Phở không ngon, giá quá đắt đỏ, đắt gấp đôi giá phở ở sân bay Thái Lan, thái độ phục vụ của nhân viên lại dở tệ,... đó là những lý do khiến hành khách ăn phở ở sân bay một lần rồi quyết định “tạm biệt mãi mãi”. Có người thà nhịn đói chứ nhất không ăn phở ở sân bay Việt Nam.
Dù đã nhiều lần, Cục Hàng không Việt Nam mở đợt rà soát giá dịch vụ phi hàng không tại các sân bay, hay áp giá trần cho những dịch vụ phi hàng không ở sân bay, song, câu chuyện về bát phở, tô mì tôm hay chai nước lọc,... giá cao ngất ngưởng cũng như thái độ phục vụ thiếu chuyên nghiệp vẫn liên tục diễn ra.
Phở ở sân bay Thái rẻ bằng nửa ở sân bay Việt
Sau khi VietNamNet đăng tài bài viết “Ăn phở ở sân bay Tân Sân Nhất: Hãi quá, tạm biệt luôn”, tòa soạn đã nhận được hàng trăm phản hồi từ bạn đọc. Đa phần đều bày tỏ thái độ bức xúc vì giá phở không tương xứng so với chất lượng, về thái độ phục vụ của nhân viên quán phở ở sân bay Việt Nam.
“Chặt chém là cách phục vụ ở sân bay Tân Sơn Nhất rồi, tôi đã không bao giờ đụng tới, tất cả mọi người cùng nhau không ăn uống ở sân bay Tân Sơn Nhất nữa là yên chuyện”, bạn đọc Thiên Phúc nhận xét.
Bát phở được tính theo cách đặc biệt tại sân bay Tân Sơn Nhất (gọi bò tái nạm thì tính phần thịt bò bị tính riêng) - Theo báo PL.TP.HCM |
Cùng quan điểm, độc giả Rockman bức xúc: “Tôi cũng từng ăn chỗ này giống như chị. Nhân viên không thèm hỏi khách hàng xem chọn size nào, họ tự chọn size lớn. Xong tính tiền mới ngớ người vì cái giá. Nghĩ bụng mình bị hóa thành con lừa. Cạch đến già!”
Độc giả có địa chỉ [email protected] chia sẻ: “Đợt 2/9 tôi về quê thăm gia đình. Vì tôi đi chuyến 6:00 nên phải dậy sớm không kịp ăn sáng. Làm thủ tục xong thì thấy đói bụng. Chúng tôi vào nói mua 2 tô phở bò tái, nhân viên nói 75.000 đồng. Đưa tiền xong, đợi một lát thì tôi thấy bê ra một tô. Tôi bảo gọi 2 tô mà, lúc này nhân viên bảo 75.000 đồng/tô. Tôi đứng dậy mua một tô nữa, biết là ăn ở sân bay thì rất đắt nên chấp nhận. Nhưng khi ngồi xuống bàn thì thấy 2 tô phở lèo tèo toàn nước với giá đỗ, một ít sợi phở và 3 miếng thịt mỏng. Tôi thấy bát phở này chỉ đáng 15.000 đồng. Họ làm ăn kiểu này sẽ không có ai ăn lần thứ 2 nữa”.
Trong khi đó, độc giả Nam Van Nam cho biết, một lần bạn đi công tác nước ngoài, chuyến bay sớm nên phải ăn sáng tại nhà ga quốc tế Nội Bài (sau khi đã check in), ăn bát phở 5,5 USD mà cảm giác mình đúng là được làm "Tây", chừa đến già.
Cũng theo Nam Van Nam, nếu cứ tiếp diễn kiểu làm ăn chụp giật thế này thì rất khó đưa ngành du lịch phát triển.
Còn độc giả Aida sau khi có cơ hội đi nhiều nước, thưởng thức phở ở nhiều sân bay có cho biết: Tôi sang sân bay Thái Lan, mua phiếu ăn một bát phở tính ra tình Việt Nam chỉ hết 35.000 đồng, một lon Coca hết đúng 10.000 đồng.
"Tôi rất bất ngờ và tự hỏi tại sao ở sân bay Việt Nam mình không dám ăn phở? Vì nó quá đắt so với chất lượng. Thế nên, ở sân bay tôi chỉ đói không chịu nổi, không còn gì ăn trong balo mới quyết định mua tạm cái gì đó ăn", Aida chia sẻ thêm.
Độc giả haminh (hoangha... @gmail.com) kể bên sảnh quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất bán chai nước suối Dasani giá 45.000 đồng, bạn thắc mắc thì được giải thích là giá sân bay khác với bên ngoài. Nhưng, haminh cho rằng, ai từng đi Nhật sẽ biết giá chai nước trong sân bay không cao hơn 110 yên, tức chưa đến 25.000 đồng. Có lẽ mức sống và thu nhập của Việt Nam vượt trội Nhật, anh kết luận.
Cùng quan điểm, bạn đọc Hàn Phong cũng chia sẻ bạn đã ăn ở đây một lần và từ đó đến giờ không bao giờ vào ăn trong khu vực phòng chờ sân bay ở Việt Nam nữa.
Những bát mì tôm gần như "không người lái" ở sân bay cũng có giá đắt đỏ |
Phở sân bay: Nhắc đến thấy sợ
Nói về chuyện phở sân bay, độc giả Vu Viet Phuc cho hay dịch vụ ăn uống ở sân bay dù ở nơi sang trọng theo tư duy làm ăn vặt vãnh của một số người Việt cơ hội.
Không chỉ vậy, bạn Ly Bang còn ví giá cả khu vực sân bay Tân Sơn Nhất chỉ dành cho các đại gia. Và chỉ các đại gia mới chịu nổi vì họ kiếm được tiền dễ hơn dân thường mình.
Trong khi đó, độc giả Khắc Quyền lại nêu lý do đó là do độc quyền, lợi dụng độc quyền tại cảng Hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất nên cái gì cũng đắt.
"Ví như chai nước suối ở ngoài giá 5.000 đồng vào đây mua 20.000 đồng; cái bánh mỳ ở ngoài bán 10.000 đồng thì vào đây bán 40.000 đồng. Còn phở thì không giống phở, nó chính là giá đỗ và bánh phở khô nhúng nước sôi cho ít bột ngọt vào. Vừa ăn uống vừa tức vì mất tiền mà chẳng ra gì", Khắc Quyền viết. Anh khuyên mọi người đi máy bay, hãy ăn no và mang theo thức ăn đến sân bay, đừng vào ăn ở sân bay vì rất dễ bị "chặt chém".
Hay độc giả Nguyễn Đức Hạnh (anhanhphuc... @yahoo.com) chia sẻ: “Cuối tháng 8 rồi tôi có dịp đi Malaysia rất sớm nên không kịp ăn sáng. Ghé vào quày bán thức ăn tạm ổ bánh mì vài lát thịt nguội với giá 145.000 VND, chai nước suối loại mi ni giá 45.000 VND. Tôi cũng từng đi nhiều quốc gia khác trên thế giới, chưa thấy sân bay nào bán thức ăn mắc như Tân Sơn Nhất. Thật một lần đáng sợ không dám lần hai.
Không đề cập đến những vấn đề trên, độc giả Hoàng Mai nhận xét: "Giờ đi máy bay còn rẻ hơn đi tàu hỏa giường nằm. Còn người kinh doanh trong sân bay thì vẫn giữ theo lề lói cũ, nghĩ người đi máy bay là có nhiều tiền. Chuyện này quá xưa rồi và cần đảo ngược lại ngay. Giá máy bay càng ngày càng rẻ vậy tại sao giá dịch vụ ăn uống ở sân bay vẫn giữ nguyên hoặc ngày một đắt hơn"?.
Nhiều bạn đọc khác cũng cho rằng, nếu cứ để tình trạng này diễn ra thì rất khó cạnh tranh với các nước láng giềng, đặc biệt là về du lịch.
Như Băng (tổng hợp)