Trong phát biểu tại sự kiện “Gặp gỡ ICT Xuân Mậu Tuất 2018” được các Hội, Hiệp hội, câu lạc bộ về ICT tổ chức tối qua, ngày 9/3 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã nhắn nhủ cộng đồng ICT nước nhà bên cạnh những cơ hội, cũng cần phải thẳng thắn và khách quan nhìn nhận lại Việt Nam hiện đang nằm ở đâu trong quá trình chuyển đối số hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng công nghiệp 4.0). Theo Thứ trưởng, gần đây nhất, Diễn đàn Kinh tế thế giới đã có một báo cáo về mức độ sẵn sàng cho cuộc CMCN 4.0 trong đó Việt Nam không nằm trong nhóm các quốc gia sẵn sàng cho nền kinh tế sản xuất tương lai. Trong đó, một số yếu tố bị đánh giá là còn yếu kém như: chỉ số công nghệ và đổi mới xếp hạng 90 ( phủ sóng 4G xếp hạng 96, An toàn thông tin xếp hạng 90, R&D xếp thứ 84…); chỉ số nguồn lực con người xếp thứ 70.
Nhân buổi gặp mặt đầu xuân này, thay mặt Bộ TT&TT, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đã kêu gọi giới CNTT-TT, các doanh nghiệp, Hội, Hiệp hội coi Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là thông điệp hành động trong năm 2018, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, hợp tác cùng với các Bộ ngành, phối hợp hành động quyết liệt để khắc phục những vấn đề đang còn tồn tại trên con đường chuyển đổi số.
Ở góc độ doanh nghiệp, đề cập đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tại sự kiện này, ông Đỗ Cao Bảo, Phó Tổng giám đốc FPT cho hay, với tập đoàn FPT, cách mạng công nghiệp 4.0 chính là vũ khí quan trọng nhất trong tay để đi ra nước ngoài. Nhờ cách mạng công nghiệp 4.0, từ Big Data cho đến trí tuệ nhân tạo, FPT đã được tiếp cận, được giao việc và được làm việc với những tập đoàn lớn nhất thế giới của Mỹ, châu Âu cũng như Nhật Bản. “Nhưng rất buồn là khi về Việt Nam, cách mạng công nghiệp 4.0 dường như chỉ được nhắc đến nhiều trên các diễn đàn, trên các phương tiện truyền thông đại chúng”, ông Đỗ Cao Bảo nói.
Nhắc đến báo cáo về 100 quốc gia sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0 được Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố cách đây khoảng hơn 1 tháng, ông Bảo tâm sự: “Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam thuộc nhóm chưa sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0, xếp ở vị trí 50/100. Nhưng buồn nhất là Việt Nam được xếp hạng 90/100 về công nghệ và sáng tạo. Trong đó, khoảng 3 - 4 chỉ tiêu về viễn thông, CNTT, chúng ta được xếp hạng từ 74 - 96/100. Tôi thấy rất ngậm ngùi, rất buồn cho ngành CNTT-TT Việt Nam”.
Cũng trong chia sẻ với cộng đồng ICT nước nhà tại buổi “Gặp gỡ ICT Xuân Mậu Tuất 2018”, đại diện lãnh đạo FPT bày tỏ mong muốn thời gian tới, tại Việt Nam, cách mạng công nghiệp 4.0 không còn chỉ được nói đến nhiều trên các diễn đàn, trên báo chí mà giới ICT cần có cần có những hành động cụ thể để thời điểm năm sau xếp hạng về mức độ sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam không phải là 90/100 mà có thể nâng lên hạng 50/100.
“FPT cũng hy vọng rằng, ngoài việc chúng tôi thực hiện các việc về trí tuệ nhân tạo hay Big Data cho những tập đoàn trên toàn cầu, quay về trong nước cũng sẽ được nhận được việc từ các tổ chức, cơ quan chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam. FPT mong muốn sẽ đóng góp một phần nhỏ bé để cách mạng công nghiệp 4.0 đi vào thực tiễn ở ít nhất một số cơ quan, một số ngành nghề”, ông Bảo nêu kỳ vọng.
Trước đó, trao đổi với ICTnews, đại diện FPT cho hay, cùng với khối Viễn thông, khối Công nghệ cũng là động lực tăng trưởng chính của tập đoàn trong năm 2017. Đặc biệt, năm vừa qua khối Công nghệ của FPT đã ghi dấu ấn với những hợp đồng quy mô hàng chục triệu USD tại thị trường Nhật Bản và Myanmar đóng góp quan trọng vào tăng trưởng 29% doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT. Số lượng khách hàng trong danh sách Fortune 500 tăng trưởng vượt bậc với 39 khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng trong danh sách này lên con số 75.
Cùng với đó, về mặt công nghệ, FPT đã đạt được những bước tiến mới trong lĩnh vực giao thông thông minh, y tế thông minh. Đồng thời thử nghiệm thành công công nghệ tự hành trên xe ô tô thương mại và ra mắt nền tảng Trí tuệ nhân tạo FPT.AI mở cho cộng đồng lập trình viên cùng sử dụng.
FPT cho hay, trong năm 2018, khối Công nghệ và Viễn thông vẫn sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của Tập đoàn. Theo đó, FPT sẽ tiếp tục chiến lược “Săn cá voi” (các tập đoàn toàn cầu có quy mô doanh thu cỡ vài chục tỷ USD); đầu tư trọng điểm vào công nghệ quản lý dữ liệu như Trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, công nghệ Robot… đặc biệt cho Nhà máy thông minh; chú trọng việc chuyển đổi mô hình kinh doanh từ mô hình kinh doanh truyền thống sang kinh doanh cho thuê dịch vụ công nghệ.
CMC cũng là một doanh nghiệp CNTT đã có được những bước phát triển mạnh mẽ sau 25 năm hoạt động, theo ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC, từ một tổ chức rất nhỏ được thành lập cách đây 25 năm, đến nay CMC đã trưởng thành, trở thành một tập đoàn CNTT với 12 đơn vị thành viên, với doanh thu năm 2017 ước đạt 5.400 tỷ đồng và có 2.500 cán bộ, nhân viên.
Cũng tại sự kiện “Gặp gỡ ICT Xuân Mậu Tuất 2018”, người đứng đầu tập đoàn CMC bày tỏ sự kỳ vọng, trong tương lai không xa, ngành CNTT-TT Việt Nam sẽ có được ít nhất 1 tỷ phú để góp phần đưa Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn.
“Tạp chí Forbes mới đây công bố Việt Nam có 4 tỷ phú nhưng rất tiếc trong đó không có tỷ phú nào làm trong lĩnh vực CNTT-TT. Có thể thấy rằng, ngành CNTT là một trong những ngành có cơ hội phát triển cũng như đem lại nhiều lợi ích cho xã hội, cho người dân và cho chính bản thân doanh nghiệp cũng như những người làm trong ngành. Nhìn ra bên cạnh chúng ta, Trung Quốc là nước phát triển rất nhanh và hiện số lượng các doanh nhân làm trong ngành CNTT trở thành tỷ phú của họ khá nhiều. Lấy câu chuyện này, tôi muốn nói lên niềm khát khao, hy vọng rằng trong khoảng 5 - 10 năm tới, làm sao ngành CNTT phải có những đóng góp hết sức thiết thực cho sự phát triển xã hội, và minh chứng cho sự phát triển ấy chính là có những tỷ phú xuất hiện từ ngành CNTT”, ông Chính chia sẻ.