Không muốn rời chợ đêm Dinh Cậu để sang vị trí kinh doanh mới, tiểu thương ở Phú Quốc treo băng rôn, yêu cầu chủ tịch huyện đảo phải đối thoại với họ.
Đêm 23.7, tập thể tiểu thương ở chợ đêm Dinh Cậu (thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, Kiên Giang) đồng loạt treo nhiều băng rôn trước cổng chợ và các quầy hàng.
Thông điệp truyền đi của tiểu thương là “Hãy cứu lấy chợ đêm Dinh Cậu” và “Yêu cầu được đối thoại với ông Đinh Khoa Toàn- Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc về việc thông báo di dời chợ đêm Dinh Cậu trước ngày 28.7”.
Theo các tiểu thương, họ không muốn Phú Quốc xóa sổ chợ đêm Dinh Cậu, vốn đã hoạt động ổn định nhiều năm nay. Đối với khu vực di dời chợ đến điểm kinh doanh mới, theo người dân thì quá hẹp, không đủ số lượng lô kinh doanh như tại chợ Dinh Cậu.
Chợ đêm Dinh Cậu |
Một tiểu thương cho biết, hơn nửa năm qua, các hộ kinh doanh gửi đơn xin gặp chủ tịch huyện nhưng chỉ gặp được phó chủ tịch. Khi đối thoại với phó chủ tịch thì ông này nói không đủ thẩm quyền giải quyết những vấn đề mà tiểu thương đưa ra.
“Chợ đêm Dinh Cậu tồn tại 10 năm, nuôi sống hơn 1.000 người có việc làm ổn định. Nay di dời về chợ mới chỉ có 46 lô trong khi chợ cũ trên 70 lô thì làm sao bố trí đủ? Chủ trương của Nhà nước thì người dân chấp hành nhưng vị trí mới chưa biết kinh doanh ra sao, thời gian và giá thuê lô cũng chưa thông báo rõ”, một tiểu thương nói.
Chợ đêm Dinh Cậu hoạt động từ tháng 9.2007, trở thành một điểm nhấn trong hoạt động du lịch của Phú Quốc. Từ vài chục gian hàng nhỏ lẻ ban đầu, chợ đêm này hiện có khoảng 70 quầy hàng kinh doanh ăn uống, hải sản, quà lưu niệm.
Cũng theo tiểu thương này, cuối năm 2015, huyện họp dân nói chỉ sửa chợ Dinh Cậu rồi cho tồn tại. Nhưng 2 tháng sau, chính quyền sở tại bất ngờ thông báo xóa sổ chợ này khiến tiểu thương hoang mang.
Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Nghiệp, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết, chợ đêm Dinh Cậu nằm dọc theo 2 vỉa hè đường Võ Thị Sáu, do Trung tâm Văn hóa ký hợp đồng cho người dân thuê vị trí kinh doanh với thời gian 6 tháng/lần.
Để phân luồng giao thông trên tuyến đường này, huyện quyết định không ký hợp đồng cho thuê vỉa hè từ 1.1.2016, và để người dân kinh doanh miễn phí đến hết tháng 6. Trong thời gian này địa phương chọn được vị trí mới để di dời chợ nhằm cứu lấy tiểu thương.
“Trước đây tiểu thương nói không còn chỗ để đăng ký bên chợ Bạch Đằng, cách chợ Dinh Cậu vài trăm mét. Nay, chúng tôi chọn được vị trí thì bà con lại không chịu đi. Vị trí mới nối tiếp với chợ Bạch Đằng, có 46 lô, khớp với 46 hộ ký hợp đồng với Trung tâm Văn hóa”, ông Nghiệp khẳng định.
Theo ông Nghiệp, lý do chợ Dinh Cậu có trên 70 lô là do hộ ký hợp đồng kinh doanh tốt nên chia nhỏ thành 3-4 lô tại vị trí của mình, chứ thực tế chỉ có 1 hộ. Những lô phát sinh này UBND huyện không giải quyết ở khu chợ mới.
“Buổi họp mới đây, tôi nói chỉ đáp ứng số hộ theo thực tế ký hợp đồng trước đây, không bố trí theo lô được vì diện tích đất có hạn. Bà con “được voi đòi tiên”, bởi gặp tôi hay chủ tịch đều cùng một hướng giải quyết thôi vì tập thể lãnh đạo”, Phó chủ tịch huyện Phú Quốc, Phạm Văn Nghiệp chia sẻ.
Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, Đinh Khoa Toàn cho biết, ông chưa xem băng rôn của tiểu thương. Tuy nhiên, ông nói người dân gặp ông Nghiệp là đã đủ, không cần phải gặp chủ tịch.
Theo Một thế giới