Trong phiên chất vấn Quốc hội, ĐB Nguyễn Văn Chiến nêu vấn đề: "Chúng ta làm những công trình lớn như sân bay Long Thành, đường cao tốc đều giao cho tổng công ty nhà nước, trước tình hình bão lũ miền Trung thì chúng ta giao cho cơ quan nào chuyên trách và chịu trách nhiệm.
Ở nhiều nước có bộ tình trạng khẩn cấp, vậy có giao cho một bộ chuyên trách về tình trạng khẩn cấp để đối phó với tình trạng thiên tai, dịch bệnh đang diễn biến ngày càng phức tạp hay không", ĐB Chiến đặt câu hỏi.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng |
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, cơ quan phòng chống thiên tai chuyên trách do Thủ tướng quyết định thành lập là BCĐ TƯ về phòng chống thiên tai, do một Phó Thủ tướng làm Trưởng ban và cơ quan thường trực là Bộ NN&PTNT.
Thủ tướng cũng thành lập UB Quốc gia về ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn mà cũng do Phó Thủ tướng là Trưởng ban và Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực.
Đây là 2 cơ quan rất quan trọng phối hợp liên ngành vừa có chỉ đạo trực tiếp nhưng đồng thời thực hiện chức năng tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng để chỉ đạo các ngành, các địa phương trong công tác phòng, chống thiên tai.
Ở địa phương có Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp từ do Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp làm Trưởng ban.
Theo Phó Thủ tướng, thống kê của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo Liên hợp quốc, hiện nay trên thế giới có nhiều mô hình khác nhau về phòng, chống thiên tai. Có khoảng 10 nước thành lập Bộ tình trạng khẩn cấp như Nga, Trung Quốc, Ukraine, Belarus,...Bộ này ngoài việc ứng phó thiên tai, thảm họa còn có trách nhiệm xử lý những khủng hoảng về an ninh để phòng, chống dịch bệnh trên quy mô lớn.
Một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác như Mỹ, Canada và nhiều nước khác thành lập các cơ quan phòng, chống thiên tai quốc gia tương tự như mô hình của Việt Nam.
Về việc có cần giao cho một bộ chuyên trách về tình trạng khẩn cấp để chịu trách nhiệm về phòng, chống thiên tai, dịch bệnh hay không, Phó Thủ tướng thông tin: "Chính phủ tiếp tục tổng kết thực tiễn, đổi mới trong quá trình chỉ đạo và các kinh nghiệm quốc tế để nghiên cứu những mô hình phù hợp nhất.
Những giải pháp để huy động sức dân trong phòng, chống thiên tai rồi cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ nhau trong quá trình chịu thiệt hại do thiên tai để báo cáo Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định".
Về lực lượng, UB Quốc gia và Ban Chỉ huy ứng phó sự cố phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn huy động lực lượng tham gia phù hợp, trong đó quân đội và công an vẫn là nòng cốt.
Bên cạnh đó còn có lực lượng của Bộ GTVT, các bộ, các cơ quan liên quan và đặc biệt là lực lượng tại chỗ tại địa phương có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện 4 tại chỗ.
Đầu tư trang thiết bị để ứng phó với thiên tai là vấn đề cần được quan tâm |
Tuy nhiên, trong thời gian qua công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn còn những hạn chế. Nguyên nhân do tính chuyên nghiệp, phương tiện, trang thiết bị phục vụ thiếu, chưa hiện đại, chưa đáp ứng được tình hình cụ thể.
Phó Thủ tướng nêu nhiệm vụ là phải có một lực lượng chuyên nghiệp và trang thiết bị hiện đại để ứng phó có hiệu quả với mọi loại hình thiên tai, sự cố có thể xảy ra.
"Đây là vấn đề rất quan trọng. Đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị phục vụ phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và đặc điểm thiên tai của từng vùng, từng địa phương", Phó Thủ tướng dẫn chứng.
Ông nêu cần bổ sung thêm máy bay trực thăng chuyên dùng cho các lực lượng cứu nạn, bổ sung các tàu cứu hộ, cứu nạn, nhất là các tàu cứu hộ cứu nạn xa bờ, tàu lớn chịu được sóng to, gió lớn; thường xuyên tổ chức diễn tập, ứng phó các lực lượng và người dân với loại hình thiên tai, sự cố khác nhau.
Xây dựng hồ chứa nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long
Trả lời chất vấn của ĐB Huỳnh Minh Tuấn về biến đổi khí hậu. Phó Thủ tướng nêu, Việt Nam là một trong những nước chịu tác động rất nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Do tác động của biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn, việc khai thác nước tại thượng nguồn, các dòng sông cũng có liên quan đến các nước trong khu vực đã làm gia tăng hạn mặn của khu vực ĐBSCL.
Do vậy, việc đảm bảo an ninh nguồn nước ngọt nói chung của đất nước và khu vực ĐBSCL là một nhiệm vụ rất cấp bách.
Về giải pháp, trước hết cần phải tiếp tục tái cấu trúc nền kinh tế của mỗi vùng, mỗi miền và của mỗi địa phương. Ở đây, khu vực ĐBSCL đã tái cấu trúc nền kinh tế gắn với điều kiện hạn mặn, phù hợp với các kịch bản biến đổi khí hậu.
Rà soát các quy hoạch của khu vực và các quy hoạch của các địa phương trong vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng giao thông,... để điều chỉnh, bổ sung, lập các quy hoạch mới và đặc biệt là quy hoạch thủy lợi.
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà |
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh 3 vấn đề của nước mặt ĐBSCL là quá thừa vào mùa lũ, quá ô nhiễm và quá thiếu và xâm nhập mặn vào mùa khô.
Ông cho rằng, việc xây dựng các hồ chứa lớn ở tứ giác Long Xuyên, vùng Đồng Tháp Mười là hết sức thích hợp để tích trữ nước ngọt. Khu vực này cũng cần sớm hệ thống hạ tầng tích trữ nước, xử lý nước thải đồng bộ thì mới có thể đảm bảo sản xuất kinh tế.
Còn về nước ngầm, Bộ trưởng cho rằng dữ liệu nghiên cứu còn hạn chế, chưa đủ để đánh giá nhiều. Nhưng ông nhấn mạnh việc khai thác quá mức nước ngầm không chỉ làm hạ mà còn suy giảm chất lượng nước ngầm. Cần cân đối giữa cung cấp và khai thác nước ngầm, bởi nếu hoàn toàn không khai thác nước ngầm cũng là một điều rất lãng phí.
Thành Nam - Thu Hằng
Bộ trưởng Công an: Cần xử lý hình sự người dùng giấy tờ, chứng chỉ giả
Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho rằng, đã đến lúc cần xử lý hình sự những người sử dụng giấy tờ, chứng chỉ giả kể cả cán bộ công chức.