạo sự liên thông giữa các đơn vị thuộc Bộ, rồi liên thông giữa Bộ với Chính phủ.
Về dịch vụ công trực tuyến, hiện Bộ đang cung cấp 232 dịch vụ công, trong đó 7,7% ở mức độ 3 và 7,3% ở mức độ 4. Bộ TT&TT phải đi đầu trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Cũng tại hội nghị, đề cập đến vấn đề thuê dịch vụ CNTT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý các bộ ngành đừng cố tự làm, nên thuê dịch vụ. Bộ TT&TT cũng phải gương mẫu đi đầu trong thuê dịch vụ. Phải gương mẫu, thiết thực, phải có tầm nhìn xa, chiến lược đồng bộ. Ngoài ra, phải tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong từng lĩnh vực như viễn thông, báo chí xuất bản… một cách thiết thực nhất.
Ví dụ trong lĩnh vực viễn thông, nếu vấn đề băng tần chưa giải quyết được thì chất lượng 4G chưa được đảm bảo, rồi chưa có chính sách cước phí tốt thì 4G không rẻ hơn 3G, khó thu hút được nhiều người dùng.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tại Việt Nam đang nói rất nhiều đến thành phố thông minh, giao thông thông minh, nông nghiệp, du lịch thông minh…, thì điều cần thiết là động viên các nơi làm các mô hình tối ưu, khi đã có mô hình tốt, Bộ đứng ra cùng đánh giá và khuyến khích nhân rộng. Phải tạo ra được môi trường để tất cả doanh nghiệp từ lớn như VNPT, Viettel, MobiFone… cho tới những công ty startup nhỏ 1-2 người làm cũng đều có thể làm được.
Chính phủ khuyến khích nên thuê ngoài để cung cấp dịch vụ CNTT
Phát biểu chỉ đạo cụ thể về việc ứng dụng CNTT, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT do Bộ TT&TT tổ chức ngày 23/11/2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nhận định việc triển khai thuê dịch vụ CNTT còn nhiều vướng mắc, vướng về luật pháp, vướng về thủ tục, vướng về giá thuê, về kinh phí thuê, nhưng điểm vướng nhất vẫn là tư tưởng.
Chính phủ đã khuyến khích nên thuê ngoài, phải thuê ngoài để cung cấp dịch vụ CNTT. Tuy nhiên có cơ quan sáng tác ra thuê máy, thuê phần mềm và cho rằng đó là thuê ngoài là không đúng, nếu chúng ta thuê máy, thuê phần mềm nhưng không ra dịch vụ cung cấp cho người dân cũng là lãng phí, mà phải thuê cung cấp các dịch vụ cuối cùng".
Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, các sở phải đặc biệt lưu ý điều này. Làm CNTT không như làm một con đường, nếu năm nay ta làm con đường có ít xe đi nhưng con đường nó còn nguyên đó đó. Nhưng CNTT thì khác, chúng ta mua máy mua phần mềm, bỏ tiền làm dữ liệu nhưng không ra được dịch vụ, một hai năm sau giá trị mua máy, thuê làm dữ liệu đó chỉ còn giá trị một nửa. Việc thuê máy, thuê phần mềm rồi để đó ít nhất là mắc lỗi lãng phí, chưa nói đến tiêu cực.
“Các đồng chí bỏ ngay kiểu đi báo cáo lãnh đạo rằng, thuê doanh nghiệp ngoài làm sẽ không bảo đảm an ninh. Tôi hỏi các đồng chí có trung tâm nào tự làm con chip, tự làm ra máy tính, tự viết phần mềm hay không hay vẫn phải đi mua. Không phải cái máy chủ đặt tại trụ sở tỉnh, ở Sở mới đảm bảo an ninh, cái này phải quán triệt tới tất cả các tỉnh. Hiện nay việc thuê dịch vụ CNTT có thể còn vướng về luật pháp, vướng về thủ tục, vướng về giá thuê, nhưng điểm vướng nhất vẫn là tư tưởng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.