Từng là một cổ phiếu blue-chip, với khối lượng giao dịch đứng hàng đầu trên sàn chứng khoán, PVX của Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam dưới thời “sếp đi Lexus biển xanh” Trịnh Xuân Thanh đã bắt đầu lao dốc không phanh, thua lỗ hơn 3 ngàn tỷ đồng, hàng ngàn tỷ đồng khác bị “đóng băng” tại các khoản đầu tư…

Bi đát “ông vua” một thời

Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) 2016 của PVX đã xác nhận bức tranh bi đát về một DN từng ở vị trí hàng đầu trên sàn chứng khoán Hà Nội trong thời gian dài. Đó là: thua lỗ kéo dài, nợ nần chồng chất, làm ăn không hiệu quả và hàng ngàn tỷ bị đóng băng.

Thông tin một DN có vốn chủ sở hữu 3 ngàn tỷ đồng nhưng “còn 3,2 ngàn tỷ đồng đóng băng tại các khoản đầu tư tài chính, không tạo ra lợi nhuận, chưa kể nhiều khoản phải trích lập dự phòng do giá cổ phiếu giảm, thu hồi công nợ không thu được”, đã thực sự gây sốc cho các NĐT.

{keywords}
Ông Trịnh Xuân Thanh.

Giai đoạn bắt đầu lao dốc của PVX cũng là thời điểm DN đang được điều hành bởi ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên chủ tịch PVX và hiện là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, người đang được dư luận quan tâm vì gắn biển xanh cho xe sang Lexus và vừa trúng cử đại biểu QH khóa XIV.

Ông Thanh về PVX từ cuối 2007 và giữ vị trí Chủ tịch PVX từ 2009 đến giữa 2013. Đến thời điểm ông Thanh luân chuyển về Bộ Công Thương khoản lỗ hợp nhất năm 2013 của PVX lên tới hơn 3 ngàn tỷ đồng.

Từ lãi gần 600 tỷ đồng trong năm 2010, PVX đã chuyển sang lỗ 19 tỷ đồng năm 2011, lỗ hơn 1,3 ngàn tỷ đồng năm 2012 và lỗ 1,6 ngàn tỷ đồng trong năm 2013.

Theo quy định, PVX thuộc diện bị hủy niêm yết bắt buộc do lỗ 3 năm liên tiếp. Tuy nhiên, PVX đã bất ngờ thoát án bị hủy niêm yết sau khi hồi tố điều chỉnh kết quả kinh doanh (KQKD) 2011. DN bỗng dưng từ lỗ chuyển thành… lãi gần 600 triệu đồng, cho dù trước đó Kiểm toán Nhà nước đã từng kiến nghị PVX điều chỉnh KQKD khiến năm 2011 lỗ thay vì lãi trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán bởi Deloite.

Tháng 9/2013 ông Trịnh Xuân Thanh bất ngờ rời khỏi PVX về Bộ Công thường. Đến 25/1/2014, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 49/TB-VPCP thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nêu rõ: “Yêu cầu Tập đoàn kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân trong việc kinh doanh thua lỗ gây khó khăn cho Tập đoàn của Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam. Xử lý nghiêm các hành vi sai phạm. Báo cáo Bộ Công Thương và yêu cầu Bộ xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.

Hai năm gần đây, sau khi ông Thanh rời PVX, dù không còn lỗ nhưng mức lãi của PVX cũng như kế hoạch lãi rất thấp, chỉ một vài chục tỷ so với quy mô vốn điều 4 ngàn tỷ đồng.

Tính tới cuối quý I/2016, tổng nợ ngắn hạn của PVX lên tới gần 9,8 ngàn tỷ đồng, cao hơn tổng tài sản lưu động 9,1 ngàn tỷ đồng của DN và cao gấp 3,3 lần vốn chủ sở hữu của DN. Nhiều cảnh bảo kiểm toán gần đây đều đề cập tới khả năng mất thanh toán của DN.

Chưa thấy đường thoát

Lịch sử thị trường cho thấy, nhiều NĐT từng “ăn đủ” và không ít “chết đậm” khi mua bán cổ phiếu PVX. Từng là cổ phiếu dẫn dắt của sàn Hà Nội, PVX hồi năm 2010 có giá lên tới 30.000 đồng/cp. Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó, PVX xuống dưới 10.000 đồng/cp và tới 2013 chỉ còn 2.500 đồng/cp.

Hàng loạt biện pháp xoay sở thoát hủy niêm yết, cho tới tuyên bố quyết tâm thoái vốn tại 13 DN hồi năm 2014… đã đưa cổ phiếu PVX lên gần 8.000 đồng/cp. Tuy nhiên, giấc mơ kỳ vọng PVX hồi phục của nhiều NĐT đã tan biến thành mây khói khi KQKD của DN này vài năm sau đó vẫn dẫm chân tại chỗ, lỗ lũy kế và nợ vẫn ở mức rất lớn, thoái vốn không thành… Tính tới thời điểm hiện tại (giữa tháng 6/2016), PVX vẫn đang loanh quanh ở mức 2.500 đồng/cp.

{keywords}

Hậu quả đầu tư dàn trải vào lĩnh vực đầu tư tài chính vẫn chưa được khắc phục, trong khi PVX tiếp tục lún sâu vào các dự án BĐS trong ngành dầu khí. Những dự án bánh vẽ nổi đình nổi đám như Tòa tháp Dầu khí 100 tầng với tổng đầu tư hàng tỷ USD giờ đây gần như đã rơi vào quên lãng.

Hàng loạt các dự án như: chung cư Thăng Long (TP.Hồ Chí Minh), dự án Khu đô thị dầu khí Đức Giang (Hà Nội), Xuân Phương (Hà Nội), dự án sân golf và biệt thự sinh thái Cam Ranh 172 ha… vẫn còn dang dở.

Theo báo cáo kiểm toán 2015, PVX còn gặp khó khăn trong việc chuyển nhượng dự án KCN Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp (Tiền Giang), phê duyệt các giá trị phát sinh chưa lường hết được của công trình Nhà máy Sản xuất Ethanol nhiên liệu sinh học khu vực phía Bắc, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 và Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Sự trượt dốc của PVX bắt đầu từ 2011 có nguồn gốc chính từ việc chạy đua đầu tư ngoài ngành, đầu tư dàn trải vào các công ty con, công ty liên kết và đầu tư tài chính trong bối cảnh thị trường BĐS không thuận. Từ 10 công ty con và liên kết hồi cuối 2010, chưa tới 2 năm sau đó, PVX đã có gần 30 công ty thành viên và 15 DN liên kết.

Bên cạnh đó còn là vấn đề minh bạch. Nỗ lực cứu DN bằng mọi giá để thoát khỏi án hủy niêm yết rồi những sai sót chênh lệch trong báo cáo 6 tháng đầu năm 2015 … khiến giới đầu tư nghi ngờ các báo cáo của DN.

Trong vài tháng gần đây, PVX liên tục đăng ký thoái vốn tại các DN. Tuy nhiên, không ít NĐT nghi ngờ sau nỗ lực thoái vốn của PVX khi đã chứng kiến thất bại hồi năm 2014.

Có thể thấy, tái cơ cấu là thực sự cần thiết cho PVX. Tuy nhiên, kết quả tái cấu trúc như thế nào mới là quan trọng. Trong đề án tái cơ cấu của PVX vẫn chỉ là: rà soát, đánh giá sử dụng vốn, tìm hướng tăng doanh thu… Trong khi, cái quan trọng nhất là thoái hết vốn khỏi các DN ‘xác chết’ thì không được thực hiện triệt để.

M. Hà