- Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề cập tới những vấn đề nóng của giáo dục như: cắt giảm biên chế giáo viên, tự chủ đại học, chương trình phổ thông mới, đổi mới quản lý, xây dựng nhà vệ sinh trong trường học…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 sáng ngày 2/8. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Tinh giảm biên chế: Không làm máy móc
Trước phản ánh của một số địa phương về việc gặp khó trong vấn đề cắt giảm biên chế giáo viên trong khi nhu cầu học tập của con em ngày càng cao, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Nghị quyết 19 của trung ương không yêu cầu các địa phương cắt đi 10% giáo viên, mà là chia giai đoạn từ nay đến năm 2021 cắt giảm trung bình 10% biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Tức là nếu biên chế tự chủ được về lương thì không tính là biên chế theo nghĩa truyền thống nữa. Với các trường đại học cũng như vậy, trong bối cảnh đẩy mạnh tự chủ, biên chế giáo viên đại học khi trường đã tự chủ sẽ không tính vào biên chế theo khái niệm cũ.
Ông Đam cho rằng: “Việc thực hiện máy móc cắt 10% giáo viên là chưa chuẩn xác”.
“Thứ hai, cắt giảm biên chế giáo viên cần chủ yếu tập trung vào biên chế gián tiếp, còn tinh thần chung là giáo viên vẫn phải đủ để dạy. Giáo viên dạy môn nào phải đủ môn đó, cấp nào dạy cấp đấy, không được máy móc thiếu giáo viên mầm non, thừa giáo viên cấp 2 mà chuyển xuống ngay. Không thể thiếu giáo viên môn này điều giáo viên môn kia sang dạy” – Phó Thủ tướng khẳng định.
Đồng thời, ông Đam cũng nhấn mạnh, việc điều chuyển không thể ngày một ngày hai.
Phó Thủ tướng đề nghị địa phương chỉ đạo các trường tiếp tục cập nhật thống kê về tình hình giáo viên, nhưng không chỉ đơn thuần tính tổng biên chế của tỉnh. Bởi vì có nhiều trường hợp tổng biên chế của tỉnh thì thừa nhưng có huyện lại thiếu. Việc điều chuyển giáo viên cần lưu ý, vì còn liên quan đến yếu tố gia đình, chỗ ở của các thầy cô.
Đổi mới quản trị nhà trường
Phó Thủ tướng nhấn mạnh câu chuyện đổi mới quản trị nhà trường. “Sẽ có nghị định ban hành, tiến tới giảm bớt sự can thiệp hành chính từ cấp huyện, quận trực tiếp xuống các trường, tập trung quá nhiều nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn vào một cá nhân hiệu trưởng. Quản trị nhà trường phải có sự tham gia của cộng đồng, phụ huynh, học sinh, giáo viên theo hướng minh bạch và dân chủ”.
Nói tới tự chủ đại học, ông Đam đánh giá đã có nhiều tiến bộ từ khi thực hiện Nghị quyết cho đến nay. Trước đây, chỉ có 2 đại học quốc gia và một vài trường đại học khác có một số quyền. Còn bây giờ đã có 24 trường đại học thí điểm tự chủ và nhiều trường đang chờ Chính phủ chính thức ban hành nghị định để thực hiện tự chủ.
Kêu gọi xã hội chung tay xây nhà vệ sinh trường học
Theo thống kê, trường học Việt Nam cần 40 nghìn tỷ đồng để xây nhà vệ sinh nhưng ngân sách không thể đáp ứng được con số đó.
Phó Thủ tướng đưa giải pháp: Hãy lập một địa chỉ cụ thể để các trường chụp lại ảnh nhà vệ sinh của trường mình, gửi lên để toàn xã hội cùng thấy, từ đó kêu gọi sự chung tay của cộng đồng để nhà vệ sinh không còn là nỗi sợ của học sinh khi đến trường.
Nhưng theo ông Đam, quan trọng hơn, khi đã có nhà vệ sinh sạch đẹp, phải dạy các cháu thói quen giữ gìn.
“Bản thân thầy cô không hướng dẫn các cháu, không hình thành thói quen cho các cháu. Tôi đã trực tiếp đi nhiều nơi, có trường rất khang trang nhưng ngửa lên trần đầy màng nhện, vườn đầy cỏ dại… Nhà vệ sinh xây mới đẹp chuẩn, sáng vẫn sạch nhưng đến trưa là bẩn. Đây cũng chính là dạy làm người” – ông Đam nói.
Xã hội hóa giáo dục không phải là ‘bổ’ đầu người
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội nghị Tổng kết năm học 2017-2018. Ảnh: Thanh Hùng |
Phản hồi ý kiến của đại diện tỉnh Kiên Giang về câu chuyện xã hội hóa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Thông tư của Bộ GD-ĐT đã vô hình chung do quản lý không tốt đã chặn hết nguồn xã hội hóa một cách đúng đắn, biến thành cào bằng trên danh nghĩa hội phụ huynh. Như vậy là không đúng tính chất và gây bức xúc.
Ông Đam cho biết, hiện nay Bộ đang hoàn thiện Nghị định về cơ chế quản lý các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, trong đó sẽ giải quyết vấn đề: một mặt ngăn không cho lợi dụng danh nghĩa của tất cả mọi tổ chức cơ quan để “bổ” đầu người, bắt phụ huynh đóng một cách “tự nguyện”, mặt khác phải mở kênh để toàn xã hội tùy theo năng lực, tấm lòng của mình đóng góp cho giáo dục.
Đổi mới giáo dục: "Không có giải pháp hoàn hảo"
Ông Đam cho rằng, công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục có rất nhiều điểm phải lưu ý nhưng có 2 điểm xuyên suốt mà ngay trong năm học mới này phải tiếp tục.
Thứ nhất, đổi mới giáo dục phải là một quá trình. Đổi mới sách giáo khoa cũng vậy. Vì là một quá trình nên không bao giờ có giải pháp nào là hoàn hảo. Do vậy, đã vạch ra lộ trình rồi thì phải làm rất khoa học, cầu thị và kiên trì.
Tính không hoàn hảo còn thể hiện ở việc giáo dục không chỉ liên quan đến gia đình, xã hội và nhà trường mà còn đặt chung trong bối cảnh kinh tế, xã hội và thói quen, truyền thống. Khi làm một giải pháp, nó tác động rất nhiều mặt khác nhau. Lợi mặt này, hại mặt kia, chúng ta phải cân đối.
Thứ hai, trong quá trình đổi mới, nhất định phải theo xu thế thế giới. "Không thể vì đặc thù, đặc điểm hay vì trong quá trình này có tác dụng ngược mà mình xoay lại, đi ngược theo xu thế thế giới. Tiêu biểu như tự chủ đại học là một xu thế. Tới đây quản lý các trường phổ thông cũng phải thay đổi, môi trường giáo dục bớt tính hành chính đi. Đó là xu thế”.
Kết luận chỉ đạo, Phó Thủ tướng cho rằng ngành giáo dục cần giữ được ‘lửa’ đổi mới, lan ngọn lửa này xuống từng trường, từng địa phương, từng giáo viên và ra cả cộng đồng.
Nguyễn Thảo
Giảm biên chế giáo viên thế nào khi đầu vào tăng lên?
"Vấn đề đặt ra với các tỉnh là giảm thế nào trong khi số học sinh đầu vào tăng lên?"
Thủ tướng: "Đẩy mạnh đổi mới chương trình, sách giáo khoa"
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị về việc thực hiện đẩy mạnh đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Quyết nghị sớm đổi mới cơ chế học phí đại học
Nghị quyết Quốc hội yêu cầu ngành "khẩn trương ban hành quy định cụ thể về tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập, đổi mới cơ chế học phí”.
Thực nghiệm chương trình mới: Càng lên cao, giáo viên càng ngại đổi mới
Ngày 3/5, Ban phát triển các chương trình môn học báo cáo kết quả thực nghiệm và khảo sát ý kiến giáo viên, cán bộ quản lý về dự thảo các chương trình môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới.