Chiều 15/1, phát biểu tại phiên họp thứ 9 Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết, một trong những điểm sáng của năm qua là cuộc “cách mạng” về tinh gọn bộ máy đã tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng đến toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Việc này đang được toàn Đảng, toàn dân quan tâm, ủng hộ.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng chỉ ra rằng, công tác cải cách hành chính còn những tồn tại, hạn chế. Doanh nghiệp, người dân tiếp cận nền hành chính công chưa thực sự thông thoáng, thuận tiện.
“Những bức xúc, rào cản vẫn còn và đâu đó, khiến người dân phiền lòng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh những tồn tại, hạn chế này cần được khắc phục sớm, mau chóng khơi thông. Mọi nguồn lực phải được sử dụng hiệu quả, phục vụ cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giàu mạnh, vươn mình, cất cánh của đất nước.
Tư duy của Nghị quyết 57 phải trở thành tư duy của quản lý kinh tế
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia với nhiều điểm mới, không chỉ áp dụng trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số mà cả trong quản lý kinh tế. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần phải nghiên cứu để áp dụng, đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Sắp xếp 37 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.178 đơn vị hành chính cấp xã, sau sắp xếp giảm 9 đơn vị cấp huyện và 563 đơn vị cấp xã.
Dẫn chứng quản lý về mặt khoa học là quản lý mục tiêu chứ không phải quản lý trình tự thủ tục, Phó Thủ tướng cho rằng có lẽ trong kinh tế cũng phải như thế, đánh giá kết quả cuối cùng trong quá trình kinh doanh.
“10 thương vụ có 1, 2 thương vụ lỗ, nhưng cộng lại cuối năm lãi nhiều thì phải đánh giá mục tiêu, đánh giá sản phẩm, kết quả cuối cùng”, ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, tư duy của Nghị quyết 57 về quản lý khoa học phải trở thành tư duy của quản lý kinh tế.
Theo ông Nguyễn Hòa Bình, hồn cốt của cải cách hành chính chính là cải cách thủ tục, cải cách bộ máy, cải cách con người, chuyển đổi số. Cải cách bộ máy đang được làm quyết liệt, từ Trung ương đến địa phương phải tập trung cho tinh gọn bộ máy.
Năm 2024 mới thực sự sáp nhập, tinh gọn được cấp huyện và cấp xã. Hiện các bộ, sở đang làm quyết liệt và bộ máy tinh gọn, khoa học hơn sẽ được vận hành chính thức từ ngày 1/3.
Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý tập trung xây dựng đội ngũ và chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ; chăm lo việc tuyển dụng, đánh giá sử dụng, bố trí cán bộ, đề cao trách nhiệm, làm sao cán bộ thấy bức xúc của dân cũng chính là bức xúc của mình thì lúc đấy mới phục vụ tốt được.
“Cán bộ đại diện cho nền hành chính mà né tránh, đùn đẩy, vô cảm, chuyển vòng quanh thì nền hành chính ấy có được thiết kế khoa học bao nhiêu cũng không đạt yêu cầu”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Được phân cấp mạnh không phải chỉ có sự hoan hỉ
Theo Phó Thủ tướng, chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương, Bộ Chính trị cho đến Chính phủ hiện nay là phân cấp, phân quyền mạnh mẽ. Những đạo luật vừa qua đã phân cấp, phân quyền rất nhiều và trong tương lai sẽ tiếp tục phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa cho địa phương, tính chủ động của các địa phương từ nay trở đi sẽ rất cao.
“Các địa phương khi được phân cấp mạnh không phải chỉ có sự hoan hỉ, mà đây phải là mối lo nữa, không phải nhiều quyền mà chúng ta yên tâm”. Bởi, quy mô các dự án lớn lên, thẩm quyền duyệt các dự án lớn lên, mà để xảy ra các rủi ro thì trách nhiệm thuộc người được phân cấp”, Phó Thủ tướng nhắn nhủ.
Vì vậy, địa phương sẵn sàng nhận quyền năng mới được phân cấp thì cũng phải có giải pháp để phòng ngừa những rủi ro đi kèm.
Phó Thủ tướng lưu ý, chủ trương là tạo sự thông thoáng tối đa, nhưng yêu cầu kiểm soát và chống lãng phí, chống tiêu cực, chống tham nhũng cũng đặt ra rất chặt chẽ. Cho nên, cùng với việc sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ được phân cấp, địa phương phải tăng cường hơn trách nhiệm, các giải pháp để kiểm soát quyền lực đã được phân cấp.
Nhấn mạnh từ Trung ương đến địa phương đều quan tâm xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, nhiều dịch vụ công được thực hiện trên nền tảng số, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thước đo của Chính phủ số phải là sự hài lòng của người dân.
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Cao Huy cho biết, thể chế được xác định là một trong ba đột phá chiến lược để xây dựng, phát triển đất nước; Quốc hội, Chính phủ xác định điểm nghẽn thể chế là “điểm nghẽn" của "điểm nghẽn" cần khai thông.
Chính phủ đã tổ chức 11 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, qua đó kịp thời chỉ đạo, định hướng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng pháp luật.