Lễ ra mắt Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam (VCDC), tổ chức chuyên môn thuộc Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) vừa được tổ chức sáng nay, ngày 23/1/2018 tại Hà Nội.

Được thành lập theo Quyết định 98 ngày 28/11/2017 của Chủ tịch VNISA, Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam có 7 thành viên sáng lập đến từ Công ty CP Bkav (Bkav-CA), Tổng Công ty Viễn thông Viettel (Viettel-CA), Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông VNPT (VNPT-CA), Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT (FPT-CA), Công ty CP Nacencom (CA2), Công ty cổ phần Chữ ký số Vina (Smart-Sight) và Công ty CP Chữ ký số NewCA (NewCA). Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Bkav được bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ; Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ là ông Hứa Tiến Thành, Giám đốc sản phẩm của Viettel-CA.

Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam ra đời được đánh giá là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của lĩnh vực Chữ ký số, xác thực điện tử và giao dịch điện tử. Câu lạc bộ là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng tại Việt Nam, với tôn chỉ và mục đích góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên tham gia; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu công nghệ, thông tin kinh tế, thị trường, xúc tiến thương mại, thúc đẩy quan hệ hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Câu lạc bộ cũng là cầu nối giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương, các ban, ngành Trung ương; đồng thời là nơi tập hợp nguyện vọng của các thành viên với cơ quan quản lý Nhà nước để tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kinh doanh, đưa dịch vụ chứng thực chữ ký số trở thành dịch vụ CNTT quan trọng trong hạ tầng thông tin quốc gia, là công cụ hữu hiệu  trong phát triển chính phủ điện tử, thương mại điện tử.

Cũng tại lễ ra mắt, Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam đã công bố và trao quyết định kết nạp 6 thành viên mới, nâng tổng số thành viên của Câu lạc bộ này lên 13 thành viên.

Chia sẻ tại buổi lễ, ông Vũ Quốc Thành - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VNISA cho biết, lịch sử thành lập các CA công cộng ở các nước cũng gần giống với việc thành lập ngân hàng, chứng khoán ở Việt Nam. Lúc đầu nhiều, sau đó sáp nhập, giải thể và được thu gọn. Mỗi nước chỉ còn từ 1-2 CA và hoạt động kinh doanh bùng nổ ban đầu không được như kỳ vọng.

“Ở Việt Nam, các nhà CA công cộng gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đứng vững. Việc các doanh nghiệp chữ ký số và giao dịch điện tử tập hợp với nhau tạo ra tổ chức liên kết mềm có thể là sự khởi đầu của giai đoạn thứ 2 cho sự phát triển các CA công cộng tại Việt Nam. Đây là điều rất đáng khích lệ. Câu lạc bộ này có nhiều ý nghĩa, không chỉ giúp khách hàng và các doanh nghiệp có đầu mối khi có vấn đề cần giải quyết; đồng thời cũng hỗ trợ phát triển thị trường”, ông Thành nói.

Đánh giá cao ý tưởng của VNISA trong việc thành lập Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam, ông Lã Hoàng Trung - Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) cho rằng, đây là lần đầu tiên sau nhiều năm các CA công cộng có chỗ ngồi với nhau, chia sẻ và phối hợp với nhau.

Theo ông Trung, trong thời gian qua, các CA công cộng đã hoạt động hết sức năng động, nhưng các doanh nghiệp cạnh tranh quyết liệt nhất là cạnh tranh về giá. Điều này đã đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho cơ quan nhà nước trong việc đưa ra chính sách.

“Chúng tôi hy vọng với việc ra mắt Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam, các doanh nghiệp có thể ngồi với nhau trao đổi, chia sẻ với nhau sòng phẳng nhằm bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp mình, cho khách hàng và nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ. Chúng tôi cũng mong muốn Câu lạc bộ sẽ trở thành một đầu mối trong phản biện, chia sẻ với cơ quan quản lý nhà nước, đóng góp ý kiến để xây dựng, hoàn thiện chính sách trong lĩnh vực này”, ông Trung chia sẻ.

Theo VNISA, sau hơn 10 năm triển khai, đến nay chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số đã trở thành một dịch vụ CNTT quan trọng và ngày càng phổ biến, góp phần thúc đẩy ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử và phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam. Chữ ký số được xác định là giải pháp quan trọng để đảm bảo tính toàn vẹn dữ liệu, tính xác thực và tính chống chối bỏ trong các giao dịch điện tử. Đặc biệt, các giao dịch điện tử sử dụng chữ ký số mang tính pháp lý và được pháp luật bảo hộ, phục vụ hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước, triển khai các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp cũng như các hoạt động phát triển thương mại điện tử.

Số liệu thống kê tại Sách Trắng CNTT-TT 2017 cho hay, tính đến cuối 2016, thị trường cung cấp dịch vụ chứng thư số công cộng đã có sự góp mặt của 8 doanh nghiệp gồm VNPT-CA, Viettel-CA, Bkav-CA, FPT-CA, Smart-Sign, Safe-CA, Newtel-CA và Nacencomm (CA2). Cũng theo Sách Trắng CNTT-TT 2017, tỉ lệ tổ chức sử dụng chữ ký số cho các giao dịch điện tử năm 2016 là 54%, tăng 8% so với năm 2015. Tổng số chứng thư số công cộng đang hoạt động tính đến cuối năm 2016 là 800.171 chứng thư số, tăng 66.325 chứng thư số (tương đương khoảng 9%) so với năm 2015.