Chiều 4/8, tại tỉnh Bạc Liêu, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến với 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) và cho ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai liên quan đến chính sách quản lý, sử dụng đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, giai đoạn 2021-2025, Trung ương đã giao và 12/13 địa phương vùng ĐBSCL (trừ thành phố Cần Thơ) đã hoàn thành phân bổ tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện 3 chương trình MTQG là hơn 9.741 tỷ đồng, chiếm 5% tổng nguồn vốn đầu tư phát triển cho các địa phương trên cả nước.

Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tốc độ giải ngân chậm nhất, mới đạt 23% kế hoạch giao năm 2023. Trong đó, Bạc Liêu, Trà Vinh có tỉ lệ giải ngân 0%, An Giang có tỷ lệ giải ngân 2%.

Các địa phương, như Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau đã ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền, trong khi Long An, Tiền Giang, An Giang chưa ban hành đẩy đủ số lượng văn bản hướng dẫn.

Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho thấy, vẫn còn những khó khăn, hạn chế trong quản lý, tổ chức, thực hiện các chương trình MTQG: Năng lực tổ chức triển khai ở cấp xã chưa đồng đều; công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, sâu sát; cán bộ tham mưu, phụ trách thực hiện các chương trình ở cơ sở chủ yếu kiêm nhiệm nhiều việc…

baclieu.png
Quang cảnh ở điểm cầu Bạc Liêu

Một số địa phương rất khó khăn trong bố trí vốn đối ứng ngân sách địa phương. Việc huy động nguồn vốn từ doanh nghiệp, người dân còn nhiều hạn chế, trong khi yêu cầu thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ rất cao.

Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai với nhiều dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực thuộc nhiều cấp quản lý nên khó khăn khi thực hiện, ảnh hưởng đến kết quả giải ngân của chương trình.

Cơ sở vật chất tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nguồn vốn chưa đáp ứng yêu cầu nên việc triển khai lồng ghép các chương trình chưa đạt hiệu quả cao.

Tại Hội nghị, các địa phương vùng ĐBSCL kiến nghị, đề xuất với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chỉ đạo các Bộ, cơ quan khẩn trương ban hành hoặc trình ban hành các văn bản hướng dẫn để tạo sự thống nhất, đồng bộ cho việc triển khai thực hiện các Chương trình của các địa phương trong vùng; xem xét điều chỉnh chỉ tiêu giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số để đảm bảo phù hợp với thực tế của từng địa phương; ban hành sổ tay hướng dẫn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế cho địa phương tự điều chỉnh nguồn vốn từ các dự án thực hiện chưa hiệu quả hoặc không có địa bàn, đối tượng thụ hưởng sang thực hiện các dự án khác có nhu cầu vốn nhiều hơn đảm bảo thực hiện đúng đối tượng và địa bàn thụ hưởng của dự án theo quy định….

Hầu hết các địa phương phản ánh rất khó bố trí nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số do quỹ đất của địa phương rất hạn chế; kiến nghị Trung ương tiếp tục tính toán, phân cấp phân quyền cho địa phương để chủ động hơn trong triển khai các chương trình MTQG; cam kết với Phó Thủ tướng đạt tỉ lệ giải ngân ít nhất 90% nguồn vốn Trung ương được giao trong năm 2023.

Phát biểu kết luận Hội nghị sau khi nghe các ý kiến của địa phương và giải trình của các bộ, ngành Trung ương, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, qua khảo sát thực tế buổi sáng cho thấy, các chương trình MTQG thực sự có ý nghĩa vì đã góp phần tạo nên bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, khang trang, đáng sống.

Phó Thủ tướng biểu dương nỗ lực của vùng ĐBSCL đạt tỉ lệ giải ngân cao hơn mức bình quân chung của cả nước trên cả 3 chương trình.

Trong thời gian qua, Trung ương đã ghi nhận và xử lý 339 vướng mắc, tuy nhiên, quá trình thực hiện tiếp theo có thể còn nhiều vướng mắc, do đó các cơ quan Trung ương cần tiếp tục ghi nhận để có hướng xử lý, đồng thời phải tiếp tục giữ kết nối, phối hợp tốt hơn để trả lời các khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến.

Phó Thủ tướng tái khẳng định chủ trương nhất quán là tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, vì chỉ có địa phương mới biết rõ muốn tập trung đầu tư vào đâu và làm thế nào để đạt hiệu quả cao nhất. Các quy định trong thời gian qua và sắp tới đều được xây dựng và ban hành theo chủ trương trên.

Trước ngày 15/8, các bộ, ngành phải hoàn thành ban hành các văn bản còn nợ, trong đó Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, ban hành Thông tư sửa đổi 3 Thông tư số 15/2022/TT-BTC, số 46/2022/TT-BTC, số 53/2022/TT-BTC về kinh phí sự nghiệp thực hiện 3 chương trình MTQG bảo đảm tích hợp nội dung, tránh dẫn chiếu sang nhiều văn bản nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ triển khai, giải ngân vốn; tăng cường chia sẻ, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau; tích cực tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát bảo đảm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời ở cơ sở.

Đặc biệt, trong năm 2023, các địa phương phải giải ngân hết toàn bộ số vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Trung ương năm 2022 kéo dài sang năm 2023, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với các địa phương chưa có cán bộ làm công tác dân tộc tại cấp huyện, Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương này có chính sách điều động, biệt phái cán bộ đảm nhiệm công tác trên do Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thực hiện theo nguyên tắc phân cấp tối đa, đến tận cấp xã.

Phó Thủ tướng gợi ý các địa phương có thể thành lập các "đội đặc nhiệm"; thuê tư vấn với một số dự án cá biệt; thông báo những "địa chỉ" rõ ràng để cấp dưới có thể tham vấn khi gặp khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai; xây dựng sổ tay hướng dẫn chi tiết cho từng chương trình MTQG.

Thanh Bình và nhóm PV, BTV