- Trao đổi với báo chí ngày 15/7, ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia 2018 của tỉnh - cho biết Hà Giang sẽ có câu trả lời thoả đáng cho dư luận trước những nghi vấn về bất thường về kết quả thi của địa phương này.

"Có dấu hiệu bất thường, rà soát ngay" 

Thưa ông, sau công văn của Bộ GD-ĐT, Hà Giang đã thực hiện việc rà soát những bất thường từ kết quả điểm thi THPT quốc gia năm 2018 như thế nào?

Ông Trần Đức Quý: Hiện tượng này là vấn đề mà dư luận, nhân dân quan tâm.

Đây là việc mà các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đều phân tích có những điểm bất thường, tỉnh cũng thấy đó là điều phải quan tâm ngay.

Ngay lập tức khi biết kết quả Hà Giang có 2 thí sinh trong tốp 10 thí sinh có điểm cao (xét theo tổ hợp 3 khối xét tuyển đại học – PV) tôi rất phấn khởi. Sau đó, đọc được thông tin"Nghi vấn điểm thi bất thường ở Hà Giang: "Ho một tiếng cũng đã có biên bản", tỉnh đã chỉ đạo trước hết không chờ ai hết, phải rà soát lại từng khâu một trong quá trình triển khai kỳ thi này, từ lúc nhận đề từ Bộ GD-ĐT về, triển khai giao đề đến các cơ sở; đến khâu quan trọng nữa tổ chức chấm thi các thành viên hội đồng chấm thi làm việc thế nào.

Clip: Ông Trần Đức Quý trao đổi với phóng viên VietNamNet chiều 15/7

Hà Giang đã triển khai nghiêm túc, sau đó thì có công văn của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Và đặc biệt ngày hôm qua, Bộ GD-ĐT đã lên phối hợp với Hà Giang để tổ chức triển khai, làm sao với mong muốn Hà Giang phải đánh giá nghiêm túc về kỳ thi này. Được cái gì, chưa được cái gì. Điểm đó có phải là điểm thực chất hay không. Nếu là điểm thực chất thì rất mừng. Nhưng nếu không phải thực chất và chắc chắn đây có dấu hiệu bất thường rồi thì phải làm đến nơi đến chốn để tạo lòng tin cho người dân Hà Giang.

Và không những là người dân Hà Giang, đây cũng là bài học để chúng ta, năm nay là năm thứ 4 tổ chức kỳ thi “2 trong 1”, phải xem cái gì được và cái gì chưa được, để làm thế nào tạo niềm tin cho xã hội.

Hà Giang xác định đây là không vì thành tích. Đây là nguồn nhân lực hết sức quan trọng trong xu thế hội nhập đất nước. Bác Hồ nói rồi, cán bộ là gốc của công việc, đặc biệt là thế hệ trẻ. Phải quan tâm đến thế hệ, bồi dưỡng cho thế hệ cách mạng đời sau hết sức quan trọng và cần thiết.

Muốn tỉnh phát triển được, đất nước phát triển được phải có đội ngũ cán bộ tốt. Muốn có đội ngũ cán bộ tốt, ngay từ nền học sinh phổ thông này là phải thực sự là những cháu có đủ điều kiện thì mới vào các trường Đại học.

Làm thế nào để đánh giá thực chất điểm thi là quyết tâm của tỉnh.

"Trở về điểm thực, không bao che"

Các cơ quan có thẩm quyền đang thực hiện công tác rà soát, cũng chưa khẳng định được có vấn đề gian lận hay không. Trong trường hợp có vấn đề đó xảy ra thì Hà Giang sẽ giải quyết như thế nào?

Mục tiêu đầu tiên là phải trở về điểm thực của các cháu. Thứ hai là sai đến đâu phải xử lý nghiêm túc đến đấy, kể cả vấn đề hình sự cũng phải làm và sẽ không có vùng cấm, tức là sẽ không có chuyện bao che, bất biết là ai.

Hi vọng là tỉnh quyết tâm, Bộ cũng quyết tâm sẽ sớm nhất có kết quả để công bố với dư luận, báo chí, công bố với người dân để làm sao lấy lại niềm tin của nhân dân đối với hội đồng thi này của Hà Giang.

Dư luận cũng rất quan tâm quy trình rà soát sẽ diễn ra như thế nào?

Quy trình theo từng khâu một.

Chúng tôi chọn khâu nào là khâu then chốt có thể xảy ra những tiêu cực. Rà soát lại tất cả các khâu song song và đồng bộ vì đoàn thanh tra của bộ có đầy đủ chức năng có thể làm những việc này hỗ trợ cho Hà Giang.

Phía tỉnh hỗ trợ gì cho Bộ trong công tác rà soát thanh tra?

Yêu cầu của Bộ tức là đặt vấn đề gì thì Hà Giang hợp tác luôn.

Không những riêng Sở GD-ĐT mà các ngành chức năng cần thiết thì chúng tôi sẽ quyết tâm rất cao.

Khi nhận được ý kiến phản hồi từ phía dư luận, từ ngày ấy đến ngày kiểm tra là bao nhiêu ngày. Hà Giang đã có động thái là rà soát lại?

Ngay ngày hôm sau chúng tôi đã rà soát lại rồi.

Khi rà soát, thấy những cái vấn đề bất thường, chúng tôi đã trao đổi và Bộ GD-ĐT cũng hỗ trợ luôn. 

Nhưng đây là lĩnh vực chuyên sâu. Có những cái một mình tỉnh không thể làm được mà phải nhờ đến sự hỗ trợ của cơ quan chức năng.

Do vậy, đoàn của Bộ GD-ĐT lên cũng còn có Học viện Ngân hàng là đơn vị trực tiếp tham gia áp sát công tác coi thi, một số chuyên gia trong lĩnh vực về Tin học.

CLIP: Đoàn công tác của Bộ GD-ĐT phối hợp với Ban chỉ đạo kỳ thi của tỉnh làm việc trong ngày nghỉ

 

Dự kiến công tác rà soát diễn ra trong bao lâu và bao giờ kết thúc?

Thời gian không còn dài vì việc công nhận kết quả thi cho các em sắp đến.

Chỉ còn vài ngày nữa là phải ký công nhận kết quả tốt nghiệp của các em rồi nên không thể để kéo dài được.  

Chúng tôi hi vọng là sớm tức là trong vòng vài ba ngày thôi.

"Nơi nào cũng có thể xảy ra, nhiều lúc rất tinh vi"

Diện rà soát của mình ở những hội đồng hay điểm thi nào?

Như tôi nói ban đầu là khâu nào mà đặt vấn đề có sự không bình thường thì tập trung vào đấy.

Trong quá trình thi không có hội đồng nào thông báo là có vấn đề bất thường.

Bây giờ phải tập trung từng vấn đề một: Phải xem vấn đề chấn thi như thế nào, đề khi chuyển về, vấn đề khi chấm ra sao, rồi bảo quản phong bì của các phòng thi,v,v,... Tóm lại là tập trung vào từ lúc thu về và đến lúc chấm.

Nghĩa là sẽ bỏ qua khâu coi thi ạ? Bởi vì theo như một thí sinh phản ánh thì bạn ấy vấn được phép trao đổi bài trong phòng thi.

À không! Tức là tập trung những khâu chính. Còn những cái anh em phản ánh hoặc là tất cả những thông tin phản ánh thì chúng tôi đều phải nghiên cứu hết, không bỏ sót một thông tin nào.

Tôi cũng khẳng định chắc chắn là trong thời gian sớm nhất sẽ có kết quả và sẽ đáp ứng được mục tiêu.

Hai nữa là sẽ đem lại lòng tin đối với Đảng, Nhà nước, lòng tin với đặc biệt đối với người dân.

Tất cả chúng ta phải chờ.

Bây giờ tôi không thể tiết lộ là chúng ta phải làm cái gì. Bây giờ nguyên tắc thanh kiểm tra chỉ khi có kết quả mới được công bố.

Nhưng là trưởng ban chỉ đạo kỳ thi ở Hà Giang, tôi khẳng định sẽ làm đến nơi đến chốn với tinh thần quyết tâm cao nhất, đặt lợi ích của nhân dân lên, tuyệt đối không có sự bao che.

Trước đó Bộ có giao là sẽ báo cáo kết quả vào ngày 17/7, nhưng sau đấy chỉ trong mấy ngày ký công văn ấy thì Bộ lại cử đoàn xuống. Liệu sự tham gia của Bộ có làm thay đổi kế hoạch ban đầu của tỉnh?

Chúng tôi chờ vào tiến độ, nhưng có thể chỉ chậm 1 - 2 ngày chứ không thể kéo dài được.

Đấy là nguyên tắc. Như tôi nói đây là một kỳ thi bắt buộc phải công nhận điểm cho các cháu để các cháu còn đăng ký vào Đại học.

Mình không như việc khác được. Vì vậy hôm qua có những tổ phải làm việc đến 1 giờ sáng.

Sự tham gia của Bộ là do có phát hiện tình huống bất thường hay là bên tỉnh mình đề xuất Bộ xuống?

Bí thư tỉnh Hà Giang: Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia cần rút kinh nghiệm

Bí thư tỉnh Hà Giang: Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia cần rút kinh nghiệm

Sáng 16/7, trao đổi với VietNamNet, Bí thư tỉnh ủy Triệu Tài Vinh cho biết, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các bên liên quan vào cuộc trước thông tin nghi vấn điểm thi bất thường trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh này.

 

 Khi chúng tôi tổ chức triển khai thấy một số vấn đề khó.

Tôi nói ban đầu cần có sự phối hợp. Một địa phương không thể làm được, cần có những chuyên gia trong lĩnh vực này.

Nói vậy cho các bạn hiểu là không phải là việc đơn giản mà đây là việc hết sức cấp thiết rồi. Chúng ta phải có sự phối hợp và hỗ trợ mới làm được. Vì ở Bộ các anh làm rất nhiều kinh nghiệm trong vấn đề thanh tra.

Mặc dù việc vi phạm quy chế thi, vi phạm vấn để điểm thi này không phải Hà Giang là điểm đầu tiên. Nơi nào cũng có thể xảy ra, nhiều lúc rất tinh vi nên cần phải có sự vào cuộc của những người chuyên ngành thì mới làm được.

Sau khi kết thúc quá trình rà soát, nếu phát hiện sai phạm, thì ngoài việc xử lý những cá nhân liên quan, thì Hà Giang có tổ chức chấm lại hoặc có động thái nào tác động đến kết quả thi của thí sinh?

Quan điểm của Bộ trưởng Giáo dục là điểm đó phải trở về thực chất với năng lực của học sinh. Tôi chỉ nói một câu như vậy để các bạn hiểu thế nào, bước đi của chúng tôi chặt chẽ. Điểm cao là vui, nhưng điểm cao mà không thực chất thì phải loại ra. Ai sai ở đâu thì xử lý, ai sai người đó phải chịu.

Hà Giang có dám khẳng định sẽ có câu trả lời thoả đáng với dư luận không?

Những phản ánh của báo chí, của dư luận hoàn toàn có cơ sở.

Chúng tôi sẽ sớm có câu trả lời thoả đáng, vì đó là niềm tin của người dân với chính quyền.

Xin cảm ơn ông!

Đình Hiếu