Phát biểu tại Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2015 (Vietnam ICT Summit 2015) sáng 25/6/2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, theo thống kê CNTT trong năm qua có tốc độ tăng trưởng 16%. Việt Nam đứng trong Top 5 nước tăng trưởng CNTT nhanh nhất thế giới. Trong lĩnh vực thuê ngoài, Việt Nam còn đứng đầu thế giới, chưa kể một loạt hiện tượng những cá nhân, doanh nghiệp trẻ, các startup (khởi nghiệp) mới không chỉ ở Việt Nam mà ở nước ngoài cũng có những sản phẩm được cả thế giới thừa nhận.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng đặt ra vấn đề về sự tụt hạng trong xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam theo Liên hợp quốc. Theo đó, số liệu thống kê là từ giữa 2013 trở về trước và công bố vào 2014 thì thứ hạng của Việt Nam tụt 19 bậc (đứng thứ 99). Có thể giải thích xác đáng lý do cho hệ quả này không phải vì CNTT kém đi mà do chủ yếu 2 nhóm chỉ số thống kê của Liên hợp quốc về nguồn nhân lực và hạ tầng (do Việt Nam siết chặt về thuê bao trả trước nên giảm từ gần 200 triệu xuống còn khoảng 130 triệu thuê bao). Nhưng chúng ta không được phép quên rằng chỉ số dịch vụ công trực tuyến của ta so với năm 2012 lại giảm đi, dù không nhiều.

Tính đến cuối năm 2013, Việt Nam có hơn 104.000 dịch vụ công trực tuyến các loại, nhưng số dịch vụ cấp 1 và 2 đã chiếm tới hơn 101.000. Chỉ có vẻn vẹn 2.366 dịch vụ công cấp độ 3 và 111 dịch vụ công cấp độ 4. Trong khi đó, Thủ tướng có một quyết định từ năm 2010 để thực hiện chương trình chiến lược về CNTT là quy định chỉ có hơn 200 dịch vụ cấp độ 3 (thực tế đã có hơn 2.300). Thế nhưng, chúng ta cũng chưa có quy định số lượng là bao nhiêu. Liên hợp quốc cũng như Việt Nam hiện chỉ có số liệu về dịch vụ công đến cuối năm 2013.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ đã đưa ra các quy định về thuê ngoài dịch vụ CNTT, ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực liên quan đến nhiều người dân như y tế, bảo hiểm, giáo dục, giao thông, thuế… Tinh thần của Chính phủ là mạnh mẽ đổi mới, các tiêu chí là minh bạch, cụ thể và có lộ trình mang tính bắt buộc. Chúng ta đã có đầy đủ các văn bản, từ Đảng, nhà nước, các chiến lược cụ thể, nhưng vấn đề là tổ chức thực hiện như thế nào. Tôi cho rằng, bám sát các tiêu chí trên, chúng ta sẽ có những bước đi cụ thể khi cơ quan nhà nước các cấp đứng trước đòi hỏi mang tính bắt buộc phải thay đổi. Nhưng không chỉ các cơ quan nhà nước mà ngay cả các doanh nghiệp CNTT cũng cần thay đổi tư duy. Cơ quan nhà nước trước đây khi lập nên dự án phải tính bao nhiêu máy tính, mua bao nhiêu phần mềm… Hiện tại, chỉ cần đặt ra dịch vụ, để doanh nghiệp tính toán, cung cấp dịch vụ cho mình. “Doanh nghiệp CNTT cung cấp dịch vụ không chỉ cung cấp một lần theo kểu “ăn xổi ở thì”, nếu đã tham gia thì theo đuổi dịch vụ rất lâu dài. Doanh nghiệp không phải đợi mời thầu mới tìm đến, mà căn cứ vào hiểu biết của mình, những dich vụ gì dưới góc độ công nghệ hoàn toàn có thể cung cấp được thì hãy chào hàng, hãy đi trước vào những dịch vụ được Nhà nước, được quy định khuyến khích”, Phó Thủ tướng nói.

Chẳng hạn như Bảo hiểm y tế đang chi trả tới 50.000 tỷ đồng/năm, chỉ cần một vài phần trăm trong số này thất thoát vì không ứng dụng CNTT, số liệu thiếu minh bạch sẽ lên tới bao nhiêu? Hay Bộ Xây dựng đang rất muốn thiết lập một hệ thống cấp giấy phép xây dựng qua mạng trên toàn quốc để khắc phục những bất cập như quy trình thủ tục lâu, số lượng giấy phép cấp ít.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, cần tăng tốc, làm nhanh hơn nhưng vẫn phải làm bài bản, nghiêm túc, nhất quán về mục đích. Các Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ TT&TT sẽ luôn sát cánh cùng doanh nghiệp, vướng gì thì cùng nhau tháo gỡ.