Các doanh nghiệp Hàn Quốc giới thiệu các ứng dụng, giải pháp công nghệ. |
Hãy đến Việt Nam để tạo ra các sản phẩm 4.0
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Hàn Quốc do VCCI và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức ngày 9/11/2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng: "Đây là sự kiện quan trọng và là cơ hội quý báu để Chính phủ hai nước và cộng đồng doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ về tầm nhìn, triển vọng và những cơ hội hợp tác phát triển trong giai đoạn mới, góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam và Hàn Quốc".
Các đại biểu chụp hình kỷ niệm. |
Cũng theo Phó Thủ tướng, trong xu thế lan tỏa của Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi sang nền kinh tế số. Theo nghiên cứu của Google/Temasek, giá trị của Kinh tế số của Việt Nam năm 2015 đạt 3 tỷ USD, năm 2018 tăng 3 lần lên 9 tỷ USD và dự báo đạt 30 tỷ USD năm 2025. Việt Nam đứng vị trí 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi kinh tế số nhanh trên thế giới. Việt Nam có thể tăng GDP thêm 162 tỷ USD trong 20 năm nếu chuyển đối số thành công.
Việt Nam đang hướng tới nền kinh tế có sức sáng tạo cao, theo Tổ chức sở hữu trí tuệ WIPO, chỉ số đối mới sáng tạo (GII) năm 2018 Việt Nam xếp hạng 45/126. Việt Nam có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đang phát triển và thu hút nhiều quỹ đầu tư trong nước và quốc tế. Việt Nam có các đại diện ưu tú trong lĩnh vực công nghệ từng bước vươn ra thế giới như Viettel, FPT, VNPT, VinSmart... Việt Nam là nước có lực lượng lao động dồi dào, cơ cấu lao động trẻ bậc nhất trong khối ASEAN với đào tạo cơ bản, cần cù, kỹ năng tốt, có năng lực tiếp thu nhanh những tiến bộ kỹ thuật công nghệ.
"Bên cạnh đó, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để vươn lên trở thành nước công nghiệp vào năm 2030. Chúng tôi đã đề ra nhiều chính sách chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0 với trọng tâm về phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia... Việt Nam đã khởi động Chương trình Make in Vietnam và trân trọng đề nghị các doanh nghiệp Hàn Quốc: Hãy đến và tạo ra các sản phẩm 4.0 tại Việt Nam”, Phó Thủ tướng Trình Đình Dũng đề nghị.
“Tương lai phát triển của hai nước dựa vào sự bắt tay giữa các doanh nghiệp để cùng nhau phát triển. Chính phủ Việt Nam luôn hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước hợp tác, kinh doanh thành công”, Phó Thủ tướng khẳng định.
KOICA hỗ trợ Quảng Nam xây dựng đô thị thông minh
Theo ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, trong quá trình phát triển của tỉnh, Quảng Nam luôn nhận được sự quan tâm của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) trong việc tài trợ, thực hiện nhiều dự án, công trình, đặc biệt là trong các lĩnh vực giáo dục, y tế...
“Xác định phát triển chính quyền điện tử và xây dựng đô thị thông minh là một hướng phát triển tất yếu trong quản lý nhà nước và quản lý đô thị trong thời đại mà Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra nhanh chóng, tỉnh Quảng Nam đã và đang xây dựng đề án Phát triển chính quyền điện tử và xây dựng đô thị thông minh giai đoạn 2020 - 2025. Theo đó, sẽ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nền tảng CNTT-TT làm nền móng cho sự phát triển các đô thị thông minh; xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; phát triển hệ sinh thái ứng dụng, dịch vụ thông minh; trong đó xây dựng đô thị thông minh tại một số đô thị lớn và trọng tâm như Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn…”, ông Huỳnh Khánh Toàn chia sẻ.
Vừa qua, cùng với Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng, Quảng Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ với KOICA kêu gọi các đối tác đầu tư “Chương trình thung lũng đô thị thông minh miền Trung Việt Nam” và đang hoàn tất các thủ tục để triển khai “Dự án Xây dựng đô thị thông minh tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam” với tổng giá trị 10 triệu USD (vốn KOICA tài trợ là 9 triệu USD và vốn đối ứng của địa phương là 1 triệu USD), thời gian thực hiện là 5 năm (2020 - 2025). Đây là chương trình, dự án viện trợ không hoàn lại, có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của Quảng Nam, hi vọng qua dự án này thành phố Tam Kỳ sẽ trở thành đô thị thông minh mẫu, có tiềm năng nhân rộng ra các đô thị thuộc tỉnh Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung.
“Đối với Quảng Nam, dự án được triển khai phù hợp với quy hoạch chung định hướng phát triển Tam Kỳ thành một đô thị tăng trưởng xanh, thông minh và phát triển bền vững, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, có cơ hội tiếp cận các dịch vụ thông minh và sử dụng sản phẩm công nghệ cao có tính kết nối của cách mạng 4.0. Về phía Hàn Quốc, thông qua việc xây dựng nền tảng đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin sẽ đạt được mục tiêu chuyển vốn, công nghệ, thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc cũng như tạo cơ hội để các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Quảng Nam”, ông Huỳnh Khánh Toàn nhấn mạnh.