- Sáng 11/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập và lễ khai giảng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM.

{keywords}

Chia sẻ niềm vui với lãnh đạo, giảng viên, sinh viên Trường ĐH Công Nghiệp TP.HCM, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng điều trân trọng với nhà trường là các thầy cô, sinh viên nhà trường luôn ý thức nỗ lực vượt khó, tiên phong trong đổi mới.

Theo ông Đam, một quốc gia muốn giàu, một quốc gia muốn mạnh thì nhất thiết phải có một nền giáo dục tốt. Và với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, vào yếu kém, Trung ương Đảng và cả xã hội đã xác định chúng ta phải đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, trong đó có đổi mới giáo dục đại học. Mà một trong những khâu mà cả xã hội hết sức quan tâm và cũng là một khâu bức thiết là nâng cao chất lượng đầu ra của đại học.

Một đòi hỏi và cũng là giải pháp nâng cao chất lượng đại học đấy là phải thực hiện tự chủ đại học. Thực ra tự chủ đại học, nhất là trong thời gian trước đây, thường được hiểu lệch là tự chủ tài chính, nghĩa là Nhà nước không cấp tiền cho đại học. Bản chất thực sự của tự chủ đại học là tự quản trong đại học, bỏ chủ quản từ bộ chủ quản còn ngân sách Nhà nước không phải không tiếp tục đầu tư cho giáo dục, trong đó có giáo dục đại học. Và thực tế ở nhiều nước trên thế giới các trường đại học thực hiện tự quản, thực hiện tự chủ như ng nhiều nước ngân sách nhà nước vẫn bảo đảm một phần lớn trong đó điển hình là các nước châu Âu.

Trao quyền tự chủ cho đại học phải gắn liền với trách nhiệm giải trình của Nhà trường và các chính sách cần thiết để đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục đại học chất lượng cao cho mọi người, đặc biệt cho gia đình chính sách, người nghèo.

Ông Đam đánh giá cao Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM và Bộ Công thương đã chỉ đạo để nhà trường là một trong những trường đầu tiên thực hiện cơ chế tình nguyện tự chủ.

Sau hơn một năm thực hiện tự chủ công bố khoa học của trường tăng hơn 23%, chi học bổng tăng 6 lần trong khi học phí chỉ tăng hơn 2,4%. Theo ông Đam đây là những bước đi ban đầu của tự chủ và cần tiếp tục thực hiện tự chủ thực chất, không nửa vời.

Ông Đam yêu cầu trường cần tự tin, đoàn kết, sáng tạo thực hiện đúng tinh thần tự chủ với mục tiêu huớng tới trường ĐH có uy tín trong nước và khu vực, không chỉ nhà trường tự chủ mà đẩy tự chủ tới từng khoa, bộ môn, giảng viên. Xây dựng các quy chế hoạt động của trường trên tinh thần phát huy dân chủ về chuyên môn, nhân sự, tài chính, công khai để toàn bộ cán bộ, sinh viên và xã hội biết.

“Bộ Công Thuơng giảm mạnh các can thiệp hành chính vào công việc của trường trong đầu tư, tổ chức cán bộ, đào tạo, tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản. Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh là trường không phải “của” Bộ Công Thương mà là của xã hội, của Việt Nam, và khi chúng ta đã có uy tín ở khu vực thì là của khu vực, khi đã có uy tín quốc tế thì là của quốc tế. Nếu thực sự một trường đại học lớn, có uy tín thì đó là một trường đại học của nhân loại. Bộ GD-ĐT cần bổ sung điều chỉnh các quy định được nhiều trường coi cứng nhắc, đảm bảo phát huy thực chất quyền tự chủ của các trường như quy mô đào tạo, chỉ tiêu đầu vào” – ông Đam yêu cầu.

{keywords}

Phó thủ tướng nhắn nhủ nhà trường phải phấn đấu để trường đại học có môi trường học tập và nghiên cứu khoa học thực sự dân chủ, cởi mở. nơi trí thức và những cống hiến khoa học được trân trọng và tôn vinh. Nơi những tài năng được tạo điều kiện thuận lợi nhất để bừng nở, và nơi những giá trị nhân văn được tỏa sáng. Nơi những cựu sinh viên, cựu cán bộ đã từng học tập, công tác ở nhà trường thì trong suốt cuộc đời mình sau này luôn nhớ về khoảng thời gian học tập và lao động với rất nhiều tình cảm tốt đẹp.

“Đổi mới luôn là quá trình cọ sát giữa cái mới và cái cũ và luôn có một bộ phận bị ảnh hưởng. Bộ phận đấy nhiều khi không tách ra riêng là ai, bộ phận nào mà là ngay một phần trong chính chúng ta. Và điều quan trọng chúng ta phải dũng cảm vượt lên những trở lực do thói quen, do lợi ích. Tất cả vì lợi ích chung.– ông Đam lưu ý.

Với các sinh viên, ông Đam nhắn nhủ, cần ý thức trách nhiệm của mình với xã hội tương lai và trước hết là những người thân, phấn đấu để trở thành những công dân toàn cầu đúng nghĩa.

“Các bạn thực sự ý thức được trách nhiệm của mình với xã hội, với tương lai và trước hết ngay với những người thân nhất của mình. Các bạn hãy phấn đấu để thực sự trở thành những công dân toàn cầu theo đúng nghĩa. Làm sao cố gắng học tập, đại học là tự học là chính. Làm sao để cho mình là cử nhân ra trường, kỹ sư ra trường, kỹ thuật viên ra trường không “thua chị, kém em” không chỉ ở trong nước mà cả thế giới, không chỉ chuyên môn mà cả ngoại ngữ, tin học và các kỹ năng mềm"- lời ông Đam.

Trước đó, ông Nguyễn Thiên Tuế, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Trường ĐH công Nghiệp TP.HCM ra đời cách đây 60 năm. Những ngày đầu mới thành lập, cơ ngơi chỉ có một khu nhà 3 tầng khiêm tốn, đã mở khóa đào tạo nghề đầu tiên cho các thanh thiếu niên tỉnh Gia Định. Trường đã trải qua các thời kỳ Trường Dạy nghề Don Bosco (1956 – 1975); Thời kỳ Trường Công nhân và Trung cấp (1975 – 1999); Thời kỳ Trường Cao đẳng (1999 đến 2004 ); Thời kỳ Trường Đại học (từ 2005 đến nay).

Hiện nay trường có 35.651 sinh viên, trong đó thạc sĩ: 423; đại học: 26.828; cao đẳng CN, CĐ nghề, hệ khác: 8.823.

Đội ngũ CB-GV-NV:1.510 người. Trong đó, giảng viên:1.150 GV. Tỉ lệ GV/CB-VC: 76%. GS, PGS, TS: 175 người. Tỉ lệ tiến sĩ/giảng viên : 15,2%.

  • Lê Huyền