- Gọi là phố - quê cho vui chứ ở đây là một quận nội thành Hà Nội, trước là Đống Đa, nay là Thanh Xuân, nơi có phố xá đông đúc, mang tên các anh hùng các tướng lĩnh quân đội.
Vui đón Tết thì ở đâu cũng có, song ở đây là ăn tết trước. Các gia đình nhằm ngày nghỉ cận tết tổ chức cho con cái trong ngõ phố ăn tết cùng với nhau một hôm, giống như làng quê xưa vẫn có tục ấy.
Chị em chuẩn bị những món tết |
Mấy năm gần đây ngõ phố tôi - ngách 71/69 Hoàng Văn Thái - có cái ngày như thế. Quanh năm mỗi người mỗi việc, bận bịu tối ngày, có khi cùng ngõ mà không biết mặt nhau. Trong câu chuyện vui khi đến chúc nhau ngày tết, mấy ông cùng ngõ mới đưa ra sáng kiến tổ chức một ngày gặp. Lúc đầu thì cũng có hơn chục nhà hưởng ứng.
Năm đầu thấy tổ chức cũng nhẹ nhàng, đầm ấm, thế là nhiều nhà hưởng ứng. Và đến nay thì hầu hết các gia đình cùng ngõ đã tham gia.
Đúng là ngày tết của ngõ phố. Trẻ con người lớn đều háo hức. Kinh phí do từng gia đình đóng góp. Phương châm vui là chính và tự tổ chức tự làm. Thời buổi bây giờ mỗi người một trăm cùng là tiết kiệm. Trong ngõ phố ai trong năm tiến bộ, làm ăn xông xênh thì tuỳ sự hảo tâm tài trợ, có khi một chai rượu, một thùng bia....còn chi tiêu chỉ trong số tiền đóng góp.
Cái vui chính là không khí tết. Chợ gần nên mua bán sắm sanh cũng thuận tiện. Chị em cử người đi chợ mua bán còn tất cả tập trung vào chuẩn bị. Các đấng mày râu thì lo những việc phông màn, bàn ghế.
Tổ trưởng dân phố đến chúc Tết |
Hà Nội từ lúc có 36 phố phường cũng là nơi hội tụ của các làng nghề. Mà hầu hết đều cùng một nguồn gốc về đây cư ngụ. Chính cái đặc trưng phố - quê ấy đã gắn bó những cộng đồng cùng một làng nghề, cùng một gốc với nhau. Họ có cả nhà thờ tổ, hay một nơi sinh hoạt chung thật gần gũi và ấm cúng. Chính nét văn hóa ấy làm nên một kinh kỳ đầy bản sắc.
Tuy nhiên qua thời gian, Hà Nội mở rộng, dân từ khắp nơi kéo về. Do tính chất của nghề nghiệp mỗi người mỗi việc, mỗi người mỗi cơ quan nên ít khi giao lưu, ít khi có điều kiện tụ tập. Cái cảnh nhà nào nhà ấy biết, có khi gần kề cũng trở thành xa lạ đã thành phổ biến.
Ngày tết cùng lắm là người lớn đến chúc nhau dăm câu ba điều một vài phút rồi đi. Có chuyện các bà mẹ ở quê ra chơi thăm con, lúc đầu háo hức lắm nhưng được vài ba bữa chỉ quanh quẩn một mình trong nhà thì trở nên tù túng muốn về. Có người còn đùa vui ra Hà Nội mà tù túng như ở ngục tù.
Chính trong cái bối cảnh ấy mà một ngõ phố có một ngày tết chung thật đáng trân trọng. Sự thành công ấy phải kể đến những người tận tâm như anh Thọ, chị Oanh, ông Phúc…Một số người như anh Chiến, anh Phương, chị Diễm rất nhiệt tình hưởng ứng. Từ tổ chức ngày tết vui họ cũng tự nguyện đóng góp quỹ để thăm nom người ốm đau, bệnh tật.
Lớp trẻ náo nức trong ngày gặp |
Bây giờ thì trở thành một nét đẹp ngày tết của một ngõ phố. Gần đến tết mọi người mọi nhà đều hào hứng, đều xúm tay vào làm. Ăn uống bây giờ cũng không phải là điều quan trọng. Họ đến để gặp gỡ chuyện trò. Lớp trẻ trong ngõ phố cũng vậy, quanh năm học hành công việc ít được ngồi cùng nhau. Các em đến như là một buổi thư giãn tâm tình. Tiếng dô-dô của những lon bia, lon nước ngọt như là sự reo vui của ngày tết đến.
Mùa Xuân cũng đang đến rất gần nơi một góc phố Thủ đô.
Nguyễn Kim Yến