- Kiểm tra tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội sáng nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ 2 dự án này.
Phó Thủ tướng cho rằng tình trạng ùn tắc của các đô thị lớn hiện nay hết sức nghiêm trọng, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM. Đây cũng là thách thức lớn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, chất lượng sống người dân và làm gia tăng ô nhiễm.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông |
“Hiện giao thông công cộng của ta chỉ mới đáp ứng 10%, trong khi đó riêng giao thông công cộng bằng đường sắt đô thị tại Nhật chiếm 25% vận tải hành khách”, Phó Thủ tướng so sánh.
Phương tiện cá nhân tăng nhanh, xu hướng ô tô hóa phát triển mạnh nhưng hạ tầng thiếu hệ thống giao thông ngầm, trên cao, diện tích dành cho giao thông ít, thiếu nơi giao thông tĩnh như bãi đỗ cũng là áp lực tạo ùn tắc giao thông.
“Trước tình hình đó đòi hỏi phải có giải pháp giảm ùn tắc giao thông. Chính phủ đã có 2 cuộc họp gấp với 2 TP và đưa ra thông điệp xử lý ách tắc giao thông, có lộ trình trước mắt và lâu dài”, Phó Thủ tướng nói.
Trước mắt phân luồng, có biện pháp từng bước giảm phương tiện cá nhân đi vào khu vực dễ ùn tắc. Về lâu dài phải đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó đầu tư có nhiều phương thức vận tải cũng như đường tránh, vành đai.
Phó Thủ tướng làm việc với các bộ ngành và lãnh đạo TP Hà Nội sau buổi kiểm tra |
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, để xây dựng được hệ thống đường sắt đô thị cần nguồn lực rất lớn. Với 8 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch của Hà Nội, tính trung bình khoảng 2.200 - 3.000 tỷ đồng/km sẽ tốn khoảng 890.000 tỷ đồng (40 tỷ USD).
Vì vậy, việc sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng hai tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giảm ùn tắc giao thông cho Hà Nội.
An toàn là số 1
Qua kiểm tra, Phó Thủ tướng đánh giá cao sự tập trung quyết liệt của Hà Nội và Bộ GTVT để tuyến Cát Linh - Hà Đông hoàn thành 80-90% và chuẩn bị tháng 9/2017 chạy thử.
Ông nhìn nhận tuyến Nhổn - ga Hà Nội là tuyến khó, mới hoàn thành 30% khối lượng công việc nhưng đang có lối thoát đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành vào năm 2021.
Phó Thủ tướng lưu ý cả 2 dự án đều chậm tiến độ đã ảnh hưởng đến việc giảm ùn tắc giao thông cho HN và yêu cầu phải quyết liệt đẩy nhanh tiến độ.
Hiện trường dự án đường sắt Cát Linh Hà Đông |
“Chúng ta cố gắng đảm bảo an toàn là số 1. Không để xảy ra tai nạn lao động và đảm bảo an toàn cho người dân tham gia giao thông, phải tập trung quyết liệt để hạn chế tối đa những sơ suất ảnh hưởng tính mạng người dân. Cùng với đó là đảm bảo an toàn môi trường, an toàn cháy nổ”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu chú ý đến chất lượng kiến trúc công trình. Tuyến Cát Linh - Hà Đông phải giống như công trình văn hóa, hoàn thiện sạch sẽ như công trình 4, 5 sao chứ không chỉ là nhà ga.
Đồng thời tập trung đào tạo nguồn nhân lực quản lý chuyên nghiệp và văn hóa, ra vào cúi chào như Nhật, Không chỉ chuyên nghiệp về vận hành mà cả văn hóa trong quá trình khai thác để dân đi qua có sức hấp dẫn, giảm phương tiện cá nhân, đồng thời được ứng xử đẹp.
“Đây là những công trình trọng điểm giải quyết ùn tắc giao thông không chỉ của Hà Nội mà là của Chính phủ. Tôi rất tin tưởng 2 dự án này đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn sớm đưa vào khai thác, sử dụng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Dự án Cát Linh - Hà Đông đội vốn 250 triệu USD
Theo báo cáo của Bộ GTVT, Dự án Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư ban đầu là 552 triệu USD, trong đó vay vốn của TQ 419 triệu USD (169 triệu USD vay ưu đãi, 250 triệu USD vay ưu đãi bên mua chủ yếu để mua sắm thiết bị). Vốn đối ứng của VN 133 triệu USD.
Tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh là 868 triệu đã được Chính phủ đồng ý chủ trương. Như vậy, vốn tăng lên 250 triệu USD.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành 90% khối lượng công việc |
Đến nay, khối lượng xây lắp công trình của dự án đã hoàn thành 90%, trong đó phần hạ tầng chạy tàu cơ bản hoàn thành. Công tác xây lắp cơ bản đáp ứng tiến độ thi công đã đề ra. Các bên đang tiếp tục bám sát tiến độ thi công tổng thể, đảm bảo hoàn thành toàn bộ công tác xây lắp, trang trí hoàn thiện trong quý 1/2017.
Dự án trang thiết bị mua sắm 13 đoàn tàu chuẩn B1 đã hoàn thành sản xuất, chế tạo ở Trung Quốc. Đoàn tàu đầu tiên đang được chuyển về VN bằng đường thủy, dự kiến vào ngày 5/2 này sẽ đến cảng Hải Phòng. Các tàu còn lại sẽ được chuyển về sau đó để chạy thử trong năm 2017.
Các hạng mục thiết bị khác tổng thầu đang mua sắm hoặc đấu thầu. Theo tiến độ, sau 30/9 này, dự án sẽ vận hành chạy thử từ 3-6 tháng.
Dự án Nhổn - ga Hà Nội có chiều dài 12,5km, 8,5km trên cao và 4km ngầm sử dụng nguồn kinh phí tài trợ của Pháp với tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh là 1,176 tỷ UERO (32.910 tỷ đồng), trong đó vốn ODA là 958 triệu UERO. Tiến độ triển khai dự án đến nay đạt 30%. Dự kiến hoàn thành tổng thể vào năm 2021.
Thu Hằng - Vũ Điệp