Ngày 18/10/2017, Bộ TT&TT phối hợp với Bộ KH&ĐT và các Hiệp hội gồm Hội Tin học Việt Nam, Hiệp hội Internet Việt Nam và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tiên quốc tế ngành TT&TT Việt Nam (Vietnam ICT  Investment Forum - VIF) 2017.

Có chủ đề “Thu hút đầu tư trong tiến trình chuyển đổi kinh tế số”, VIF 2017 là sự kiện thường niên thuộc chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia. Hội nghị nhằm tham vấn chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực TT&TT, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và thúc đẩy phát triển bền vững trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế số; thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, kết nối các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài với các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT, đặc biệt là thương mại điện tử, smart city, IoT và các doanh nghiệp startups.

Hội nghị có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh  Tuấn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cùng hơn 500 đại biểu, bao gồm đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành và các hiệp hội, doanh nghiệp CNTT-TT Việt Nam, đại diện các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các nhà đầu tư doanh nghiệp nước ngoài.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, cho đến hôm nay, ở  Việt Nam, có thể nói ngành công nghiệp CNTT-TT và CNTT nói chung đã đi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. Ngành CNTT-TT đã có nhiều đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu của Việt Nam.

“Thử hỏi, nếu không có các dự án đầu tư vào ngành CNTT-TT, kể cả từ dự án đầu tư ban đầu của Comvik đầu tư vào MobiFone hay những dự án gần đây như Samsung thì bây giờ chúng ta có thể thấy không chỉ ngành CNTT-TT mà cả nền kinh tế của Việt Nam sẽ như thế nào?”, Phó Thủ tướng nói.

Kinh tế số đang ngày càng trở nên quan trọng với nền kinh tế toàn cầu. Sự chuyển đổi kinh tế số là yếu tố hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của một quốc gia và là nền tảng để tăng năng suất cho các ngành nghề kinh tế khác, cũng như tạo ra các cơ hội đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp và phương thức tiếp cận thị trường mới.

Theo số liệu được Ban tổ chức đưa ra tại hội nghị, trong quá trình thu hút đầu tư, Việt Nam đã trở thành điểm đến của các nhà đầu tư CNTT-TT nước ngoài. Năm 2016, tổng doanh thu trong lĩnh vực công nghiệp CNTT đạt 67,693 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 60,789 tỷ USD, trong đó các nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn.

Cũng trong phát biểu tại hội nghị, nhận định Việt Nam đang ở vào thời kỳ rất may mắn, thời kỳ rất tốt với dân số vàng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng khoảng thời gian này cũng sẽ qua đi nhanh. Việt Nam hiện có hơn 90 triệu dân, mỗi năm dân số tăng thêm khoảng 950.000 người và dự kiến đến năm 2030 dân số Việt Nam sẽ khoảng 104 triệu người. Ngay thời điểm này, trên 60% dân số Việt Nam dưới 35 tuổi và cứ 100 người Việt thì có 52 người sử dụng Internet.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, một chỉ số cho thấy thị trường CNTT-TT Việt Nam còn vô cùng lớn, đó là trong khi doanh thu thương mại điện tử thế giới chiếm xấp xỉ 8% tổng doanh thu ngành bán lẻ, thì ở Việt Nam con số này mới khoảng trên 3%.

“Ở Việt Nam hiện có hơn 600.000 doanh nghiệp. Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp. Trong số doanh nghiệp này, chúng ta không kỳ vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp chuyên làm ngành CNTT-TT. Hiện số doanh nghiệp làm trong ngành CNTT-TT chỉ chiếm 4% tổng số doanh nghiệp toàn quốc. Nhưng điều quan trọng chúng ta muốn rằng đầu tư vào ngành CNTT-TT sẽ giúp đầu tư vào các ngành khác, giúp các doanh nghiệp khác cùng sử dụng lợi ích của CNTT đem lại để giúp cho nền kinh tế phát triển một cách hiệu quả hơn”,  Phó Thủ tướng chia sẻ.

Cũng theo Phó Thủ tướng, một trong thách thức lớn nhất của Việt Nam là làm sao tăng năng suất lao động quốc gia. Có nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra phải làm những gì, nhưng cốt tử nhất trước hết là phải chuyển dịch lao động. Hiện còn 40% lao động Việt  Nam làm nông nghiệp, vì đất chật người đông nên lao động nông nhàn rất lớn. Làm sao tạo ra công ăn việc làm mới cho những lao động nông thôn, làm công nghiệp và dịch vụ?. Làm sao để cho tất cả mọi lĩnh vực công nghệ mới đc áp dụng? Làm sao để nhân lực được đào tạo tốt hơn?

“Và để làm được ba điều trên thì CNTT-TT có thể nói là niềm hy vọng rất lớn. Bởi lẽ lâu nay khi nói về thu hút đầu tư, chúng ta thường tập trung vào thu hút đầu tư ở những tập đoàn rất lớn với dự án rất lớn. Nhưng chúng ta không được quên rằng còn tới 40% lao động Việt Nam đang phụ thuộc vào nghề nông nhưng không đủ ruộng đất để họ làm nông nghiệp. Phải làm thế nào tạo môi trường với nhiều doành nghiệp vừa, nhỏ và cả doanh nghiệp cực nhỏ có thể bằng công cụ CNTT để khởi nghiệp, lập nghiệp, chuyển đổi nghề nghiệp của mình”, Phó Thủ tướng cho hay.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, trong đó đặc biệt là Bộ TT&TT trước hết rà soát lại tất cả quy định để tạo môi trường thông thoáng nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực CNTT-TT và điều quan trọng hơn là cho các doanh nghiệp sử dụng hạ tầng CNTT để phát triển công việc kinh doanh của mình.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Tinh thần là làm sao tận dụng tốt thế mạnh của CNTT, của nền kinh tế số tạo điều kiện để mọi người cùng chia sẻ, sử dụng tốt hơn nguồn lực. Nhưng một mặt phải làm sao cho môi trường kinh doanh đã thông thoáng rồi, phải bền vững. Trong đó, đặc biệt là vấn đề an toàn, an ninh thông tin và kinh doanh qua biên giới. Kinh doanh dịch vụ qua biên giới là xu thế, là lợi thế lớn của kinh tế số, kinh tế chia sẻ đem lại; nhưng chúng ta không có môi trường quản lý tốt sẽ dẫn tới bất bình đẳng, thể hiện rõ nhất là thất thu thuế”.

Theo chia sẻ của Phó Thủ tướng, Chính phủ đã đề nghị Bộ TT&TT cùng với Bộ GD&ĐT và Bộ LĐTB&XH có những bước đi mạnh mẽ hơn liên quan đến việc chuẩn bị nhân lực. Gần đây các Hiệp hội đã phối hợp các bộ đề ra chương trình đào tạo đặc biệt về nhân lực CNTT, cho phép các quy định có tính đặc thù đối với đào tạo CNTT như khuyến khích các doanh nghiệp tham gia cùng các cơ sở đào tạo để đào tạo nguồn nhân lực theo hướng rút ngắn thời gian, sát thực tế hơn. Điều này cũng đòi hỏi áp dụng một số quy định đặc biệt khi thực hiện các quy định về giáo dục đại học.

Phó Thủ tướng cho rằng, các doanh nghiệp lớn đầu tư vào Việt Nam cần điểm thông thoáng về môi trường đầu tư nói chung, cần chế độ ưu đãi về thuế, đặc biệt là thuế với doanh nghiệp nỗ lực sử dụng công nghệ sạch, đầu tư cho R&D. Nhưng đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, điều quan trọng nhất là Chính phủ bằng công cụ của mình cùng cộng đồng tạo ra hệ sinh thái thật thuận lợi cho những đầu tư mới.

Nhấn mạnh trong nền kinh tế số hiện nay, một trong những nguồn lực vô cùng quan trọng là dữ liệu, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KH&CN phối hợp với các bộ, ngành quyết tâm triển khai dự án rất cụ thể, sao cho tất cả dữ liệu hiện nay đang nằm rải rác ở cơ quan nhà nước khắp các cấp, các cơ quan nghiên cứu, trong cộng đồng… được tập hợp lại là tài nguyên chung, dữ liệu mở để tất cả cùng khai thác, tìm ra cơ hội của mình để lập nghiệp.

“Chúng tôi mong rằng các nhà đầu tư có mặt hiện nay, các bạn trẻ đang theo dõi tình hình kinh tế đất nước sẽ chung tay cùng nhau tạo lập hệ sinh thái có nhiều ưu điểm mà chúng ta chưa làm được. Chỉ bằng việc đó, chúng ta mới có lòng tự tin, có thể nắm bắt được những cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại. Mong sau hội nghị sẽ có nhiều dự án đầu tư cả về sản xuất phần cứng, phần mềm cũng như ứng dụng CNTT trong mọi lĩnh vực được các nhà đầu tư, tổ chức, mạnh dạn dấn thân vào”, Phó Thủ tướng kỳ vọng.

Thay mặt Bộ TT&TT, lĩnh hội, tiếp thu những ý kiến và những chia sẻ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định, trong thời gian tới đây, Bộ sẽ quyết liệt triển khai thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng nhằm thực hiện tốt vai trò là Bộ quản lý nhà nước trong lĩnh vực CNTT-TT.

Bên cạnh đó, cũng trong phát biểu tại hội nghị VIF 2017, trên cơ sở phân tích những lợi ích lớn của việc đầu tư vào CNTT, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã chia sẻ những nội dung quan trọng sẽ được Bộ tập trung thực hiện trong thời gian tới để thúc đẩy việc hình thành nền kinh tế số và tận dụng tối đa các ưu thế mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

“Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra, ngoài sự cố gắng từ phía Chính phủ và Bộ TT&TT, trên tinh thần cầu thị, hợp tác cùng phát triển, Bộ TT&TT rất mong muốn nhận được sự trao đổi, hỗ trợ, tư vấn cởi mở, thẳng thắn từ phía các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước để có thể giúp Chính phủ, Bộ TT&TT triển khai được các chính sách, giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự phát triển các lĩnh vực CNTT-TT”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Hội nghị VIF 2017 có 3 hoạt động chính gồm Diễn đàn, Triển lãm CNTT-TTvà Kết nối. Trong đó, Diễn đàn được chia làm 2 phiên họp trong buổi sáng là là kênh đối thoại trực tiếp giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp, hiệp hội và nhà đầu tư trong lĩnh vực CNTT-TT: Chính sách về CNTT-TTvà hướng tới thu hút đầu tư trong nền kinh tế số; Thị trường kinh tế số: Thách thức và cơ hội đầu tư. Phiên kết nối có sự tham gia của 50 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Phiên họp sẽ kết nối các nhà đầu tư, doanh nghiệp và địa phương, trao đổi về giải pháp, công nghệ, mô hình đầu tư, tài chính…

Triển lãm tổ chức song song với Diễn đàn, gồm các gian hàng của các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp ICT hàng đầu của Việt Nam giới thiệu sản phẩm, dịch vụ CNTT-TT  trong các lĩnh vực kinh tế chia sẻ, đô thị thông minh và IoT, giải pháp hạ tầng viễn thông và Internet, thương mại điện tử và khởi nghiệp. Ngoài ra, còn có các gian hàng của các địa phương như Hà Nội, Thanh Hóa… giới thiệu về kế hoạch ứng dụng và phát triển CNTT-TT của địa phương.