50 năm đất nước thống nhất, với ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, ký ức vẫn còn nguyên vẹn. Ông Nguyễn Văn Ngai sinh năm 1949, quê gốc ở Tây Ninh. Năm 1969, tốt nghiệp sư phạm, ông được bổ nhiệm về giảng dạy ở Hóc Môn. Ngày 31/8/1972, ông được Trưởng ty giáo dục tỉnh Gia Định ký sự vụ lệnh (quyết định) cử giảng dạy môn Toán ở Trường Trung học Nhất Linh, huyện Hóc Môn (nay là Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu).

Thời điểm đó trường ít giờ dạy Toán nên trong đệ nhất lục cá nguyệt (học kỳ 1) ông được hiệu trưởng phân công dạy 8 tiết Toán và 8 tiết Sử Địa. Tới đệ nhị lục cá nguyệt (học kỳ 2), ông mới được phân công chỉ dạy Toán. 

Khoảng một tuần sau ngày thống nhất, chính quyền đổi tên Trường Trung học Nhất Linh thành Trường cấp 2-3 Nguyễn Hữu Cầu và thành lập ban điều hành lâm thời gồm 5 thành viên. Ông Ngai được phân công làm trưởng ban, sau này làm phó hiệu trưởng, rồi hiệu trưởng nhà trường tới 19 năm. 

Chỉ 5 tháng sau ngày thống nhất đất nước, ban điều hành lâm thời tất cả các trường cấp 2, 3 đều được giải thể, thay thế bằng Ban Giám hiệu với đa số hiệu trưởng là người được miền Bắc chi viện.

Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu chỉ giữ lại ông Ngai ở vai trò phó hiệu trưởng, còn hiệu trưởng là người từ Hà Nội vào. Năm 1991, ông Ngai được điều động và bổ nhiệm làm Phó Bí thư Đảng ủy cấp trên cơ sở của ngành GD-ĐT. Đến năm 1998, ông làm Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho đến ngày nghỉ hưu (01/7/2009).

Nhớ lại những ngày trước 30/4/1975, ông Ngai kể, vợ chồng ông là nhà giáo, nuôi con nhỏ chỉ dựa vào lương tháng. Mức lương tuy không quá cao nhưng đảm bảo được cuộc sống tối thiểu. “Thời đó, một người đi dạy học có thể nuôi vợ và ít nhất là 2 con đi học”, ông kể. 

Thời gian đầu sau 30/4/1975, giáo viên gặp nhiều khó khăn khi lương chỉ còn 40-50 đồng/tháng, mỗi người được phân 13 kg gạo/tháng (riêng giáo viên giáo dục thể chất được 15 kg). Nhưng do không đủ gạo nên trong 13-15kg đó phải độn thêm mì sợi, bột mì, bo bo.

Dẫu vậy, hoạt động giảng dạy học tập trong nhà trường vẫn vào nề nếp. Ngoài giảng dạy, giáo viên hướng dẫn học sinh lao động. Các nhà giáo mượn đất sau vụ mùa để đào giếng, trồng đậu bắp, đậu phộng, hoa màu… 

Là người chứng kiến cuộc chuyển giao giáo dục lúc đó, ông Ngai nhìn nhận mọi việc diễn ra thuận lợi. Các trường đều sử dụng lại giáo viên tại chỗ, còn gọi là giáo viên lưu dung (những nhà giáo từng dạy học qua hai thời kỳ trước và sau ngày thống nhất đất nước). Ngoài ra, trường tăng cường giáo viên là người tập kết, đi B, bộ đội chuyển ngành được đào tạo sư phạm, giáo viên trẻ mới ra trường. Mối quan hệ, hợp tác trong công việc giữa các nguồn giáo viên ở đại đa số các trường khá ổn, chỉ cá biệt vài nơi có sự phân biệt.

Thời gian đầu bước sang thời kỳ mới, giáo viên các môn tự nhiên khá thuận lợi khi dạy theo sách giáo khoa (SGK) mới, trong khi thầy cô dạy môn xã hội, đặc biệt là giáo viên lưu dung gặp nhiều khó khăn hơn do quan điểm có sự thay đổi.

Việc lớn nhất của ngành giáo dục là thay SGK. Toàn bộ sách dùng trước 30/4 ở miền Nam được thay bằng sách soạn riêng theo hệ phổ thông 12 năm. Đây là một điều mới mẻ vì lúc này miền Bắc vẫn sử dụng SGK theo hệ phổ thông 10 năm.

Trong ký ức của mình, ông Ngai nhớ lại rằng dù có sự thay đổi về sách giáo khoa, các giá trị đạo đức như lễ phép, kính trọng người lớn, thân thiện với bạn bè, siêng năng, yêu quê hương, tổ quốc… vẫn luôn được đề cao trong cả hai nền giáo dục, trước và sau năm 1975.

Ông cho rằng, giáo dục đạo đức ở miền Nam trước thống nhất cũng như trên cả nước hiện nay đều chú trọng bồi dưỡng phẩm chất tốt đẹp cho học sinh. Tuy nhiên, nội dung và hình thức giảng dạy đôi khi chưa thật sự phù hợp với tâm lý và đặc điểm lứa tuổi ở từng cấp học.

Nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh: Dù ở giai đoạn nào, việc hình thành nhân cách, đạo đức cho học sinh – đặc biệt là trẻ mầm non và học sinh phổ thông – luôn được xem trọng. Nguyên lý giáo dục kết hợp giữa ba môi trường “nhà trường, gia đình và xã hội” cũng là yếu tố xuyên suốt trong cả hai giai đoạn.

Gia đình ông Ngai có 4 thành viên thì 3 người làm trong ngành giáo dục. Vợ ông, cô Nguyễn Thị Cúc, từng giảng dạy ở Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền; con trai cả - anh Nguyễn Chí Nhân - là giảng viên Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng; còn anh Nguyễn Chí Thiện công tác ở cơ quan nhà nước.

Các con ông lớn lên khi đất nước đã thống nhất nhưng vẫn trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi bề. Từ 6 tuổi, hai con trai đã biết phụ ba mẹ rửa ấm chén, giặt đồ, lau nhà… Tới lúc vào đại học rồi đi làm, lập gia đình, các anh vẫn giữ nguyên nếp đó. 

Khi làm Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, ông Ngai thuộc nhóm được xét duyệt chương trình 300 thạc sĩ, tiến sĩ của Thành ủy TPHCM. Ông được gợi ý nên cho một trong hai con trai đi du học.

Lúc này, hai anh Nguyễn Chí Thiện và Nguyễn Chí Nhân đã học xong Trường ĐH Bách khoa TPHCM, nhưng tự xác định gia đình không dư giả nên chọn học trong nước. Khi suất cho con đi học thạc sĩ nước ngoài bằng ngân sách nhà nước nằm trong tầm tay, ông Ngai thẳng thắn từ chối. 

“Khi nhận được đề nghị cho con học thạc sĩ nước ngoài, tôi về nhà trao đổi để hai đứa suy nghĩ. Mấy ngày sau, cả hai đều nói không có nhu cầu", ông Ngai kể.

Ông cho rằng, nếu con mình tham gia chương trình, ngoài việc cần đạt chuẩn theo yêu cầu, trong chừng mực nào đó sẽ được ưu tiên vì ông là thành viên ban xét duyệt. Nhiều người bày tỏ tiếc nuối khi ông từ chối nhưng bản thân ông lại thấy rất nhẹ lòng. Hai con ông cũng không nhắc tới chuyện này. Hiện cả hai đã có việc làm ổn định và đều có bằng thạc sĩ. 

“Du học để tiếp thu kiến thức từ nước ngoài cũng tốt, ở trong nước thì cố gắng hơn thôi”, ông bày tỏ. 

Ông Ngai luôn răn dạy các con sống giản dị, chân thật, biết chia sẻ, hòa đồng, có lòng tự trọng và trách nhiệm. Đi học ở đâu, học gì, thi vào trường nào, ông để con tự quyết, không can thiệp. Điều các con muốn làm, nếu thấy phù hợp, ông sẽ đồng tình. 

Người cha ấy muốn dạy con rằng: bên cạnh những lời dạy bảo về điều hay, lẽ phải, cha mẹ cần sống gương mẫu, làm điều đúng. Lời nói phải đi đôi với hành động. Chẳng hạn, nếu mình yêu cầu con tôn trọng người lớn, nhưng bản thân không tôn trọng chính cha mẹ mình, thì làm sao có thể dạy con hiệu quả?

Sau 50 năm thống nhất đất nước, ông Ngai nói rất mừng vì các mặt đời sống của đại đa số người dân, trong đó có nhà giáo đã được cải thiện, nhiều gia đình có cuộc sống ấm no. Giáo dục có sự chuyển biến tích cực khi trường lớp khang trang, nhiều trường đạt chuẩn quốc gia hay tiến theo chuẩn chất lượng cao, thí điểm mô hình giáo dục hiện đại. Giáo dục cũng đẩy mạnh xã hội hóa, nhiều trường học 2 buổi/ngày. Việc tăng cường liên kết quốc tế trong đào tạo theo chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước được quan tâm.

Đặc biệt TPHCM được UNESCO công nhận là thành viên giáo dục toàn cầu và hiện đã có kế hoạch thực hiện chủ trương của Trung ương về việc phấn đấu từng bước đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 trong hoạt động giáo dục và giao tiếp. Đời sống giáo viên được cải thiện, tạo sự phấn khởi và an tâm cho nhà giáo công tác trong ngành GD-ĐT thành phố.

“Tôi thực sự tự hào và phấn khởi trước thành quả ngành GD-ĐT TPHCM đã đạt được trong 50 năm qua, kể từ ngày thống nhất đất nước đến nay”, ông Ngai nói.

Hơn 20 năm gắn bó với Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu trên cương vị giáo viên, phó hiệu trưởng rồi hiệu trưởng, ông Ngai đã đồng hành và dìu dắt hàng nghìn học sinh trưởng thành. Ngôi trường từng chật vật với thiếu thốn đủ bề, nhưng dưới sự dẫn dắt của ông, vẫn kiên cường vươn lên, trở thành một trong những trường top đầu TPHCM, đứng đầu khu vực ngoại thành.

Nhiều học trò của ông Ngai nay đã thành đạt, góp mặt trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngành y và giáo dục. Trong đó có bà Văn Thị Bạch Tuyết – hiện là Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TPHCM.

Dẫu thầy đã già, trò đã trưởng thành, nhưng thỉnh thoảng, thầy trò vẫn giữ liên lạc, hỏi thăm nhau – như một tình cảm thầy trò bền chặt theo năm tháng.

Thiết kế: Hằng Trần