Trong năm 2021, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 với biến chủng Delta đã lây lan nhanh, diễn biến hết sức phức tạp, tác động nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Nhờ vào sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc chuyển hướng chiến lược nhiệm vụ phòng, chống dịch sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội đã có chuyển biến tích cực... Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, sinh kế, đời sống của Nhân dân, người lao động gặp nhiều khó khăn.
Trên cơ sở yêu cầu cấp thiết của đất nước, căn cứ quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và các Nghị quyết Kỳ họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV nhằm kịp thời xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách, để hỗ trợ kịp thời cho Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải xoay quanh Nghị quyết đặc biệt này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải |
Phóng viên: Thưa Phó Chủ tịch, tại Kỳ họp bất thường, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với tỷ lệ đồng thuận rất cao. Xin Phó Chủ tịch cho biết Quốc hội kỳ vọng điều gì khi bấm nút ban hành Nghị quyết này?
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: Kỳ họp này chỉ tập trung vào những nội dung hết sức thiết yếu. Chúng ta tiến hành họp trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế thế giới nói chung, và trong nước, sản xuất thì đang bị đứt gãy. Tác động của dịch Covid không nhỏ đối với ngừoi dân và doanh nghiệp. Hơn lúc nào hết, gói hỗ trợ kịp thời và đúng lúc lúc này hết sức quan trọng. Cho nên, dù có khó khăn như nào, các cơ quan của Quốc hội rồi các cơ quan của Chính phủ cũng phải phối hợp một cách tích cực, chặt chẽ và khẩn trương để chúng ta triển khai và chúng ta ban hành chính sách kịp thời và đúng mục tiêu. Chiến lược này nó sẽ quyết định việc chúng ta nhanh chóng khắc phục hậu quả của dịch covid-19 trong giai đoạn vừa qua, từng bước thích ứng với giai đoạn mới và phục hồi kinh tế, để đảm bảo đời sống cho người dân, đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, và chúng ta có thể thực hiện được các mục tiêu dài hạn mà đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra và các kế hoạch KT-XH 5 năm mà chúng ta vừa thông qua.
Phóng viên: Quy mô gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế lên tới 350 ngàn tỷ đồng. Phó Chủ tịch Quốc hội có thể cho biết, để chính sách hỗ trợ đến đúng đối tượng, Chính phủ cần thực hiện những biện pháp để gì?
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: Vì gói hỗ trợ rất lớn và yêu cầu của Quốc hội là tiến hành có hiệu quả trong một thời gian ngắn, chủ yếu trong 2 năm tới, cho nên vấn đề đầu tiên là vấn đề tổ chức thực hiện, Chính phủ phải nhanh chóng ban hành các văn bản liên quan để tổ chức hướng dẫn cho việc thực hiện các nội dung. Bên cạnh đó, quan trọng nhất là phải có kế hoạch, thể hiện lồng ghép với kế hoạch kinh tế xã hội đã được thông qua và xác định rõ trách nhiệm, các cấp uỷ đảng và chính quyền địa phương, các bộ ngành, trong việc cụ thể hoá các nội dung của gói hỗ trợ. Đặc biệt là có nhiều vấn đề liên quan đến việc kế hoạch đầu tư công, liên quan đến các luật, văn bản quy định và hiện nay, chúng ta phải kịp thời điều chỉnh một số nội dung để làm sao triển khai gói hỗ trợ này tích cực và có hiệu quả.
Việc giám sát của Quốc hội không chỉ là giám sát thông qua kế hoạch thực hiện kế hoạch KT-XH, mà thực hiện Nghị quyết phải thể hiện được trách nhiệm của các Đoàn đại biểu Quốc hội, từng đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Lần này, Quốc hội xác định rõ ràng vai trò của cơ quan kiểm toán; vai trò của các cơ quan giám sát trong việc thực hiện gói hỗ trợ này.
Phóng viên: Vậỵ làm sao để Quốc hội có thể đo lường được hiệu quả của những chính sách này, thưa Phó Chủ tịch Quốc hội?
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: Hiệu quả của một chính sách là hiệu quả cuối cùng phải ổn định đời sống nhân dân. Thứ hai là các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, nhưng trên từng lĩnh vực một thì đã có chỉ tiêu cụ thể thì chúng ta phải đồng thời đánh giá qua hàng năm.
Ví dụ như chỉ tiêu về giảm lãi suất thì hàng năm chúng ta phải xem cụ thể là hàng năm chúng ta giảm lãi suất cho người dân và doanh nghiệp của hệ thống ngân hàng cụ thể là bao nhiêu? Mức từ 0,5 đến 1%, chúng ta phải triển khai thực hiện trong từng năm là bao nhiêu? Và như vậy nó có liên quan đến các chỉ tiêu khác nữa tức là số doanh nghiệp được vay vốn, được hỗ trợ, các hộ gia đình được vay vốn. Nhưng bên cạnh đó là nợ xấu có tăng lên hay không? Nó biến động như thế nào? để có giải pháp, hoặc hỗ trợ chúng ta có chỉ tiêu về giảm thuế VAT giá trị gia tăng 2%, cho một số mặt hàng thì cái này nó có ảnh hưởng đến chỉ tiêu giá tiêu dùng, chỉ tiêu đến cái việc mà thu chi ngân sách. Nhiều khi chúng ta giảm thuế thế nhưng tiêu dùng được kích thích có khi chỉ tiêu thu, nộp của các doanh nghiệp qua chỉ tiêu về thuế chúng ta có thể đánh giá được hiệu quả.
Ngoài ra, chỉ tiêu chúng ta đánh giá là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công hàng năm và trực tiếp là công trình có liên quan đến gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế như thế nào? thì hàng năm nó có được nâng lên cao hay không? Đấy là mục tiêu chúng ta phải thực hiện trong một thời gian ngắn, và một vấn đề hết sức quan trọng, đó là chỉ tiêu các gói hỗ trợ liên quan trực tiếp tới an sinh xã hội, thì có trực tiếp đến được người dân, liên quan có hiệu quả hay không? Giải quyết việc làm có tăng lên hay không và tỷ lệ thất nghiệp được giải quyết như thế nào? rất là nhiều chỉ tiêu về kinh tế chúng ta có thể đánh giá để phục vụ công tác giám sát.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch Quốc hội. Nhân dịp đầu xuân năm mới Nhâm Dần 2022, kính chúc Phó Chủ tịch Quốc hội sức khoẻ!
Theo Quochoi.vn