Doanh nghiệp phần mềm tự tin góp tay xây dựng Chính phủ điện tử

Tại Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2018 (Vietnam ICT Summit 2018), ông Lữ Thành Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), Chủ tịch Công ty cổ phần MISA cho rằng, chúng ta có thể học được kinh nghiệm xây dựng Chính phủ điện tử từ nhiều nước trên thế giới nhưng lại không thể mang một giải pháp hay các hệ thống ở nước khác để áp dụng tại Việt Nam ngay lập tức bởi mỗi quốc gia có đặc thù khác nhau. Do đó, phải xây dựng các phần mềm hay ứng dụng hoàn toàn riêng biệt phù hợp với bối cảnh quốc gia.

Theo ông Lữ Thành Long, các doanh nghiệp Việt Nam am hiểu về luật pháp và đặc thù của Việt Nam, đồng thời đáp ứng tốt các yêu cầu đặc thù mà Chính phủ yêu cầu. Ngoài ra, cho đến nay, lực lượng làm phần mềm Việt Nam không chỉ có đủ năng lực chuyên môn mà còn đủ về số lượng và chất lượng để có thể góp tay trong xây dựng Chính phủ điện tử.

Đại diện cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực phần mềm tự tin khẳng định: "Nếu Chính phủ tin tưởng giao cho các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam thì chúng tôi có đủ năng lực để thực hiện theo đúng những mong muốn phát triển Chính phủ điện tử ở Việt Nam".

Tạo ra các giá trị mới nhờ hệ thống dữ liệu mở

Liên quan đến vấn đề kết nối trong Chính phủ điện tử, ông Lữ Thành Long cho hay, chúng ta đang đề cập nhiều đến xây dựng điện tử nhưng mới ở góc độ hệ thống Chính phủ chứ chưa đề cập đến vấn đề kết nối giữa các hệ thống của Chính phủ - Doanh nghiệp và các cá nhân. Có thể thấy, trong xu thế 4.0, nhiều quốc gia trên thế giới đang thực hiện các hệ thống kết nối trực tiếp giữa các cơ quan Chính phủ - doanh nghiệp và cá nhân một cách hiệu quả.

Để làm được điều này phải có sự hợp tác giữa doanh nghiệp và Chính phủ. Về phía Chính phủ thì mong muốn được mở hệ thống của mình, đồng thời công bố chuẩn để các doanh nghiệp phần mềm tuân thủ các chuẩn và tạo ra các kết nối thuận lợi cho Chính phủ.

Các kết nối này tạo ra những lợi ích cụ thể là đối với các doanh nghiệp sử dụng phần mềm sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức. Với Chính phủ có được dữ liệu mà không phải đầu tư nguồn ngân sách lớn. Trong khi đó, lợi ích mang lại với doanh nghiệp làm phần mềm là có thể tạo ra hệ thống dữ liệu chặt chẽ hơn cho khách hàng.

Nói đến Chính phủ điện tử hay Chính phủ số thì điều quan trọng nhất cần có dữ liệu. Trong đó, trách nhiệm đóng góp, cung cấp dữ liệu thuộc về công dân, doanh nghiệp, tổ chức. Dù vậy, ông Long cho hay: "Mong muốn của các doanh nghiệp là Chính phủ cũng cần chia sẻ các dữ liệu Chính phủ có cho doanh nghiệp, tổ chức và công dân. Sự chia sẻ dữ liệu từ Chính phủ có thể tạo sự minh bạch cho cá nhân và doanh nghiệp. Ngoài ra, các dữ liệu mở này còn có thể giúp các doanh nghiệp CNTT hình thành hệ sinh thái và tạo ra những giá trị mới".

Cũng tại triển lãm bên lề ICT Summit 2018, giải pháp hóa đơn điện tử của Công ty Cổ phần MISA gây ấn tượng mạnh mẽ với quan khách tham dự khi là phần mềm hóa đơn điện tử đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng thành công công nghệ Blockchain, giúp tăng cường tính bảo mật, an toàn và minh bạch của các giao dịch - yếu tố cần thiết và bắt buộc trong lĩnh vực kế toán - tài chính.

Công nghệ Blockchain trên MeInvoice được hiểu như một cuốn sổ cái, ghi nhận toàn bộ trạng thái và cập nhật đầy đủ thông tin về hóa đơn cho các bên tham gia đều có thể kiểm tra và xác thực thông tin. Giải pháp này giúp tiết kiệm tới 80% chi phí phát hành hóa đơn một cách nhanh chóng, tiện lợi và tiết kiệm. Không chỉ được ứng dụng thành công nền tảng công nghệ Blockchain giúp tăng tính bảo mật, độ an toàn và minh bạch cho hóa đơn, Phần mềm hóa đơn điện tử MeInvoice.vn của MISA còn được tích hợp sẵn sàng trên các phần mềm nổi danh của MISA như: Phần mềm kế toán MISA SME.NET, Phần mềm Quản trị doanh nghiệp hợp nhất AMIS.VN...