Ngày 8/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Dữ liệu. Đây dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, có vai trò quan trọng trong công tác chuyển đổi số quốc gia.

Phạm Thị Hồng Yến
Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến - Đoàn Bình Thuận. Ảnh: QH

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Thị Hồng Yến (đoàn Bình Thuận) cho rằng, việc xây dựng Luật Dữ liệu là hết sức cần thiết để có thể bao quát đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ đã được xác định trong công tác chuyển đổi số. Đồng thời tạo được sự đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước, cũng như phát triển KT-XH.

Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp) cho biết, thực tiễn, nước ta đã có 7 cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu kết nối liên thông, góp phần cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân.

Tuy nhiên, theo đại biểu đoàn Đồng Tháp, hiện còn một số bộ ngành, địa phương chưa có đủ hạ tầng để triển khai, dữ liệu thu thập, lưu trữ trùng lắp, chồng chéo. Hơn nữa, nhiều hệ thống thông tin còn lỗ hổng bảo mật, không đủ điều kiện kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khó khăn trong khai thác, liên thông. Do vậy, việc luật hóa dữ liệu là hết sức cần thiết.

Liên quan việc chuyển dữ liệu ra nước ngoài cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, đại biểu Phạm Văn Hoà bày tỏ đồng tình. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần thận trọng việc bảo vệ dữ liệu bí mật của tổ chức, cá nhân, không để kẻ xấu lợi dụng để xuyên tạc, nói xấu, trục lợi bằng nhiều hình thức khác nhau.

Theo đại biểu đoàn Đồng Tháp, bảo vệ chủ quyền số và lợi ích quốc gia, nhưng cũng bảo đảm hài hòa thông lệ quốc tế, không cản trở luồng dữ liệu an toàn, tự do biên giới. "Ngoài ra, cũng cần xác định cụ thể các trường hợp bị cấm hoặc hạn chế chuyển ra nước ngoài, đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể, chi tiết nội dung này", ông góp ý.

Đào Chí Nghĩa
Đại biểu Đào Chí Nghĩa - đoàn Cần Thơ.

Cùng vấn đề trên, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn Cần Thơ) cho rằng, hiện nay việc mua bán dữ liệu nói chung và việc chuyển giao dữ liệu giữa tổ chức, cá nhân ngày càng phổ biến, không chỉ mang tính chất đơn lẻ mà đã thể hiện rõ tính chuyên nghiệp, thường xuyên và đã trở thành các dịch vụ kinh doanh. Trong đó, bao gồm các dữ liệu thô, dữ liệu cá nhân đã qua xử lý, dữ liệu phi cá nhân.

Đại biểu Đoàn Cần Thơ nhìn nhận, hoạt động này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội, nhất là các dữ liệu lõi, dữ liệu quan trọng của quốc gia. Nhiều nước trên thế giới cũng đã có quy định về hạn chế và kiểm soát việc chuyển giao các dữ liệu này ra nước ngoài để bảo đảm an ninh tài nguyên dữ liệu, như Trung Quốc, Nga, Mỹ…

Như vậy, đại biểu đồng tình với quy định trong dự thảo Luật Dữ liệu, quy định rõ ràng yêu cầu cũng như điều kiện và thủ tục chuyển dữ liệu ra nước ngoài cho tổ chức, cá nhân nước ngoài đối với dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng, đồng thời việc này cũng đã giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, việc chuyển dữ liệu ra nước ngoài cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được quy định cụ thể trong dự thảo luật là một điều hết sức cần thiết. “Hoạt động này tiềm ẩn những nguy cơ, trong đó có tác động đến quốc phòng, an ninh và các nội dung quan trọng khác của quốc gia", bà Phúc nêu.

Theo đại biểu đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu, quy định các nội dung hạn chế việc chuyển dữ liệu và kiểm soát chuyển giao các dữ liệu ra nước ngoài chính là thắt chặt việc dữ liệu cá nhân, dữ liệu phi cá nhân, đảm bảo an toàn thông tin. Bà Phúc đề nghị quy định chi tiết các nội dung trên.

Lê Thành Long
Theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Luật Dữ liệu là văn bản pháp lý quan trọng nhưng là một việc làm mới và khó.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, Luật Dữ liệu là văn bản pháp lý quan trọng nhưng là một việc làm mới và khó. Trong thời gian vừa qua, Bộ Công an được Chính phủ giao và đã tập trung cao độ nguồn lực để xây dựng và trình dự án luật.

Theo Phó Thủ tướng, trường hợp được thông qua, đạo luật này sẽ đóng góp hết sức quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Từ câu chuyện thu thập, phân tích, đánh giá, tập hợp, quản lý, sử dụng dữ liệu cho đến các nội dung khác. Đặc biệt trong giai đoạn thời kỳ chuyển đổi số và tăng cường hội nhập quốc tế.

Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Công an tiếp tục tập trung nguồn lực nghiên cứu, tiếp thu, giải trình một cách hợp lý, xác đáng các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án luật này, cố gắng đảm bảo chất lượng.